Thời gian thi tốt nghiệp THPT năm 2022 phù hợp với tình hình dịch bệnh tại địa phương
Theo đó, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 được tổ chức cơ bản giữ ổn định như năm 2021.
Các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là tỉnh) chủ trì toàn bộ công tác tổ chức thi tại địa phương theo khung thời gian tổ chức thi do Bộ GD&ĐT quy định.
Thời gian tổ chức kỳ thi tại các tỉnh có thể được xem xét điều chỉnh phù hợp với tình hình dịch bệnh tại địa phương.
Nội dung thi nằm trong chương trình giáo dục THPT hiện hành, chủ yếu là chương trình lớp 12; không bao gồm các nội dung được tinh giản đi nhằm phục vụ dạy và học ứng phó dịchCovid-19mà Bộ GD&ĐT đã công bố.
Đề thi được xây dựng đáp ứng yêu cầu của kỳ thi, bảo đảm độ phân hóa phù hợp và hạn chế học tủ, học lệch, khuyến khích sáng tạo của thí sinh.
Bộ GD&ĐT xây dựng cấu trúc, định dạng đề thi, công bố đề thi tham khảo; hoàn thiện ngân hàng câu hỏi thi để tổ hợp thành các đề thi bằng phần mềm chuyên dụng, cung cấp cho các địa phương tổ chức thi, bảo đảm cân bằng giữa các vùng miền, các tỉnh và giữa các đợt thi (nếu tổ chức nhiều đợt thi).
Bộ GD&ĐT cùng các địa phương tổ chức thanh tra, kiểm tra tất cả các khâu của kỳ thi để bảo đảm an toàn, nghiêm túc, thiết thực, khách quan, công bằng.
Về phương án thi THPT các năm 2023-2025, Bộ GD&ĐT sẽ hoàn thiện phương án, lấy ý kiến rộng rãi các bên liên quan và sẽ công bố vào Quý I năm 2022.
Thực hiện quyền tự chủ trong tuyển sinh
Trong tuần, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn đã ký Công văn số 3399, hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục đại học năm học 2021-2022.
Một trong những nội dung quan trọng của Công văn là vấn đề tuyển sinh. Đối với nội dung này, Bộ GD&ĐT đề nghị các trường ĐH cần phải tiếp tục hoàn thiện và triển khai thực hiện lộ trình đổi mới công tác tuyển sinh giai đoạn 2021-2025 gắn với đổi mới thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT.
Các trường chủ động hợp tác, liên kết tổ chức các kỳ thi đánh giá năng lực, kiểm tra tư duy tại các địa phương, tổ chức xét tuyển chung nhằm đáp ứng yêu cầu riêng của từng cơ sở đào tạo đồng thời tạo điều kiện, cơ hội tốt nhất cho thí sinh, tránh việc thí sinh phải đi lại tốn kém hoặc phải tham dự nhiều kỳ thi.
Đồng thời, cần có các động thái chuẩn bị, tiến tới hình thành các trung tâm khảo thí chuyên nghiệp của các cơ sở giáo dục đại học và trung tâm khảo thí độc lập.
Các trường đẩy mạnh kiểm định chất lượng giáo dục, đặc biệt là kiểm định chất lượng chương trình đào tạo; chú trọng việc cải tiến, nâng cao chất lượng đào tạo sau đánh giá; kết quả kiểm định chất lượng là cơ sở để cơ sở đào tạo đưa ra các giải pháp cải tiến chất lượng liên tục đối với các chương trình đào tạo.
Các cơ sở đào tạo tập trung rà soát vấn đề liêm chính học thuật, đảm bảo nguyên tắc trung thực, trách nhiệm, công bằng và minh bạch theo thông lệ quốc tế. Xây dựng công cụ để kiểm soát và ngăn chặn kịp thời hành vi đạo văn, gian lận trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng thực hiện quyền tự chủ trong tuyển sinh theo quy định của pháp luật và quy chế, hướng dẫn của Bộ GD&ĐT; thực hiện công tác tuyển sinh theo đề án tuyển sinh của trường, bảo đảm công bằng cho các nhóm đối tượng và các phương thức tuyển sinh; khuyến cáo những trường đại học, ngành học có mức độ cạnh tranh cao chỉ sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT làm công cụ sàng lọc, sơ tuyển, sau đó, cần có thêm các hình thức chọn lọc bổ sung nhằm phân loại tốt hơn đối tượng tuyển chọn.
Các đại học quốc gia, đại học vùng và các trường/nhóm trường đại học đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện có thể tổ chức các kỳ thi đánh giá để làm căn cứ xét tuyển ĐH, CĐ và chia sẻ, hỗ trợ các trường khác có nhu cầu.
Tiếp nhận học sinh chuyển trường do Covid-19
Tuần qua, Bộ GD&ĐT đã có văn bản yêu cầu cơ sở giáo dục tại các địa phương phải tạo điều kiện tiếp nhận học sinh di chuyển về học tập sau giãn cách xã hội.
Thời điểm hiện tại có nhiều học sinh, trẻ em mầm non cùng gia đình di chuyển từ các tỉnh, thành về quê sau một thời gian dài thực hiện giãn cách xã hội phòng chống dịch Covid-19.
Để đảm bảo quyền được học tập của học sinh tại trường ở nơi những gia đình học sinh trở về cư trú, Bộ GD&ĐT yêu cầu các sở GD&ĐT chỉ đạo các trường học trên địa bàn tiếp nhận, tạo điều kiện thuận lợi nhất để học sinh được đến trường hoặc tham gia học tập trực tuyến, qua truyền hình do các trường học tổ chức.
Bên cạnh đó, các nhà trường cũng tạo điều kiện thuận tiện nhất để những trường hợp học sinh từng bị kẹt xin học tạm ở các vùng quê hoàn tất thủ tục chuyển về trường cũ theo quy định.
Các nhà trường có học sinh chuyển về phải chủ động bố trí xếp lớp cho học sinh theo đúng đối tượng và tổ chức ôn tập, củng cố kiến thức cho học sinh để các em sớm theo kịp với yêu cầu trong kế hoạch giáo dục của nhà trường.
Những trường hợp đặc biệt có khó khăn vướng mắc, các sở GD&ĐT có trách nhiệm báo cáo về Bộ GD&ĐT để được hỗ trợ giải quyết.