Phát triển nguồn nhân lực giảng dạy tiếng Khmer tại Trà Vinh:

'Giữ lửa' văn hóa dân tộc

GD&TĐ - Đào tạo, xây dựng đội ngũ giáo viên dạy tiếng Khmer được tỉnh Trà Vinh đặc biệt quan tâm.

Giờ thực tập dạy tiếng Khmer của sinh viên ngành Ngữ văn Khmer Nam Bộ (Trường ĐH Trà Vinh). Ảnh: TG
Giờ thực tập dạy tiếng Khmer của sinh viên ngành Ngữ văn Khmer Nam Bộ (Trường ĐH Trà Vinh). Ảnh: TG

Qua đó, việc dạy và học tiếng nói, chữ viết dân tộc trong các cơ sở giáo dục khá hiệu quả.

Nâng chất đội ngũ giảng dạy

Hơn 10 năm thực hiện Nghị định số 82/2010/NĐ-CP của Chính phủ, việc dạy và học tiếng nói, chữ viết dân tộc thiểu số trong các cơ sở giáo dục tại tỉnh Trà Vinh có những chuyển động tích cực. Để đạt kết quả, địa phương quan tâm phát triển, đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ giáo viên tiếng dân tộc thiểu số.

So với giáo viên dạy tiếng dân tộc thiểu số khác, giáo viên tiếng Khmer được đánh giá cơ bản đạt trình độ chuẩn đào tạo chuyên môn theo quy định. Giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ của tỉnh là ngoài đào tạo chuyên môn, còn bổ sung kiến thức, kỹ năng ngôn ngữ tiếng dân tộc...

Giữa tháng 11/2023, lớp bồi dưỡng giảng dạy tiếng Khmer được Trà Vinh tổ chức thu hút gần 100 học viên là cán bộ sở, phòng GD&ĐT và 60 giáo viên dạy tiếng Khmer ở các trường trong tỉnh. Đây là hoạt động bồi dưỡng thường xuyên nhằm nâng cao năng lực giảng dạy, khả năng hiểu biết, sử dụng thành thạo ngôn ngữ Khmer để giáo viên truyền đạt thông tin hiệu quả nhất cho học sinh vùng đồng bào dân tộc.

ThS Nhan Minh Phúc - Phó Giám đốc Trung tâm Ngoại ngữ - Tin học Victory (Trường ĐH Trà Vinh) cho biết: Chương trình bồi dưỡng gồm 6 chuyên đề, 165 tiết, học trong 6 tuần dành cho giáo viên giảng dạy tiếng Khmer trên địa bàn tỉnh. Sau khi hoàn thành khóa học, học viên có kiến thức về văn hóa, tiếng nói, chữ viết… từ đó áp dụng tốt hơn vào thực tiễn giảng dạy.

Tham gia lớp bồi dưỡng giảng dạy tiếng Khmer, thầy Thạch Lời - giáo viên Trường THCS Hàm Giang (huyện Trà Cú, Trà Vinh) cho hay: Lớp bồi dưỡng trang bị cho học viên kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ sư phạm cơ bản về giảng dạy cho học sinh dân tộc học tiếng Khmer và người học tiếng Khmer ở các trung tâm giáo dục thường xuyên. Sau khi tham gia lớp học, học viên có thể áp dụng kiến thức vào công việc, đáp ứng nhu cầu học cao hơn trong tương lai...

Theo đại diện Sở GD&ĐT Trà Vinh, thực hiện công tác chăm lo, phát triển trình độ văn hóa vùng đồng bào Khmer, tỉnh chú trọng triển khai dạy chữ Khmer trong cơ sở giáo dục phổ thông giai đoạn 2022 - 2030. Tỉnh hiện có 121 trường dạy chữ Khmer với trên 28 nghìn học sinh tham gia. Đồng thời, duy trì việc dạy và học chữ Khmer thử và thực nghiệm theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT tại Trường Tiểu học Đa Lộc A, Trường Tiểu học Lương Hòa C (huyện Châu Thành).

Cán bộ, giáo viên tỉnh Trà Vinh tham gia lớp bồi dưỡng giảng dạy tiếng Khmer. Ảnh: TG

Cán bộ, giáo viên tỉnh Trà Vinh tham gia lớp bồi dưỡng giảng dạy tiếng Khmer. Ảnh: TG

Chú trọng đào tạo nhân lực

Hiện, cả nước có 6 tiếng dân tộc thiểu số được tổ chức dạy học chính thức gồm: Mông; Ê Đê; Jrai; Bahnar; Chăm và Khmer tại 21 tỉnh/thành. Hằng năm có hơn 600 trường học, với 4.500 lớp và 110 nghìn học sinh được học tiếng dân tộc thiểu số. Số học sinh học tiếng dân tộc thiểu số chiếm khoảng 3,9% tổng số học sinh dân tộc thiểu số ở cấp học phổ thông.

Đối với giảng dạy tiếng Khmer, cả nước chỉ có một trường đại học đào tạo giáo viên chính quy và cấp bằng giáo viên tiếng dân tộc thiểu số là Trường Ngôn ngữ - Văn hóa - Nghệ thuật - Khmer Nam Bộ và Nhân văn (thuộc Trường ĐH Trà Vinh). Đây cũng là ngôi trường đầu tiên trong cả nước được Chính phủ giao nhiệm vụ đào tạo chính quy các chuyên ngành đặc thù về ngôn ngữ Khmer, sư phạm tiếng Khmer, biểu diễn nhạc cụ truyền thống.

Số lượng sinh viên, học viên đang học đại học và nghiên cứu sinh tại trường là gần 2.500. ThS Thạch Sê Ha - giảng viên tiếng Khmer chia sẻ: Sinh viên tham gia học chương trình tiếng Khmer chủ yếu đến từ các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long như Sóc Trăng, Cà Mau, Bạc Liêu… Đặc biệt, nhiều học sinh dân tộc Kinh và S’tiêng cũng chọn học ngành Ngôn ngữ Khmer.

Theo TS Ngô Sô Phe – Hiệu trưởng Trường Ngôn ngữ - Văn hóa - Nghệ thuật - Khmer Nam Bộ và Nhân văn, để khuyến khích sinh viên theo học các ngành đặc thù, trường miễn 100% học phí cho sinh viên ngành Sư phạm (theo Nghị định 116 năm 2020 của Chính phủ) và ngành Biểu diễn nhạc cụ truyền thống; ngoài ra, mỗi sinh viên được hỗ trợ sinh hoạt phí hằng tháng 450.000 đồng. Riêng sinh viên theo học ngành Văn hóa học, Âm nhạc học được giảm 30% học phí.

Ngoài ra, nhà trường tham gia bồi dưỡng giáo viên dạy tiếng Khmer; lớp bồi dưỡng chứng chỉ tiếng Khmer; bồi dưỡng tiếng Khmer cho công chức, viên chức công tác ở vùng có đông đồng bào dân tộc Khmer trên phạm vi cả nước. Không chỉ hướng đến mục tiêu nâng cao trình độ dân trí, đào tạo cán bộ trình độ cao, trường còn đào tạo những người “giữ lửa” cho bản sắc văn hóa dân tộc Khmer Nam Bộ.

Chúng tôi tiếp tục mở rộng các hoạt động hợp tác quốc tế, đa dạng hình thức hợp tác đào tạo, nghiên cứu, chuyển giao và phục vụ cộng đồng; trao đổi sinh viên, giảng viên, tình nguyện viên và hợp tác triển khai các dự án tài trợ. Đặc biệt, trường sẽ đẩy mạnh tuyển sinh quốc tế ở đại học và sau đại học, đào tạo theo hướng đa dạng ngoại ngữ như tiếng Anh, Pháp, Hàn Quốc, Trung Quốc, Khmer… giúp sinh viên mở rộng cơ hội việc làm trong và ngoài nước. - TS Ngô Sô Phe

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.