Giữ lửa tình yêu nghề giáo: Gieo những ước mơ

GD&TĐ - Có những giáo sinh mới ra trường, cầm tấm bằng loại ưu vẫn sẵn sàng đến với bản làng heo hút; nhiều thầy cô tình nguyện gắn với vùng khó; rồi người thầy tận tụy với việc dạy trẻ khuyết tật biết bao năm dài...

Cô Hà trong giờ lên lớp. Ảnh: NVCC
Cô Hà trong giờ lên lớp. Ảnh: NVCC

Đó thực sự là những người đi gieo tri thức, hy vọng, ước mơ, giúp cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn. 

Mơ đến với non cao, núi ngàn

Sinh ra, lớn lên tại Hà Nội, tốt nghiệp Khoa Ngữ văn, Trường ĐHSP Hà Nội 2 năm 2021 với bằng giỏi và nhiều thành tích khác, không ai nghĩ Đỗ Thị Liên luôn trong tâm thế sẵn sàng đăng ký để được dạy học ở vùng sâu, vùng xa.

Quyết định này, theo chia sẻ của Liên, xuất phát từ chuyến đi thực tế cùng Đoàn trường vào tháng 3/2019 tại Hòa Bình. Sau đợt tình nguyện, được trải nghiệm thực tế, gặp gỡ và trò chuyện với các em nhỏ học tập ở xã Ngổ Luông, huyện Tân Lạc, tận mắt chứng kiến con đường đi học gập ghềnh sỏi đá, cơ sở vật chất trường học còn đơn sơ, Liên ngập đầy cảm xúc khó nói thành lời.

“Em đã xem nhiều hình ảnh, video về thầy cô đang công tác ở vùng sâu, vùng xa và luôn ấp ủ cho dự định này. Nghề dạy học sẽ không tránh khỏi khó khăn, vất vả, đặc biệt dạy học tại vùng sâu, xa, nhưng em cho rằng, mình còn trẻ nên phải cố gắng nuôi dưỡng và thực hiện đam mê gieo từng con chữ trên nhiều mảnh đất của Tổ quốc”, Đỗ Thị Liên tâm sự.

Nghề giáo đòi hỏi phải thật sự yêu, tâm huyết. Với nhà giáo làm công tác giáo dục HS đặc biệt càng phải có tấm lòng yêu thương HS, sự bao dung, nhẫn nại và hi sinh rất nhiều mới có thể bám trụ với nghề. Bản thân tôi luôn có sự giúp đỡ, tạo điều kiện hết mình từ đồng nghiệp, lãnh đạo nhà trường, động viên từ gia đình… Mỗi ngày nhìn HS tiến bộ, không còn tự ti hay tự cô lập bản thân… đó chính là hạnh phúc và động lực để tôi gắn bó với nghề. - Cô Nông Thị Hà

Tốt nghiệp Đại học Sư phạm loại giỏi với điểm số 3,56/4,0, năm 2017 anh Nguyễn Đức Hùng (quê Hưng Hà, Thái Bình) quyết định lên Điện Biên dạy học vì yêu thiên nhiên Tây Bắc. Thi đỗ với thành tích cao nhất trong 26 thí sinh dự thi môn Vật lý, tháng 3/2018, anh Hùng bắt đầu công tác tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT Điện Biên Đông.

Vượt qua khó khăn những ngày đầu công tác ở nơi mình chưa từng đặt chân đến; xa nhà, bạn bè, người thân; khác biệt về ngôn ngữ, văn hóa; điều kiện sinh sống nhiều thiếu thốn; học sinh nhút nhát, rụt rè, giao tiếp khó khăn; đường sá đi lại rất vất vả… thầy giáo trẻ dần gắn bó với nơi khó khăn này và đạt được nhiều thành tích trong công việc cũng như cuộc sống. “Tháng 9/2021 tôi lập gia đình và quyết định sẽ gắn bó, cống hiến cho ngành Giáo dục và tỉnh Điện Biên”, anh Hùng cho hay.

Không chỉ Liên, anh Hùng, rất nhiều sinh viên tốt nghiệp Trường ĐHSP Hà Nội 2 sẵn sàng gắn bó với giáo dục vùng khó. ThS Nguyễn Hữu Hoà, Phó Trưởng phòng Công tác Chính trị - HSSV, Trường ĐHSP Hà Nội 2, cho biết: Khảo sát tình hình việc làm của sinh viên trong 2 năm gần đây, có hơn 90% sinh viên Trường ĐHSP Hà Nội 2 có việc làm sau 12 tháng tốt nghiệp. Trong đó, nhiều cựu sinh viên tự tạo việc làm cho bản thân, đồng thời cung cấp không ít vị trí việc làm cho xã hội. Một số em đã, đang công tác tại các vùng sâu, xa, đặc biệt khó khăn ở các tỉnh miền núi phía Bắc như: Lào Cai, Điện Biên, Lai Châu, Hà Giang, Yên Bái,…

Cô Lê Thị Hạnh (thứ 4 từ bên phải) và học trò.
Cô Lê Thị Hạnh (thứ 4 từ bên phải) và học trò.

Tình yêu làm đất lạ hóa quê hương

Tốt nghiệp sư phạm, cô Lê Thị Hạnh nộp hồ sơ về Phòng GD&ĐT huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) xin việc, sau đó được điều động vào công tác tại Trường THCS Na Loi (nay là Trường PTDT bán trú THCS Na Loi), cách nhà hơn 300 cây số. Cô Hạnh nhớ như in ngày đầu đến nhận công tác bởi cảnh bản làng hoang sơ, người dân vất vả, học sinh đi học thiếu thốn đủ điều.

Trường học khi đó còn chưa có đủ bàn ghế để ngồi; phòng học tạm bợ, cứ trời mưa là cô trò phải dời chuyển để không ướt sách vở… Thương học trò và người dân nơi đây, nghĩ đến cảnh nhiều giáo viên vào công tác được một vài năm là xin chuyển, hoặc có giáo viên thấy vất vả quá chuyển nghề, cô Hạnh quyết định sẽ ở lại để vừa dạy chữ, dạy văn hóa, tuyên truyền cho bà con dân bản trong làm ăn phát triển kinh tế.

Những năm đầu, đời sống giáo viên với đồng lương ít ỏi, nên một năm cô chỉ về quê dịp Tết, hè. Có khi mưa lũ, trường bị cô lập, không đủ lương thực, một số giáo viên nam đã phải mạo hiểm bơi qua dòng nước dữ để mua thực phẩm. Nhưng khó khăn nhất là phải xa chồng, xa con. “Chồng bộ đội công tác xa nhà, tôi gửi con về cho ông bà cách trường 240 cây số chăm sóc. Nhiều đêm khóc ướt gối vì thương nhớ con, nhưng đành chấp nhận vì nơi công tác kinh tế khó khăn, đi lại quá vất vả, cheo neo, lúc gặp mưa gió đất núi sạt lở tính mạng cũng đứng trước cảnh ngàn cân treo sợi tóc”, cô Hạnh tâm sự

Quyết định như vậy và đến nay đã gần 20 năm cô Hạnh gắn bó với địa bàn vùng sâu, vùng xa, cũng là 14 năm phải xa con để công tác. Khó có thể nhớ được những lần vượt dốc chênh vênh hiểm trở để về các bản vận động học sinh đến trường. Rồi đêm thâu thức chăm các em ở trạm y tế vì bố mẹ ở bản xa. Trong thời gian dịch bệnh, học sinh không thể đến trường, cô Hạnh lại đi giao bài cho từng em ở 8 điểm bản; tham gia dạy tại các bản, có nơi đến 20 cây số đường rừng, có khi cả tuần không về tới trường…

Chia sẻ về các thầy cô gắn bó với giáo dục vùng khó ở Kỳ Sơn, Nghệ An, ông Phan Văn Thiết, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Kỳ Sơn cho biết: Có những thầy cô dưới xuôi lên công tác tại vùng sâu, vùng xa đã trên 30 năm; trải qua rất nhiều khó khăn, có nơi chỉ có thể đi bộ, không có điện… Nhiều thầy cô giáo ăn ở trong nhà dân, mỗi năm chỉ về 2 lần vào dịp Tết và hè.

Đến nay, đời sống có nhiều thay đổi, nhưng Kỳ Sơn vẫn còn 5 trường chính và nhiều điểm trường lẻ chưa có điện lưới thắp sáng. “Ngành Giáo dục đã kêu gọi các dự án, cũng như sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm để làm nhà nội trú cho giáo viên, lắp đường ống để đưa nước về sinh hoạt hàng ngày, xin kinh phí lắp hệ thống điện mặt trời để giáo viên soạn bài… phần nào giúp thầy cô gắn bó yên tâm công tác”, ông Phan Văn Thiết cho hay.

Cô Nông Thị Ngọc Hà và học trò.
Cô Nông Thị Ngọc Hà và học trò.

Hạnh phúc của người thầy dạy hòa nhập

Hành trình 18 năm đứng trên bục giảng, cô Nông Thị Ngọc Hà (Trường Tiểu học Yên Sơn, Lục Nam, Bắc Giang) không nhớ đã dạy bao nhiêu trẻ khuyết tật. Học sinh của cô ở nhiều dạng khuyết tật khác nhau: Chậm phát triển trí tuệ, khuyết tật ngôn ngữ - giao tiếp, khiếm thính…

Thời gian đầu mới làm quen với việc này, khó khăn chồng chất, cô Hà từng rơi vào bế tắc, stress vì nhiều lúc không hiểu được ý nghĩ, hành vi của trẻ… Đặc biệt cô lại nhận lớp 1, học sinh khuyết tật càng khó hơn bội phần. Chỉ riêng dạy cách cầm bút, cầm phấn đúng cũng mất vài ngày; dạy số và một chữ cái có khi mất cả tuần các em mới nhớ được. Có em không làm chủ được bản thân, kĩ năng tự phục vụ còn hạn chế, thường la hét trong giờ, trong lớp; không hợp tác cùng cô và bạn… Song song với dạy kiến thức, giáo viên còn phải dạy thêm các em kĩ năng xã hội, nhận thức, tự phục vụ bản thân…

Năm học 2021 - 2022, lớp cô Hà phụ trách có 2 em chậm phát triển trí tuệ, sức khoẻ yếu… Vất vả khó kể hết, nhưng càng gắn bó cô càng thấy yêu công việc của mình. Những ánh mắt trẻ thơ, tiếng cười giòn tan của các bạn nhỏ, sự mong đợi, kỳ vọng từ gia đình… giúp cô như được tiếp thêm động lực.

“Hạnh phúc nhất là khi chứng kiến học trò tiến bộ”, tâm sự điều này, cô Hà kể câu chuyện về em Dương Thị Thu Hiền – Học sinh khuyết tật ngôn ngữ, trí tuệ chậm phát triển (mức độ nhẹ). Khi vào lớp 1, Hiền không giao tiếp với thầy cô, bạn bè; ngay cả khi ở nhà cũng rất ít nói…

Sau một thời gian trao đổi với gia đình, cô Hà kiên trì tâm sự, nói chuyện. Dù một thời gian dài Hiền không hợp tác… cô vẫn không bỏ cuộc. Dần dần, Hiền cởi mở hơn, bắt đầu nói chuyện, kể về các thành viên trong gia đình, bạn bè, sở thích bản thân… Từ bước đầu thành công này, cô Hiền lại kiên trì hướng dẫn em đọc chữ cái, viết, làm toán… Lên lớp 3, Hiền đã hoà nhập, lĩnh hội việc học được như các bạn bình thường.

Trường Tiểu học Yên Sơn, nơi cô Hà công tác, thường xuyên đón nhận học sinh khuyết tật vào học. Thầy Giáp Văn Toản, Hiệu trưởng nhà trường cho hay: Có năm học, số học sinh khuyết tật trong trường lên tới 18 em, trong đó đa số khuyết tật thiểu năng trí tuệ, khuyết tật do bẩm sinh. Năm học 2021 - 2022, nhà trường có 8 học sinh khuyết tật học tại các lớp.

Việc tiếp nhận học sinh khuyết tật khiến nhà trường gặp khó khăn trong tổ chức, biên chế lớp, quản lý các em… Thêm nữa, đội ngũ giáo viên chưa được đào tạo chuyên sâu về giáo dục trẻ khuyết tật. Để khắc phục, trường biên chế các em khuyết tật ở các lớp khác nhau trong cùng khối, không để 2 em cùng lớp (tuy nhiên có năm 1 điểm trường có 3 em khuyết tật trong cùng khối mà chỉ có 2 lớp, nên có lớp 2 học sinh).

Lựa chọn giáo viên chủ nhiệm lớp có học sinh khuyết tật (khi có điều kiện), đồng thời thực hiện tốt động viên, khuyến khích đội ngũ giáo viên đón nhận các em về lớp mình chủ nhiệm... Với nhiều giải pháp, cơ bản nhà trường hoàn thành tốt nhiệm vụ giáo dục học sinh khuyết tật; các em tiến bộ từng năm học, đại đa số được đánh giá hoàn thành cuối năm học, tuy nhiên có nhiều em phải học 2 năm một lớp. Đặc biệt, trường đã làm hồ sơ đề nghị Hội đồng xét người tàn tật xã xét cho 4 em ra khỏi danh sách khuyết tật của địa phương.

Dù vô vàn khó khăn, cô Hạnh luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và được ghi nhận bằng nhiều nhiều hình thức khen thưởng, từ cấp huyện đến cấp tỉnh. Cô tâm sự: Gần 20 năm nay, bao khó khăn gian khổ đã vượt qua được; còn lại khoảng 10 năm công tác cũng không muốn rời xa mảnh đất đã gắn bao kỉ niệm vui buồn. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa: INT.

Tản văn: Trâu và Tre

GD&TĐ - Đồng lúa tựa như một tấm thảm xanh, ngả dần về màu vàng xuộm, óng ánh dưới nắng mặt trời.