Các câu lạc bộ thêu may ở đây cũng lần lượt ra đời để gìn giữ nét đẹp truyền thống ấy…
Hàng chợ chỉ là đồ nhái
Ở Chi hội Phụ nữ bản Mạy Hốc (xã Phìn Hồ, huyện Nậm Pồ), việc thêu may trang phục dân tộc chính là một trong những nội dung đưa vào chương trình hoạt động của chi hội. Qua mỗi lần sinh hoạt, hội viên phụ nữ ở đây chia sẻ công việc đồng áng và trao truyền nhau kỹ thuật thêu may để cùng giữ lại bộ trang phục truyền thống.
Bởi vậy việc thêu may trang phục cũng từ đây được lan tỏa hơn. Người biết nhiều chỉ cho người biết ít, cứ thế những đứa trẻ cũng sớm được nuôi dưỡng kỹ năng, tình yêu với thêu thùa, may vá.
“Trước thì phụ nữ người Mông ai cũng biết thêu. Bây giờ, ở ngoài chợ người ta bán váy áo nhiều, nhưng đó không phải trang phục truyền thống. Chúng tôi sợ con, cháu mình, chúng nó không còn biết nên bây giờ mình phải thêu để chúng nó nhìn mà biết, rồi làm theo, không thì mất hết váy áo truyền thống”, bà Hờ Thị Cở - bản Mạy Hốc chia sẻ.
Xã biên giới Nà Bủng có 100% đồng bào Mông sinh sống. Tại đây, chị Mùa Thị Mỷ đã thành lập câu lạc bộ (CLB) thêu chân váy. Câu lạc bộ thu nạp, tập hợp những chị em phụ nữ biết thêu thùa, may vá trong xã. Mục tiêu là để vừa tạo ra sản phẩm, giúp phụ nữ có thêm nguồn thu nhập cho gia đình, vừa duy trì, bảo tồn nghề truyền thống với những nét hoa văn chủ đạo của dân tộc mình.
Chị Mùa Thị Mỷ cho biết: “Chúng tôi thành lập CLB này với mục đích là để chị em phụ nữ biết thêu thùa. Với chị em phụ nữ, thêu được cái áo, cái váy bán đi để có tiền phục vụ cho gia đình góp phần xóa đói, giảm nghèo. Điều quan trọng là việc trên đã giúp người Mông chúng tôi lấy lại bản sắc dân tộc mà ngày xưa các cụ để lại cho”.
Là thành viên của CLB thêu may chân váy ở bản Pá Kha, chị Thào Thị Pài chia sẻ: “Thế hệ trẻ chúng tôi học từ các bà, các mẹ. Bây giờ chúng tôi muốn truyền lại cho con, cháu mình. Không truyền dạy thì chúng không biết đâu. Váy áo mua ở chợ cũng dễ nhưng không đúng với trang phục của chúng tôi. Cứ mặc như vậy thì ít lâu nữa thôi là không còn trang phục truyền thống ông bà để lại nữa”.
Chị Hờ Y Sùa, ở bản Nậm Tắt, xã Nà Bủng cũng vừa đăng ký tham gia vào CLB thêu may này. Tuy động tác còn gượng gạo, song nhận thức được giá trị của việc học nên chị Sùa quyết tâm cao.
“Tôi vẫn chưa biết làm nên chỉ nhìn, rồi học hỏi các chị đi trước. Dần dần thì tôi cũng làm được. Tuy sản phẩm làm ra vẫn chưa đẹp, nhưng tôi sẽ cố gắng. Mặc cái áo, cái váy tự tay mình làm đúng như mẫu của ông bà để lại cũng thấy tự tin hơn, đi hội hay dự đám cưới cũng không còn thấy ngại, không bị chê là mất gốc nữa”, chị Hờ Y Sùa nói.
Một buổi làm việc của Hội viên Phụ nữ bản Mạy Hốc. |
Đưa thêu thùa, may vá vào… nghị quyết
Ở xã Nà Bủng, chị Cháng Thị Cầu đã mở cửa hàng bán trang phục truyền thống và chị cũng thành lập CLB Thêu may trang phục dân tộc Mông. Với nguồn vốn của cá nhân và sự giúp đỡ của nhiều ban, ngành, đoàn thể ở huyện, chị Cầu mua máy khâu, máy vắt sổ và những nguyên liệu cần thiết. Tất cả các trang phục đều được thêu tay, sau đó mới dùng đến máy móc để may thành từng bộ.
Sau hơn 3 năm thành lập CLB, những bộ trang phục truyền thống đã trở thành hàng hóa, vươn ra thị trường ở nhiều tỉnh thành.
“Thấy mọi người hỏi đặt mua quần, áo trên Facebook, tôi đã lấy vải về, rủ chị em trong bản cùng làm. Đó là cách để tạo việc làm cho những người nhàn rỗi, dần dần cũng thành quen. Có người ở Mộc Châu (Sơn La), thành phố Sơn La... nhiều nơi tìm đến. Năm ngoái, trừ gốc đi tôi thu được 200 triệu đồng”, chị Cầu hồ hởi chia sẻ.
“Trồng lúa, ngô xong thì bà con lại đi khâu váy, áo. Làm xong lại được tiền mua gạo, may áo cho các con đi học. Làm quần áo bán được tiền thì bà con vui lắm. Lần trước tôi bán được 5, 6 triệu đồng”, bà Vàng Thị Vang ở bản Nà Bủng 1, xã Nà Bủng, thành viên CLB của chị Cầu khoe.
Tìm hiểu được biết, hiện tại, những hạt nhân tiêu biểu của các CLB thêu may trang phục truyền thống như chị Mùa Thị Mỷ, Cháng Thị Cầu… vẫn tiếp tục đẩy mạnh quảng bá nét đẹp trang phục truyền thống của dân tộc mình. Ở các lễ hội, không gian trưng bày sản phẩm tại địa phương, những “hạt nhân nòng cốt” ấy luôn nỗ lực để có sự góp mặt của trang phục truyền thống.
“Chúng tôi muốn chia sẻ với mọi người rằng những sản phẩm này hoàn toàn làm bằng tay, vẽ bằng sáp ong. Trên thị trường có rất nhiều váy in, váy mới nhưng không phải là thổ cẩm. Tôi mong muốn tất cả người Mông luôn giữ được bản sắc dân tộc mình, đừng để mất gốc”, chị Mùa Thị Mỷ nói.
Để bảo tồn và phát huy nghề thêu may trang phục truyền thống dân tộc Mông, huyện Nậm Pồ đã đẩy mạnh tuyên truyền đến đồng bào tiếp tục duy trì, bảo tồn nghề truyền thống. Huyện cũng hỗ trợ cơ sở vật chất, phát triển các mô hình gắn với việc tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc.
Ông Phan Ngọc Linh, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Nậm Pồ cho hay: “Để hỗ trợ phát triển các mô hình, Phòng VH&TT đã tham mưu cho UBND huyện thực hiện Nghị quyết bảo tồn. Dự kiến năm nay sẽ hỗ trợ máy khâu để mô hình này phát triển”.