Hàng trăm tác phẩm với những chất liệu, phong cách, đề tài khác nhau đã tạo nên sự đa dạng, phong phú toát lên tinh thần chung cho “Niệm”. Dù mỗi nghệ sĩ theo đuổi một phong cách, theo đuổi đề tài sáng tạo riêng, song mỗi tác phẩm đều thể hiện sự hướng thiện, tràn đầy cảm xúc sáng tạo.
Giáo sư - viện sĩ Ngô Xuân Bính nổi tiếng là người đa tài. Những tác phẩm mà họa sĩ Ngô Xuân Bính mang tới triển lãm “Niệm” là sự thực hành nhuần nhuyễn các kỹ năng của hội họa, thể hiện thế giới nội tâm đầy uyển chuyển qua từng nét vẽ. Với năng lượng sáng tạo căng tràn, cây cọ Ngô Xuân Bính đã tìm ra dòng chảy cảm xúc cho riêng mình. Sự kết hợp hai lối vẽ “âm”, “dương” trên mặt tranh tạo nên những hiệu ứng tương hỗ, hài hòa cho chất liệu sơn mài mà ông theo đuổi.
Không phô diễn sắc màu, sở trường của họa sĩ Lê Văn Thìn là những bức sơn mài trắng hoặc gam màu nhẹ nhàng, sáng trắng nhưng nội dung tranh của ông truyền tải lại có sự biến hóa muôn hình muôn vẻ.
Luôn theo đuổi và thuộc số ít những họa sĩ hiện đại Việt Nam thành công trong việc săn đuổi cái đẹp của mảng tranh sơn khắc - chất liệu cổ truyền của mỹ thuật phương Đông là họa sĩ Đặng Tin Tưởng. Mượn chất liệu nghệ thuật cũ, ông giới thiệu một khả năng diễn đạt tinh thần mới. Với những bức tranh có kích thước lớn, bố cục hợp lý, bút pháp điêu luyện và phong phú, ông khẳng định được thế mạnh khi vẻ đẹp các danh thắng, kiến trúc cổ.
Khác với ba cây cọ kia tranh của họa sĩ, nghệ nhân Đào Trọng Cường lại mang lối đi thiên về thể hiện rõ nét cảm xúc của nghệ sĩ với thiên nhiên. Ông nổi tiếng với những bức tranh đá quý. Các tác phẩm của ông ghi dấu thành quả từ niềm đam mê khám phá cái đẹp của ngọc, của đá. Ông là người khắc họa chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh và lãnh đạo 19 nước tham dự APEC lần thứ 14 tại Việt Nam bằng đá quý.
Với số lượng lên tới hàng trăm bức tranh cùng cách sắp đặt và trình diễn sáng tạo, “Niệm” đang là điểm hẹn về mỹ thuật của giới hội họa và công chúng.