Mỗi tác phẩm gốm được thổi hồn đã trở nên độc đáo, có ngôn ngữ riêng, chạm tới trái tim người yêu nghệ thuật. Với nghệ nhân Phạm Văn Tuyên, gốm còn là sự sáng tạo quyện trong cái thiền tĩnh của bậc tu gia.
Hướng đi riêng
Ở một làng quê yên bình thuộc xã Tú Sơn, huyện Kiến Thụy, TP Hải Phòng có một không gian nhỏ, hiện đại nhưng đầy màu sắc nghệ thuật đã được tạo dựng. Đó là nơi sáng tạo của một nghệ sĩ, lò nung của một thợ gốm và cũng là nơi trưng bày những tác phẩm gốm phù điêu độc đáo của Nghệ nhân Ưu tú Phạm Văn Tuyên.
Nghệ nhân Phạm Văn Tuyên (pháp danh Thích Chánh Tịnh, tu tập ở chùa Đống Phúc, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh) vốn là người xuất gia tu học đã gần 30 năm.
Trong không gian Phật pháp, Đại đức Thích Chánh Tịnh tìm hiểu, nghiên cứu các công trình chùa chiền và cảm nhận được nhiều nét tinh hoa quý báu trong các họa tiết phù điêu của dân gian. Qua thời gian với những biến thiên của lịch sử đã bào mòn, hư hao nhiều giá trị văn hóa ẩn hiện trong các họa tiết đó.
Với quyết tâm tìm lại, phục dựng những nét văn hóa tinh thần quý giá của cha ông, Đại đức Thích Chánh Tịnh đã dành thời gian say sưa nghiên cứu. Sản phẩm từ khối óc, bàn tay và tâm huyết của người nghệ nhân dần được lột tả qua nghệ thuật gốm phù điêu.
Gốm phù điêu là một dòng sản phẩm có từ rất lâu đời, thể hiện họa tiết nổi trên đồ gốm do người Hải Phòng độc lập phát triển. Từng sản phẩm là ngôn ngữ riêng của nghệ nhân chuyển tải các ý tưởng, chủ đề nghệ thuật về vẻ đẹp quê hương, đất nước và con người Việt Nam.
Đây là loại hình nặn đắp theo lối của người xưa, dễ làm đồ phỏng cổ, dễ sáng tác… Với gốm phù điêu, từng giá trị văn hóa tinh thần được thể hiện rõ nét, vì thế ở đâu có gốm phù điêu thì ở đó mang đậm hồn cốt dân tộc.
Nghệ nhân Phạm Văn Tuyên đã thể hiện nghệ thuật đắp nổi các họa tiết hoa văn trên các bình gốm, bằng màu men tam thái, thể hiện sự thâm trầm đặc trưng của gốm sứ thời Lê, thời Mạc, phong cách quyền quý của hoa văn thời Lý, thời Trần...
Nhiều chế tác nổi bật của Đại đức Thích Chánh Tịnh được kể đến như: Đôi đèn gốm cao 170 cm - 230 cm mang hình dáng của đèn gốm Triều Mạc, các mẫu Lư hương tiêu bản triều Mạc, triều Lê, cùng nhiều tác phẩm sáng tạo với tư duy đương đại cỡ lớn.
Đặc biệt, bộ Bách bình vừa được Trung ương Hội Kỷ lục gia Việt Nam, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công bố và trao Kỷ lục Việt Nam cho Bộ Bách bình bằng gốm được chế tác và đắp nổi hoa văn, họa tiết truyền thống Việt Nam nhiều loại nhất.
Các tác phẩm gốm phù điêu của nghệ nhân Phạm Văn Tuyên đều mang dáng vẻ dung dị, mộc mạc nhưng vô cùng tinh tế. Đó là vẻ đẹp hài hòa của nét văn hóa truyền thống hòa quện với cỏ cây, hoa lá, thiên nhiên của đất trời.
Nét độc đáo thể hiện ở chỗ, mỗi sản phẩm bình gốm chỉ sản xuất độc bản. Từ khâu chế tác, khắc khuôn âm bản, nặn khắc tinh xảo, công phu, tất cả được làm thủ công qua bàn tay tài hoa của nghệ nhân. Bình gốm phủ men gio, nung củi, hoàn toàn theo công thức truyền thống thuần Việt từ ngàn xưa cha ông để lại.
Độc đáo
Kế thừa những nét đẹp của nghề truyền thống mà cha ông để lại, sau khi đã dày công nghiên cứu, nghệ nhân Phạm Văn Tuyên đã dựng xưởng sản xuất gốm phù điêu ngay tại quê nhà. Cơ sở gốm Phù Điêu trong thời gian qua đã sản xuất hàng nghìn sản phẩm làm bằng tay, mẫu mã khác nhau, thể loại đa dạng, tất cả đều khắc họa về vẻ đẹp của thiên nhiên, con người Việt Nam.
Với những đóng góp bằng tài trí, niềm đam mê và sử dụng công nghệ làm gốm hiện đại, năm 2020, nghệ nhân Phạm Văn Tuyên được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân Ưu tú”.
Sản phẩm của nghệ nhân Phạm Văn Tuyên đã tham gia nhiều sự kiện triển lãm tại Hà Nội do Bộ Công Thương; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức. Người Hải Phòng, đặc biệt những người yêu nghệ thuật gốm không ít lần được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của những sản phẩm gốm phù điêu Phạm Văn Tuyên qua những lần triển lãm do Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng tổ chức.
Ngày 11/2 vừa qua, triển lãm Gốm nghệ thuật và Lễ ra mắt sách “Tiếng đất gọi bàn tay” của Nghệ nhân Ưu tú Phạm Văn Tuyên được tổ chức tại Nhà trưng bày triển lãm thuộc Trung tâm Thông tin Triển lãm và Điện ảnh thành phố, Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng được nhiều người yêu gốm đón nhận.
Triển lãm “Gốm nghệ thuật” giới thiệu đến người xem 65 mẫu bình gốm khác nhau. Những bộ chân đèn mang phong cách triều Lê, triều Mạc, những bình gốm trang trí họa tiết hoa cúc, hoa sen tiêu biểu thời Lý, Trần; bộ “Cửu Long tranh châu”... đến những bức tượng các danh nhân như: Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn, Vua Lê Đại Hành, Vua Lý Thái Tổ..., tất cả đều toát lên nồng đậm giá trị truyền thống của dân tộc.
Nét đặc sắc của những sản phẩm này là sự kết hợp của nét thuần Việt cùng công nghệ hiện đại đã trở thành một phương pháp độc lập, một thương hiệu của riêng Nghệ nhân Ưu tú Phạm Văn Tuyên. Mỗi tác phẩm là một kỳ công, là một lời tâm tình của đất, của lửa, của nước, của những sẻ chia.
Theo chia sẻ của nghệ nhân Phạm Văn Tuyên, nét đặc trưng, khác biệt của gốm phù điêu không chỉ đơn thuần là vẽ màu men trên mặt phẳng, mà là nặn đắp điêu khắc khối nổi rồi mới đưa đi nung. Điều quan trọng là làm thế nào để các chi tiết đắp nổi khi qua nhiệt độ cao không bị biến dạng, hư hỏng mà có giá trị tồn tại hàng nghìn năm.
Đó không chỉ dừng lại ở kỹ năng đôi bàn tay, mà còn là sự hiểu biết về nguyên lý hóa học và vật lý. Người nghệ nhân phải nắm được cơ chế co giãn giữa lượng nước trong đất, gắn liền với các chất khoáng, quặng, để phủ men khi qua lửa.
Nghệ nhân Phạm Văn Tuyên từng dày công tạo dựng không gian văn hóa nghệ thuật sắp đặt “Vườn Xưa” tại xã Tú Sơn, huyện Kiến Thụy. Ông cũng là tác giả bộ Văn phòng tứ bảo, nghiên bút mực, ống quyển bằng đá xanh có kích thước lớn tại Khu tưởng niệm Vương triều Mạc và 2 khẩu pháo thần công bằng đồng, trưng bày tại chính điện cung vua Mạc.
Ông Nguyễn Văn Thành - Trưởng ban Quản lý Di tích Khu tưởng niệm các vua nhà Mạc (đơn vị quản lý Khu tưởng niệm Vương triều Mạc) nhận định, tác phẩm của Đại đức Thích Chánh Tịnh mang hồn dân tộc với những nét đặc sắc riêng. Lần đầu tiên ông Thành được chiêm ngưỡng những tác phẩm gốm phù điêu đẹp tinh xảo đến thế.
Nhà Sử học Dương Trung Quốc cho rằng, cá nhân ông gọi nghệ nhân Phạm Văn Tuyên là một hiện tượng. Đó là một điển hình về sự khởi nghiệp, khích lệ, dẫn dắt nhiều người trong đó có những bạn trẻ đam mê nghiên cứu, phát hiện và cống hiến cho đất nước. Hiếm có một nghệ nhân ưu tú nào mà tuổi nghề và tuổi đời trẻ như vậy.
Điều đó để chúng ta có cảm xúc rằng đến đây chúng ta mới tiếp cận được những tác phẩm đầu tay của thầy, trong đó có cả sự già dặn, tinh xảo, tinh tế nhưng vẫn là những khởi đầu. Từ đó chúng ta có quyền hy vọng con đường thầy đi sẽ còn xa hơn rất nhiều.