Ông là người bận rộn với những sáng tác bất tận nhưng lại sẵn sàng chia sẻ với bất cứ người nào có cùng sở thích, trân trọng những sáng tác vì nghệ thuật, vì con người.
Ông cho biết: “Tôi muốn công chúng ai cũng có khả năng chơi và dùng gốm Quang. Ở đây chúng tôi sản xuất những loại gốm vừa đẹp, vừa hợp túi tiền so với mặt bằng chung của nhân dân. Đương nhiên, chúng tôi cũng có nhiều chủng loại khác nhau với dòng gốm riêng dành cho nhà sưu tập".
Là một họa sĩ sinh ra tại Hà Nội, tốt nghiệp Khoa Gốm Sơn mài – Trường Đại học Mỹ thuật Công Nghiệp, Khóa IX, năm 1981, họa sĩ Nguyễn Như Quang được biết đến là nhà thiết kế, nhà tổ chức sản xuất và xuất khẩu đồ Gốm mỹ thuật ứng dụng hàng đầu Việt Nam từ những năm 80 của thế kỷ trước.
Trong giai đoạn 1993 -2005, họa sĩ Nguyễn Như Quang đã góp phần không nhỏ vào việc đầu tư, xây dựng và khôi phục sự phát triển của làng gốm Bát Tràng, tạo hướng đi cho hoạt động xuất khẩu gốm Bát Tràng cho đến ngày nay.
Họa sĩ Nguyễn Như Quang cũng chính là người khai sinh ra dòng Gốm - Sơn mài với thương hiệu GỐM QUANG, một dòng gốm kết hợp nhiều chất liệu sơn mài truyền thống để trở thành sản phẩm có giá trị nghệ thuật cao và mang bản sắc văn hóa riêng, rất Việt Nam.
Với Nguyễn Như Quang, ông nợ duyên với Gốm và Hội họa. Cũng như với gốm, hội họa cho ông một không gian mở để tìm kiếm cái nhìn khác ở các chất liệu trong lộ trình sáng tạo.
Trên từng bức họa, ta như thấy có những cơn gió lạ kín đáo khoe duyên từ nét đẹp bình dị, thân gần của người đàn bà Việt giữa hoa cỏ thiên nhiên bốn mùa. Xem tranh, ta như được cùng tác giả thả mình vào đời sen, nghe mùa chuyển khẽ khàng nơi mặt hồ đầy ở quê Việt ta xưa… Rồi cái tình chi mà nao lòng, làm xáo động trong tâm hồn của bất kỳ ai khi chỉ muốn ngày thật dài bởi hình sắc của ai kia thật khó cũ.
Sản phẩm Gốm Quang liên tục tham gia trên 30 cuộc triển lãm quốc tế tại Anh, Pháp, Đức, Canada, Australia, Italy, Nhật Bản, Hồng Kông, Hàn Quốc và giành được nhiều giải thưởng quốc tế.
Hoạt động của nhà máy Gốm Quang, cũng như sự ảnh hưởng của những mẫu thiết kế do ông sáng tạo được sản xuất ở các làng nghề đã giải quyết việc làm cho hàng vạn lao động, đào tạo được nhiều thợ thủ công có tay nghề cao, với kim ngạch xuất khẩu hàng năm lên tới hàng chục triệu đô-la Mỹ.
Đến nay, họa sĩ Nguyễn Như Quang đã có ba thập kỷ chiêm nghiệm sự thuận mệnh của cuộc đời mình. Ông bước chậm, độc hành trong lộ trình im lặng của kẻ sáng tạo và sự tùy duyên.
Gốm Quang vẫn là ấn triện riêng khi hòa điệu cùng Gốm Việt đương đại mở cửa bước nhanh ra thế giới bên ngoài trong sự hồi sinh đến ngỡ ngàng của làng Gốm Bát Tràng truyền thống, nơi đánh dấu sự đóng góp to lớn của ông.
Rút hết ruột gan với tình yêu nghệ thuật, ông chia sẻ với bạn bè, đồng nghiệp và công chúng: Quang vẽ để cân bằng và thỏa mãn, Quang vẽ để được trò chuyện, suy tư và chia sẻ… Cũng như với Gốm, Quang đã tạo ra cái riêng, cái đẹp để tô điểm cho cuộc sống, cho nhu cầu và xu thế phát triển của xã hội, thì hôm nay, với cái duyên hội họa, trong Quang như bừng lên sự khát khao được vẽ và cống hiến cho công chúng những tác phẩm “Đẹp – Chân thật – Tinh tế và Sáng tạo đến dễ cảm”.