Giữ gìn văn hóa Mường ở trường học Thủ đô

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Truyền lửa đam mê văn hóa dân tộc thiểu số đến thế hệ trẻ là việc không dễ. 

Học sinh Trường THCS Yên Bài A tự tin biểu diễn múa và đánh cồng chiêng. Ảnh: Đăng Chung
Học sinh Trường THCS Yên Bài A tự tin biểu diễn múa và đánh cồng chiêng. Ảnh: Đăng Chung

Tuy nhiên, ngay giữa Thủ đô Hà Nội, mô hình truyền dạy văn hóa Mường cho học sinh ở huyện Ba Vì đang phát huy hiệu quả, thiết thực.

Cùng đánh cồng chiêng và nói tiếng Mường

Nhiều tháng qua, Trường THCS Yên Bài A (huyện Ba Vì) đưa văn hóa dân tộc Mường truyền dạy cho học sinh với thời lượng 15 phút trong các tiết học đầu giờ của 3 ngày/tuần. Thầy Hoàng Minh Lợi, Hiệu trưởng Trường THCS Yên Bài A, cho biết, năm học 2022 – 2023 nhà trường đón 76 học sinh khối 6, nâng tổng số học sinh toàn trường là 303 em, trong đó, gần 70% là người Mường, sống chủ yếu ở 5 thôn của xã Yên Bài.

Việc giao tiếp hằng ngày bằng tiếng Mường cũng như nhiều nét văn hóa đặc sắc của người Mường ở mỗi học sinh bị mai một nhiều. Sau nhiều năm ấp ủ, bắt đầu từ tháng 7/2022, Ban Giám hiệu nhà trường tổ chức truyền dạy văn hóa Mường cho học sinh, do cô Nguyễn Thị Thu Thủy - Tổng phụ trách Đội phụ trách cùng sự cộng tác của nhiều nghệ nhân người Mường trong xã.

“Văn hóa dân tộc Mường có rất nhiều điểm nổi bật cần phải bảo tồn như: Tiếng nói, trang phục, dân ca, ẩm thực, trò chơi và đặc biệt là hoạt động đánh cồng chiêng. Vì vậy, hằng tuần, vào đầu giờ ngày thứ 3, thứ 5 và thứ 7, trường dành ra 15 phút để tổ chức nói tiếng Mường. Bạn thông thạo sẽ dạy cho bạn chưa biết. Nhà trường đã tổ chức cho 60 học sinh khối 7, khối 8 đánh cồng chiêng và hát dân ca Mường. Để có bộ cồng chiêng, nhà trường đã tranh thủ sự hỗ trợ của Huyện ủy, UBND huyện, xã Yên Bài...”, thầy Hoàng Minh Lợi chia sẻ.

“Hiện nay, văn hóa dân tộc Mường mai một nhiều bởi những ông mo, người cao tuổi không còn nhiều. Nhất là, nhiều học sinh không biết nói tiếng Mường... Với đặc thù đa số học sinh là người Mường, những năm gần đây nhà trường tổ chức nhiều hoạt động nhằm giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc Mường”, cô Thủy chia sẻ.

Vốn sinh ra và lớn lên ở xã Yên Bài và là người dân tộc Mường nên với cô Nguyễn Thị Thu Thủy, việc truyền dạy văn hóa Mường cho học sinh như được gặp lại chính tuổi thơ của mình. Theo cô Thủy, học tiếng Mường không khó nhưng học sinh phải hào hứng và thường xuyên nói tiếng dân tộc với nhau. Còn việc hát dân ca và đánh cồng chiêng phải là người có kinh nghiệm truyền dạy. Nhà trường mời những ông mo Mường, người cao tuổi dạy cho học sinh để tạo sự gần gũi, sức hấp dẫn nên được các em đón nhận rất tốt.

Tuy còn nhiều khó khăn nhưng học sinh Trường THCS Yên Bài A rất hào hứng, tự tin khi tham gia học và biểu diễn văn hóa dân tộc Mường tại Cuộc thi Giai điệu tuổi hồng, đánh cồng chiêng, hát dân ca Mường vào dịp khai giảng năm học, Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11…

Với mỗi học sinh người Mường, nếu như trước đây còn e ngại và không muốn thể hiện mình là người Mường thì giờ đây các em rất thích tham gia học và biểu diễn để được hiểu sâu và tự hào, phấn khởi với văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Bên cạnh đó, các buổi sinh hoạt đã tạo được sự đoàn kết cho học sinh, không còn sự phân biệt giữa người Kinh với người Mường, hoàn cảnh này với hoàn cảnh kia.

“Là giáo viên địa phương, tôi mong muốn mô hình được phát triển rộng hơn, nhà trường tạo điều kiện về thời gian, cơ sở vật chất cho học sinh được hoạt động sôi nổi hơn…”, cô Thủy bày tỏ.

Học sinh Trường THCS Yên Bài A được truyền lửa đam mê văn hóa Mường. Ảnh: Đăng Chung

Học sinh Trường THCS Yên Bài A được truyền lửa đam mê văn hóa Mường. Ảnh: Đăng Chung

Tự hào văn hóa dân tộc

Với sự chuẩn bị cụ thể, kỹ càng và có sự giúp sức của các nghệ nhân đánh cồng chiêng ở xã, sau 4 tháng, đa số học sinh Trường THCS Yên Bài A (có cả học sinh người Kinh) đã nói, nghe, giao tiếp được bằng tiếng Mường. Từ chỗ chỉ có vài em nói và hiểu tiếng Mường, thì nay tỷ lệ giao tiếp bằng tiếng dân tộc ở trường đạt khoảng 80%. Nhiều em còn trao đổi học tập, đời sống văn hóa tinh thần bằng tiếng Mường.

Bên cạnh đó, trước đây, đa số học sinh đều khó khăn trong việc mặc trang phục dân tộc mình thì nay các em rất tự tin và thích thú khi hiểu được ý nghĩa của trang phục và ngày càng quý, trân trọng vốn văn hóa truyền thống.

Em Nguyễn Phúc Hòa - lớp 8B (Trường THCS Yên Bài A) cho biết, là người Mường, nhưng do điều kiện chung, gia đình em ít giao tiếp hằng ngày bằng ngôn ngữ bản địa và không hiểu nhiều về bản sắc dân tộc mình. Nhưng sau mấy tháng được học, được giao tiếp nhiều bằng tiếng Mường, Hòa đã rất quý và trân trọng bản sắc dân tộc mình.

Ông Lê Khắc Nhu - Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Ba Vì - cho biết, Ba Vì là vùng đất giàu truyền thống văn hóa dân tộc, quê hương của những làn điệu dân ca, chiêng Mường làm đắm say lòng người. Từ năm 2012, Phòng Dân tộc (huyện Ba Vì) đã tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng đề án bảo tồn văn hóa dân tộc Mường. “Ở thời điểm đó, khi khảo sát thiếu niên, thanh niên, trung niên dưới 40 tuổi hầu như không biết tiếng Mường. Bên cạnh đó, cồng chiêng thì mai một, bị mất...”, ông Lê Khắc Nhu chia sẻ.

Đề án bảo tồn văn hóa Mường tại Trường THCS Yên Bài A qua truyền dạy cho học sinh rất phù hợp, được đông đảo học sinh tham gia. “Yên Bài là xã rất tích cực và nỗ lực tham gia đề án, ngay từ khi Phòng Dân tộc làm đề án bảo tồn văn hóa Mường. Trong đó, Trường THCS Yên Bài A đi đầu việc truyền dạy trong trường học rất hiệu quả…”, ông Lê Khắc Nhu nói.

Với người Mường, vào những dịp lễ, Tết, hội, ngày hạnh phúc lứa đôi… không thể thiếu tiếng cồng chiêng. Và, dịp Tết Quý Mão năm nay, người dân Yên Bài sẽ có thêm những âm vang tự hào về dân ca Mường và tiếng cồng chiêng của chính thế hệ trẻ là các em học sinh từ Trường THCS Yên Bài A, góp phần tiếp nối những tài sản quý giá của dân tộc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ