Giữ gìn văn hóa truyền thống qua các bài học ngoại khóa

GD&TĐ - Không dừng lại ở việc đưa nội dung giáo dục lịch sử, văn hóa địa phương vào giảng dạy trong nhà trường, thầy trò Trường Phổ thông Dân tộc (PTDT) nội trú THCS Tây Giang (huyện miền biên giới Tây Giang, Quảng Nam) còn tổ chức các lễ hội truyền thống vào sinh hoạt ngoại khóa trong nhà trường, tạo sân chơi, môi trường học tập bổ ích, lành mạnh cho các em HS; góp phần bảo tồn, gìn giữ, phát huy bền vững giá trị văn hóa truyền thống độc đáo của các đồng bào dân tộc thiểu số.

Giữ gìn văn hóa truyền thống qua các bài học ngoại khóa

Đưa lễ hội văn hóa địa phương vào trường học

Đến với Trường PTDT nội trú THCS Tây Giang, chúng tôi được hòa trong không khí rộn ràng, sôi động với các lễ hội truyền thống, liên hoan múa hát cồng chiêng, những điệu múa của HS, giáo viên nhà trường.

Khung cảnh buổi ngoại khóa của thầy trò như vui tươi hơn khi có thêm sự tham gia của đại diện lãnh đạo các xã, phụ huynh HS và bà con đồng bào nô nức kéo về chật cứng cả sân trường.

Trong trang phục truyền thống đầy màu sắc của đồng bào dân tộc vùng cao, các em HS tập trung giữa sân trong khu vực nội trú háo hức chờ đợi đến lượt đội mình biểu diễn.

Những tiết mục múa hát, những điệu múa cồng chiêng lễ hội quen thuộc như: Mừng lúa mới, ăn Tết mùa, đâm trâu huê… của dân tộc mình được các em thể hiện một cách nhịp nhàng, uyển chuyển, thành thục, bài bản trong tiếng vỗ tay cổ vũ không ngớt của thầy cô giáo và các bà con nhân dân địa phương.

Lễ hội Ăn mừng lúa mới và Liên hoan văn hóa ẩm thực truyền thống với gần 100 HS, giáo viên náo nức tham gia. Để chuẩn bị thực hiện các mâm cơm theo truyền thống của dân tộc mình, từ tờ mờ sáng, giáo viên, HS tất bật chuẩn bị cho phần thi chế biến ẩm thực truyền thống Cơ Tu, với các món ẩm thực đặc trưng như gói bánh sừng trâu, nướng cơm lam, chế biến các món za rá, cá suối nướng ống, thịt rừng nướng xiên, hông sả...

Với đôi bàn tay khéo léo các “nghệ nhân nhí” đã tạo ra những sản phẩm ẩm thực thơm ngon và vô cùng đẹp mắt với đủ các hương vị, gia vị của núi rừng.

Em Bling Kha Thị Huyền Giang - HS lớp 9/1 - chia sẻ: Để tham gia lễ hội Ăn mừng lúa mới và Liên hoan văn hóa ẩm thực truyền thống này, chúng em phải chuẩn bị cả tuần trước, như chặt ống nứa, bắt cá suối, lấy măng, cà tím, tiêu rừng... cũng như nhờ cha mẹ chuẩn bị giúp.

Còn khâu chế biến chúng em thực hiện vì từ nhỏ đã được cha mẹ chỉ bảo, hướng dẫn. Đây là dịp để chúng em thể hiện sự khéo léo, am hiểu, cũng như nhắc nhớ giá trị xưa với mâm cơm truyền thống của ông bà.

Còn em Bling Ngân bày tỏ: Được tham gia các tiết mục múa hát cồng chiêng, em càng cảm thấy gắn bó với trường, với lớp nhiều hơn. Tình cảm giữa bạn học cũng rất gần gũi, còn tình cảm thấy trò thì thắm thiết hơn.

Từ những buổi tham gia các hoạt động ngoài giờ, nhất là các hoạt động múa hát cồng chiêng đã giúp các bạn trong lớp, trong trường càng thêm gắn kết với nhau và quan trọng hơn là các em hiểu hơn về giá trị văn hóa của đồng bào mình cần phải được gìn giữ.

Hoàn thiện môi trường giáo dục

Chăm chú theo dõi từng khâu chế biến các món ăn, những điệu múa do chính các em HS – con em của dân tộc mình thể hiện, thầy Alăng Diêu - Phó Hiệu trưởng - phấn khởi cho biết:

Việc tổ chức các hoạt động ngoại khóa gắn với các lễ hội, hoạt động văn hóa truyền thống địa phương đã được nhà trường triển khai nhiều năm học qua.

Điều này giúp các em HS không lãng quên những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Nhờ đó, nhiều em HS khi về địa phương trở thành những người thực hành gìn giữ những nét văn hóa truyền thống của bản làng mỗi dịp có lễ hội.

Với những người giáo viên như chúng tôi, được thưởng thức các món ăn truyền thống, được tận mắt chứng kiến, được nghe tiếng cồng, tiếng chiêng trong trường học, điều này thật sự không có niềm hạnh phúc nào hơn.

Theo thầy Alăng Diêu, các hoạt động ngoại khóa trong trường học gắn với những lễ hội, nét văn hóa truyền thống của địa phương góp phần hoàn thiện môi trường giáo dục, nâng cao chất lượng giáo dục, phát triển nhân cách, đạo đức HS.

Bởi vậy, bên cạnh đẩy mạnh các hoạt động thi đua dạy tốt – học tốt, thì nhà trường luôn tích cực triển khai tổ chức các hoạt động ngoài giờ nhằm tạo môi trường học tập lành mạnh, bổ ích nhằm thu hút, tạo động lực học tập hăng say cho HS.

Việc duy trì, phát triển các đội cồng chiêng HS và định kỳ hằng năm tổ chức liên hoan ẩm thực, múa cồng chiêng và hội diễn văn nghệ cho HS, là một trong những nội dung trọng tâm của chương trình giáo dục lịch sử, văn hóa địa phương cho HS toàn trường.

Từ những kết quả mang lại, thì có thể thấy rằng, việc đưa lễ hội văn hóa vào trường lớp thực sự đã mang lại nhiều hiệu quả tích cực, nhất là HS yêu trường, yêu lớp nhiều hơn, giảm được tỷ lệ HS bỏ học giữa chừng, chuyên tâm đến trường học tập.

“Việc đưa các lễ hội văn hóa truyền thống vào trường học còn giúp các em HS có thêm niềm vui, vơi bớt nỗi nhớ nhà trong những ngày học tập ở trường.                                                                                                                                                                                               Đồng thời qua hoạt động này, nhắc nhở giáo dục các em luôn có ý thức bảo tồn, phát huy truyền thống văn hóa đặc sắc của dân tộc mình, vừa tạo cho HS có một môi trường học tập lành mạnh, còn đội ngũ giáo viên có thêm điều kiện để tự hoàn thiện mình” - Thầy Alăng Diêu cho hay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Café chủ nhật: Cõi nhớ

GD&TĐ - Nắng đầu Đông yếu ớt hai ngày qua đã phải nhường chỗ cho đợt gió mùa tràn về.

Chuyên gia khuyến cáo bệnh nhân cao huyết áp nên ăn ít muối. (Ảnh: ITN)

Những cách tự nhiên giúp hạ huyết áp

GD&TĐ - Khi già đi, chúng ta cần đặc biệt chú ý đến huyết áp. Theo giới chuyên gia, chế độ ăn uống chắc chắn có hiệu quả trong việc kiểm soát huyết áp.

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

GD&TĐ - Theo truyền thống, vào ngày 15/11 âm lịch, các gia đình thường chuẩn bị lễ cúng gia tiên cùng bài văn khấn để nguyện cầu sức khỏe, bình an.