Trường học với việc gìn giữ di sản văn hóa địa phương

GD&TĐ - Hát Xoan là một di sản văn hóa quý giá của vùng đất Tổ Hùng Vương, đã được Tổ chức UNESCO chính thức công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp của nhân loại. 

Trường học với việc gìn giữ di sản văn hóa địa phương

Vì vậy, việc bảo vệ và phát huy giá trị của nghệ thuật hát Xoan trong nhà trường sẽ góp phần tích cực cho việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa quê hương, đất nước và duy trì tính đa dạng của văn hóa nhân loại. Qua 4 năm đưa hát Xoan vào giảng dạy, ngành GD tỉnh Phú Thọ đã góp phần không nhỏ trong việc gìn giữ và phát huy di sản này thông qua các hoạt động GD, diễn xướng của HS các nhà trường từ tiểu học đến THPT.

Để học sinh biết quý trọng di sản văn hóa

Cô Nguyễn Thị Tâm – Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thọ Sơn (TP Việt Trì) - cho biết: Với mục tiêu bảo tồn các điệu Xoan cổ, 4 năm nay nhà trường phối hợp với các cơ quan liên quan đã đưa hát Xoan vào giảng dạy lồng ghép trong môn Âm nhạc. Các giáo viên Âm nhạc được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch của tỉnh tổ chức cho đi học, tập huấn về các làn điệu, diễn xướng hát Xoan nên hoàn toàn có thể đảm đương được việc giảng dạy cho HS.

Ngoài ra, nhà trường còn mời các nghệ nhân các phường Xoan cổ về trường truyền dạy cho các em các điệu Xoan gốc. Cô Tâm cho biết: Với lớp 1, ban đầu HS còn bỡ ngỡ nhiều nhưng các lớp 2, 3, 4 HS đã thuộc được các bài quen thuộc, lớp 5 các em đã biểu diễn được các bài khó. Khi các em đã thuộc và diễn xướng thuần thục, nhà trường tổ chức các hoạt động giao lưu văn nghệ giữa các lớp. Khi trở về khu dân cư, HS được tham gia các hoạt động văn hóa, diễn xướng về Xoan nên được phụ huynh HS cũng như người dân rất đồng tình, ủng hộ việc đưa hát Xoan vào nhà trường.

Theo cô Nguyễn Thị Thanh Mai – Giáo viên Âm nhạc Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng (TP Việt Trì), để học sinh yêu thích hát Xoan, giúp các em thấy được ý nghĩa và tầm quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy những làn điệu hát Xoan, giáo viên trước hết phải giỏi chuyên môn và am hiểu sâu về di sản này; Tiếp đó là xây dựng được mô hình học tập, rồi giới thiệu về trang phục của hát Xoan: Đối với nam thì mặc áo the, khăn xếp, hoặc bộ trắng và thắt đai đỏ; nữ thì áo nâu, đụp đen, đầu đội khăn mỏ quạ... để HS dần dần yêu thích hát Xoan. Để thực hiện, trong giờ dạy Xoan trên lớp, cô Mai đã mặc chính trang phục của Đào Xoan để giới thiệu cho các em. Các em được quan sát thực tế về trang phục và các đạo cụ để phục vụ cho hát Xoan, dần dần các em cảm thấy hát Xoan rất gần gũi và thân thiện. Qua đó giúp các em cảm nhận được ý nghĩa thực sự về hát Xoan mà các em đang cần phải có trách nhiệm gìn giữ và phát huy.

Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng đã thành lập được các CLB hát Xoan và đưa hát Xoan vào các giờ hoạt động tập thể đầu tuần, các giờ sinh hoạt Đội, sinh hoạt lớp, sinh hoạt sao; Đồng thời thường xuyên mời các nghệ nhân ở các làng Xoan gốc đến dạy các em HS và giáo viên trong trường; Tổ chức cho từng nhóm HS đi tham quan, giao lưu tại các làng Xoan gốc như làng Xoan An Thái, Làng Xoan Thét... Các em được trực tiếp quan sát cảm nhận nhịp trống và cảm nhận được cái hồn trong hát Xoan từ các nghệ nhân; Trong diễn xướng, HS nhà trường được tham gia biểu diễn hát Xoan nhân các sự kiện chính trị của tỉnh, thành phố, của địa phương vào các dịp lễ lớn, khai giảng năm học mới. Chính vì vậy HS đã tự khẳng định mình, tự tin, mạnh dạn và có kinh nghiệm biểu diễn hát Xoan trên sân khấu. Trong 4 năm, HS nhà trường đã giành được nhiều giải cao về hát Xoan của tỉnh và của TP Việt Trì.

Tiếp tục truyền dạy hát Xoan trong trường học

Ông Nguyễn Minh Tường – Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Phú Thọ - cho biết hàng năm, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo lồng ghép, tích hợp Di sản văn hóa nói chung, hát Xoan nói riêng trong dạy học và tổ chức các hoạt động GD trong nhà trường; phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tập huấn, bồi dưỡng giáo viên về hát Xoan, tham gia lựa chọn, thẩm định các bài hát Xoan để làm đĩa, in tài liệu cấp phát cho các cơ sở GD tham khảo và sử dụng trong dạy học và tổ chức các hoạt động GD.

Đến nay, trên toàn tỉnh Phú Thọ, 100% các trường tiểu học, THCS đã thực hiện đưa hát Xoan vào giảng dạy thông qua bộ môn Âm nhạc. Các cơ sở GD đã chủ động thành lập câu lạc bộ hát Xoan và đội văn nghệ tích cực tham gia luyện tập và biểu diễn hát Xoan. Các đơn vị thực hiện tốt công tác này phải kể đến các trường tiểu học và THCS ở thành phố Việt Trì, Lâm Thao, Phù Ninh, Tam Nông, Đoan Hùng. Các cơ sở GD đã lựa chọn các bài hát Xoan để giảng dạy: Bỏ bộ, Mó cá, Trèo lên cây bưởi hái hoa, Đường đi trên suối dưới khe, Trống quân - đón đào… Đối với cấp THPT, do trong chương trình GD không có bộ môn Âm nhạc nên chủ yếu là sử dụng hát Xoan trong các hoạt động tập thể (sinh hoạt lớp, chào cờ), trong các buổi ngoại khóa tuyên truyền về hát Xoan và các hoạt động GD ngoài giờ lên lớp. Các bài hát Xoan được lựa chọn để biểu diễn trong dịp những ngày lễ hội, mừng Đảng, mừng xuân, các ngày lễ lớn của ngành GD…

Ông Nguyễn Minh Tường chia sẻ: Để tiếp tục công tác truyền dạy, nhằm duy trì, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa phi vật thể - hát Xoan Phú Thọ, trong thời gian tới ngành GD&ĐT Phú Thọ tiếp tục tập trung chỉ đạo các cơ sở GD đẩy mạnh công tác tuyên truyền về hát Xoan; bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lí, giáo viên về kiến thức, phương thức sử dụng hát Xoan; đa dạng hóa các hình thức sử dụng hát Xoan trong trong dạy học và tổ chức các hoạt động GD; tăng cường phối hợp với ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các phường Xoan gốc, các nghệ nhân để tranh thủ sự giúp đỡ của các cơ quan liên quan, cộng đồng trong việc truyền dạy hát Xoan ở các cơ sở GD... góp phần GD giá trị truyền thống, ý thức tự hào trong HS, sinh viên, để hát Xoan Phú Thọ xứng đáng trở thành di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ