Cũng có thể coi hề chèo là một loại hình sân khấu đặc biệt có tính nhạy cảm và dễ bắt nhịp với những diễn biến thời sự và những sự kiện đời thường của cuộc sống. Thế nhưng theo thời gian, hề chèo bị rơi trong lãng quên.
Sự đột phá trong nghệ thuật
Ngày 5/10 tại Hà Nội, liveshow Xuân Hinh - kẻ chọc cười dân dã đầu tiên và lớn nhất trong lịch sử sân khấu của một nghệ sĩ tên tuổi Xuân Hinh được ra mắt khán giả Thủ đô. Đây là liveshow đánh dấu 40 năm sự nghiệp biểu diễn của Xuân Hinh - nghệ sỹ chèo danh tiếng nhất Việt Nam với sự quy tụ rất nhiều nghệ sĩ, danh hài đình đám Bắc – Nam, được dàn dựng trong không gian mô phỏng sân khấu chèo truyền thống nhưng mang đậm hơi thở đương đại.
Nếu như người hâm mộ “vua hài đất Bắc” 40 năm nay chỉ được xem các vở diễn thời lượng ngắn trong thòm thèm thì lần này nghệ sĩ Xuân Hinh sẽ khiến khán giả khóc cười liên tục ba giờ đồng hồ với những vở diễn “cũ” mà “mới”. Ngoài vở diễn kinh điển “Người ngựa - Ngựa người”, nghệ sĩ hài cũng giới thiệu vở diễn mới “Của gia bảo” được ấp ủ từ lâu với sự góp mặt của diễn viên trẻ Hoài Thu (vợ đạo diễn Lê Hùng). Tiết mục chèo tuồng cổ “Ngũ biến”, Xuân Hinh biến hóa tài tình thành 5 nhân vật mang đậm dấu ấn và phong cách của anh.
Thăng hoa và gây chú ý nhất phải kể tới màn hầu đồng (Giá Cô Sáu) trên sân khấu lớn nhất Việt Nam với hiệu ứng màn hình led, âm thanh, ánh sáng hiện đại…
Có thể nói, lần đầu tiên trong lịch sử sân khấu nước nhà có liveshow hề chèo. Lần đầu tiên nghệ thuật truyền thống được tái hiện trên phông nền sân khấu hiện đại, độc đáo nhưng vẫn đậm chất dân gian. Chưa bao giờ người ta thấy một cuộc quy tụ nhiều nghệ sĩ, danh hài đình đám Bắc - Nam đến thế.
Đừng để hề chèo rơi trong quên lãng
Hề chèo là một di sản phi vật thể vô giá của nghệ thuật chèo truyền thống và đã được phát huy với nhiều màu sắc khác nhau trong các vở chèo mới, nhưng thật tiếc đội ngũ hề chèo ngày một ít qua mỗi thời kỳ.
Ngày nay, khi xem những vở chèo hiện đại, nhiều người chán nản nhận xét: “Không hay bằng chèo cổ. Chèo hiện đại quá khô khan không ăn nhập gì với các làn điệu chèo”. Sự khô khan đến từ việc sử dụng khá nhiều lời thoại trong các vở chèo nên khiến xem hát chèo như xem kịch chèo. Bởi vậy, thưởng thức chèo sao mà căng thẳng, thật khó kiếm được tiếng cười sảng khoái.
Hề trong chèo đang ngày càng nhạt dần và không mấy ai quan tâm tới. Ngoài những diễn viên đã để lại ấn tượng với những vai hề như Xuân Hinh, Quốc Trượng, Quốc Anh, hay lớp sau này là Tự Long, Xuân Nghĩa… thì lớp diễn viên trẻ kế cận đóng các vai hề chèo hiện nay không có nhiều.
Số người viết được kịch bản chèo cũng ngày càng ít đi, chỉ đếm trên đầu ngón tay, trong khi đó nhiều tác giả kịch bản lại tập trung giải quyết xung đột của vở diễn nhiều hơn là nghĩ đến các tích trò trong chèo nên dẫn đến các nhân vật hề không có “đất” diễn.
Theo NSƯT Quốc Trượng, để diễn được một vai hề cho ra chất hề là không đơn giản. Người diễn viên phải trăn trở, chắt lọc thiết kế từng động tác diễn, một câu nói thâm thúy nhưng bao giờ chèo cũng ý tứ xa xôi để cho người xem tự tưởng tượng.Nếu không thấm, diễn sẽ nhạt. Để giữ gìn và phát huy được bản sắc dân tộc của ngôn ngữ nghệ thuật chèo, nhất thiết phải giữ được vị trí của vai hề trong các vở diễn. Vì chính nhân vật hề tạo nên bản sắc văn hóa dân tộc trong chèo.