Đó là ý kiến của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh khi trả lời chất vấn ông Nguyễn Anh Trí – đại biểu Quốc hội đoàn TP Hà Nội tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.
Cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền
Theo đại biểu Nguyễn Anh Trí, ngôn ngữ, tiếng nói là tài sản vô giá, là âm giai độc đáo, đặc trưng của mỗi dân tộc, tạo nên bản nhạc ngôn ngữ đa sắc của đại dân tộc Việt Nam.
Tuy nhiên, vẫn còn bộ phận không nhỏ người dân các dân tộc không dùng ngôn ngữ, tiếng nói của dân tộc mình. “Vậy biện pháp gì để làm tốt hơn việc học tập, sử dụng và gìn giữ ngôn ngữ các dân tộc?” – đại biểu Nguyễn Anh Trí đặt câu hỏi với Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí - đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội. |
Bày tỏ đồng cảm với đại biểu đoàn TP Hà Nội, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh nhìn nhận, thực tế hiện nay đang diễn ra. Có một số người dân là đồng bào dân tộc thiểu số nhưng không biết tiếng nói, không biết chữ viết của dân tộc mình, nhất là đội ngũ cán bộ.
Theo Bộ trưởng, hiện Chính phủ có nhiều chính sách, chẳng hạn như: Nghị định số 82/2010/NĐ-CP ngày 15/7/2010 “Quy định việc dạy và học tiếng nói, chữ viết của dân tộc thiểu số trong các cơ sở giáo dục phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên”.
Quyết định số 1719/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025. Tại dự án 5 cũng có dự án đào tạo cho đội ngũ cán bộ về tiếng nói, chữ viết của người dân tộc.
“Với người dân tộc thiểu số ở các trường học thì có chính sách hỗ trợ học sinh về chữ viết của mình. Hiện Bộ GD&ĐT đang triển khai đào tạo đội ngũ giáo viên và thiết kế chương trình để dạy tiếng nói và chữ viết dân tộc thiểu số trong các cơ sở giáo dục” - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho hay.
Nhấn mạnh đến giải pháp tuyên truyền, vận động; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh nêu quan điểm, đây là giải pháp quan trọng nên cần đẩy mạnh để người dân thấy tự hào và tôn trọng phong tục, tập quán, đặc biệt là tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình.
“Dân tộc nào cũng có tiếng nói. Có những dân tộc có chữ viết và các bản sắc văn hóa riêng của dân tộc mình. Nếu đánh mất đi, nghĩa là có nguy cơ sẽ mất dân tộc đó” - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh nói.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh. |
Giải quyết dứt điểm tình trạng tái mù chữ cho đồng bào dân tộc thiểu số
Từ những chuyến đi đến vùng sâu, vùng xa, ông Nguyễn Lân Hiếu – đại biểu Quốc hội đoàn Bình Định nhận thấy, nhiều người dân là đồng bào dân tộc thiểu số bị tái mù chữ.
Từ thực tế này, ông Hiếu đặt câu hỏi: Ủy ban Dân tộc đã có khảo sát nào về tỷ lệ tái mù chữ của đồng bào dân tộc thiểu số từ thiếu niên đến người trưởng thành hay không? Bộ trưởng, Chủ nhiệm đã có phương án nào để phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Bộ GD&ĐT để giải quyết vấn đề này?
Ông Nguyễn Lân Hiếu – đại biểu Quốc hội đoàn Bình Định. |
Trao đổi về vấn đề trên, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho biết, đến thời điểm này, số người dân đồng bào dân tộc thiểu số tái mù chữ, nói cách khác là người dân tộc thiểu số chưa nói thông, viết thạo chữ tiếng Việt chiếm khoảng 15% trong tổng số người đồng bào dân tộc thiểu số.
Tỷ lệ trên có cả người tái mù chữ, cả những người chưa bao giờ đi học do nhiều yếu tố khách quan. “Tới đây, chúng tôi sẽ phối hợp với Bộ GD&ĐT để có các giải pháp trong các chính sách giáo dục nhằm giải quyết dứt điểm vấn đề này ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số” - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh nhấn mạnh.