Để đồng bào dân tộc thiểu số thụ hưởng chính sách của Nhà nước

GD&TĐ - Theo đại biểu Quốc hội, cần có tiêu chí phân định và giải pháp để đồng bào dân tộc thiểu số được thụ hưởng các chính sách của Đảng, Nhà nước.

Người Hà Nhì nơi "ngã ba biên giới" A Pa Chải. Ảnh: M.T
Người Hà Nhì nơi "ngã ba biên giới" A Pa Chải. Ảnh: M.T

Không để ai bị bỏ lại phía sau

Theo đại biểu Quốc hội Châu Quỳnh Dao (đoàn Kiên Giang), năm 2019, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 65 tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24 về công tác dân tộc trong tình hình mới.

Tuy nhiên đến nay, một số chính sách quan trọng chưa ban hành như: chính sách phát hiện quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao người dân tộc thiểu số; chính sách đặc thù trong tuyển dụng công chức, viên chức đồng bào dân tộc thiểu số rất ít người ở vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Cũng theo đại biểu đoàn Kiên Giang, đồng bào dân tộc thiểu số vùng đồng bằng sông Cửu Long sống đan xen với dân tộc khác nên số lượng xã, ấp đạt tỷ lệ số hộ dân tộc thiểu số từ 15% trở lên là rất ít.

Điều này địa phương khó triển khai những chính sách thuộc Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, trong khi nhiều hộ dân tộc thiểu số còn khó khăn.

Do đó, đại biểu Châu Quỳnh Dao cho rằng, Ủy ban Dân tộc cần có tiêu chí phân định và giải pháp để đồng bào dân tộc thiểu số được thụ hưởng những chính sách cũng như các chương trình đã ban hành, hướng tới mục tiêu không để ai bị bỏ lại phía sau.

Trao đổi về vấn đề nêu trên, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho hay, Kết luận 65 của Bộ Chính trị đưa ra 8 nhóm giải pháp, nhiệm vụ. Hiện nay, Chính phủ tập trung chỉ đạo, cơ bản giải quyết được 4 nhóm giải pháp lớn nhất trong Kết luận 65 là: xây dựng được chương trình mục tiêu, các nội dung liên quan khác. Còn có 4 vấn đề là 4 chính sách, Chính phủ đang chỉ đạo giao cho các bộ, ngành.

Sẽ có hệ thống chính sách đồng bộ hơn

Đối với chính sách đào tạo, đào tạo nghề thì giao cho Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng. Còn chính sách về thu hút và đào tạo đội ngũ cán bộ thì giao cho Bộ Nội vụ.

Hiện nay, Bộ Nội vụ cũng đang đánh giá tổng kết lại Quyết định 402 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số trong hệ thống chính trị. Tới đây sẽ tổng kết Quyết định này.

Qua đó sẽ rà soát lại hệ thống chính sách và đề xuất xây dựng chính sách mới; trong đó có chính sách thu hút đào tạo đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số. Còn các chính sách khác, các bộ, ngành đang tiếp tục nghiên cứu để triển khai trong giai đoạn tới.

“Với chức năng, với trách nhiệm là cơ quan quản lý Nhà nước về công tác dân tộc, chính sách dân tộc, chúng tôi sẽ phối hợp với các bộ, ngành được Chính phủ giao để đánh giá lại những chính sách giai đoạn trước; đồng thời đề xuất các chính sách để trong nhiệm kỳ này cố gắng giải quyết xong các nội dung liên quan đến Kết luận 65 của Bộ Chính trị” - Bộ trưởng Hầu A Lềnh nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng, chiến lược công tác dân tộc là sửa đổi, bổ sung Nghị định 05 của Chính phủ. Như vậy, khi kết thúc nhiệm kỳ chúng ta sẽ có được một hệ thống chính sách đồng bộ hơn.

Liên quan đến phân định vùng đồng bào dân tộc thiểu số theo trình độ phát triển, Bộ trưởng Hầu A Lềnh trao đổi, xã, vùng đồng bào dân tộc thiểu số mà có tỷ lệ người dân tộc thiểu số 15% trở lên thì được tính là xã, huyện, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Với những vùng dưới 15% vẫn có người dân tộc thiểu số sinh sống thì vẫn được hưởng các chính sách đối với nhóm dân tộc. Còn địa bàn mình xác định là xã vùng 3, xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số được hưởng cả chính sách cho địa bàn và hưởng cả chính sách cho con người.

Còn nhóm không không phải vùng đồng bào dân tộc thiểu số, không phải vùng đặc biệt khó khăn thì không hưởng chính sách cho địa bàn nhưng vẫn được hưởng các chính sách cho người dân tộc thiểu số - chính sách cho con người.

“Chính sách cho con người có nhóm hộ nghèo và nhóm không phải là hộ nghèo. Tuy nhiên, là người dân tộc thiểu số thì vẫn được hưởng các chính sách này” - Bộ trưởng Hầu A Lềnh nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Thưởng Tết - động lực để cống hiến

GD&TĐ - Ý nghĩa của thưởng Tết dù ít hay nhiều nhằm ghi nhận công lao, đóng góp của người lao động, đồng thời chính là thành quả mà người lao động tạo ra...