BGH các trường đều cho rằng, so với phương pháp dạy học truyền thống, các phương pháp dạy học mới đã giúp học sinh tự tin hơn và góp phần hình thành các kỹ năng, nhất là kỹ năng diễn đạt, làm việc theo nhóm.
Tuy nhiên, để giờ dạy đạt hiệu quả cao nhất, điều cần tránh của mỗi GV là sự máy móc trong áp dụng các phương pháp.
Sinh động, lôi cuốn
Mở đầu bài học về Bóng tối (Khoa học lớp 4), câu đố của cô giáo Nguyễn Thị Thu Vân, Trường Tiểu học Bạch Đằng (Q. Hải Châu, TP Đà Nẵng) đã lôi cuốn sự chú ý của các em học sinh: "Nắng ba năm ta không bỏ bạn/ Mưa một ngày bạn đã bỏ ta" là gì?".
Cô giáo Vân còn cho HS quan sát bức tranh chụp bóng cây vào các thời điểm khác nhau trong ngày để nhận xét, so sánh. Và để trả lời câu hỏi của GV đưa ra, cái bóng xuất hiện ở đâu, khi nào, có hình dạng như thế nào, có thể làm cho bóng của sự vật thay đổi bằng cách nào, các em lớp 4/2 cũng đã cùng làm thí nghiệm.
Sau khi tự làm thí nghiệm, quan sát, HS thảo luận, thắc mắc… theo nhóm, cô giáo Vân có thể gọi bất kỳ một HS nào trong nhóm để trình bày các ý kiến, nếu HS nào trình bày chưa đúng với kiến thức cần cung cấp thì GV gọi thêm những HS khác cho đến khi nào đúng thì thôi.
Bàn tay nặn bột là một phương pháp dạy học tích cực dựa trên thí nghiệm nghiên cứu, áp dụng cho việc giảng dạy các môn khoa học tự nhiên, trong đó chú trọng đến việc hình thành các kiến thức cho HS bằng các thí nghiệm tìm tòi nghiên cứu để chính các em tìm ra câu trả lời cho các vấn đề của cuộc sống thông qua tiến hành các thí nghiệm, quan sát, nghiên cứu tài liệu hay điều tra…
Tiết học nhờ vậy sẽ rất lôi cuốn, hấp dẫn HS. Điểm đặc biệt của phương pháp này là trong quá trình HS phát biểu, GV không được ngắt lời các em và tuyệt đối không được nhận xét là ý kiến của em chưa đúng, sai chỗ nọ chỗ kia…
Cô Trương Thị Thu Thủy, một trong những GV có phương pháp sư phạm tốt của Trường Tiểu học Võ Thị Sáu - Q. Hải Châu, TP Đà Nẵng, cho biết: "Mỗi GV đều có nhiều phương pháp dạy học và phương pháp tốt nhất là trực quan, sinh động.
Làm sao để HS cảm nhận được bằng mắt, tai, tay, thậm chí là bằng vị giác… HS sẽ khắc sâu được kiến thức nếu GV phát huy được tính tích cực của các em, dẫn dắt các em tự tìm ra được những vấn đề cần nắm bắt. Các em có thể đúng, có thể sai và nhiệm vụ của GV là dẫn dắt HS đến kiến thức đúng.
Và để làm được như vậy, đòi hỏi GV phải đầu tư nhiều thời gian cho mỗi tiết dạy, từ các dụng cụ thí nghiệm, cách thức tổ chức trò chơi, hệ thống bài tập, câu hỏi để củng cố kiến thức. Ngay khi soạn giáo án, cô giáo đã phải xác định được câu hỏi nào dành cho đối tượng HS nào, những HS tiếp thu chậm sẽ trả lời được những câu hỏi nào…".
Để nặn nên bột…
Khác với phương pháp làm việc nhóm - thường phải cử trưởng nhóm đại diện nhóm trình bày, ở Bày tay nặn bột, bất kỳ HS nào cũng có thể được chỉ định phát biểu và nếu có phát biểu sai cũng không sao cả nên giúp phát huy được tính tích cực của HS.
Thầy Trần Tám - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bạch Đằng cho biết: "Với Bàn tay nặn bột, kết quả của nhóm do kết quả của các cá nhân tạo thành. Mỗi HS đều phải ghi chép những nhận xét, ý kiến của mình nên dù có thụ động hoặc chậm thì vẫn phải làm việc nhiều hơn so với các phương pháp khác"…
Cô Lương Mỹ Huệ - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bạch Đẳng thì cho rằng: “Cái khó của GV là ở chỗ làm sao tổ chức một tiết dạy sao cho HS chiếm lĩnh được các khái niệm khoa học và kỹ thuật thực hành, rèn luyện, củng cố cho các em khả năng diễn đạt ngôn ngữ nói và viết.
GV phải bao quát hết hoạt động của các nhóm nhưng cũng phải theo sát bên cạnh mỗi cá nhân, mỗi nhóm để giúp đỡ, hướng dẫn HS tiếp thu theo định hướng của mình”.
Cô Ông Thị Thái Hằng - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Văn Ơn (Q.Hải Châu - TP Đà Nẵng) nhận xét: "Có không ít GV khi mới áp dụng Bàn tay nặn bột đã đồng nhất việc tổ chức dạy - học theo nhóm là đang sử dụng phương pháp dạy học này.
Thế nhưng, nhóm chỉ là một hình thức tổ chức mà Bàn tay nặn bột đang sử dụng chứ không phải là bản chất của Bàn tay nặn bột. Với Bàn tay nặn bột, học sinh tự đưa ra những nhận định ban đầu của mình và thông qua các thí nghiệm để các em nhận ra chân lý".
Cô Hằng cũng cho biết, Bàn tay nặn bột chỉ có thể áp dụng đối với môn Khoa học tự nhiên, với những môn như Toán, Tiếng Việt, nếu áp dụng Bàn tay nặn bột, HS sẽ mơ hồ vì GV không nhận xét đúng, sai khi các em trình bày ý kiến.
Có lẽ chính vì vậy mà từ kinh nghiệm giảng dạy, cô Trần Thị Kiều Trân (GV Trường Tiểu học Trần Văn Ơn) đã đúc rút: “Với Bàn tay nặn bột, khi chốt lại kiến thức, GV bắt buộc phải bằng mọi cách thu hút sự tập trung của HS, đặc biệt là những HS có học lực trung bình, yếu.
So với các phương pháp dạy học khác, Bàn tay nặn bột không cho phép GV chỉ ngay những sai sót của HS khi các em đang phát biểu. Thế nên, khi GV chốt lại kiến thức chuẩn, nếu không tập trung nghe, HS sẽ không phát hiện những điểm sai của mình để điều chỉnh”.
Theo cô Ông Thị Thái Hằng, mỗi phương pháp dạy học đều có một hệ thống nguyên tắc đi cùng để HS hiểu đúng bản chất của vấn đề.
Cô Hằng nhấn mạnh: "Không có một phương pháp dạy học nào là tối ưu hoàn toàn, do đó, GV buộc phải linh hoạt trong áp dụng các phương pháp giảng dạy để phù hợp với đối tượng HS, nội dung bài giảng và điều kiện CSVC của nhà trường và của cả phụ huynh, học sinh để đạt đến mục đích cuối cùng là nâng cao chất lượng dạy - học".