Các chuyên gia cho rằng, đây cũng là thời điểm thích hợp để đẩy mạnh thực hiện cải cách công vụ.
Tăng lương để thúc đẩy nền kinh tế
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành quyết định về quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm y tế. Trong đó có đề cập đến nội dung tăng lương cho một số đối tượng cán bộ, công chức, viên chức.
Cụ thể, theo quyết định này, có ba đối tượng cán bộ, công chức, viên chức, người làm việc trong các cơ quan Nhà nước sẽ được tính mức chi tiền lương bằng 1,8 lần mức lương với các đối tượng khác. Đó là cán bộ, công chức, viên chức và người lao động làm việc tại các đơn vị trực thuộc Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động trong tổ chức Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng, Bảo hiểm xã hội Công an nhân dân. Cùng với đó là người lao động thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp của ngành lao động - thương binh và xã hội.
Việc tăng lương cho cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang đã bị trì hoãn nhiều năm qua. Nhưng thời điểm này khi dịch bệnh đã lùi dần, nhiều ý kiến cho rằng, rất cần tăng lương để thúc đẩy nền kinh tế. Chưa kể vừa qua, lạm phát tăng cao, nhiều nhân lực ở một số ngành nghề đã nghỉ việc do thu nhập không đủ sống.
PGS.TS Vũ Sỹ Cường (Học viện Tài chính) đề nghị, năm 2023 - 2024 xem xét ngay việc tăng lương cho cán bộ công chức, viên chức để tạo ra sự kích thích mới. Bởi hiệu quả cao sẽ được tạo ra ngay từ việc tăng lương - chính sách được cho là đơn giản, dễ thực hiện và trực tiếp.
“Ước tính tổng thu ngân sách Nhà nước 8 tháng năm nay đạt tới 1,2 triệu tỷ đồng, bằng 85,6% dự toán năm và tăng 19,4% so cùng kỳ năm trước. Như vậy, dù còn 4 tháng nữa mới hết năm nhưng số thu ngân sách đã đạt khả quan so với kế hoạch cả năm. Điều đó có nghĩa không phải chúng ta không có khả năng trả món nợ tiền lương đã nợ suốt 3 năm qua”, PGS.TS Vũ Sỹ Cường cho biết.
Theo lộ trình, lương cán bộ công chức viên chức đáng lẽ được tăng từ tháng 7/2020. Nhưng vì những khó khăn do đại dịch nên phải “tạm dừng”. Thế nhưng, đã hơn 2 năm theo dự định, việc tăng lương vẫn chưa được hoàn thiện.
Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cũng xác nhận thực tế là thu nhập của công chức viên chức khu vực công còn thấp. Cộng thêm việc phân phối cứng nhắc, cào bằng chính là 1 trong 5 nguyên nhân dẫn đến chuyển dịch nhân lực từ khu vực công sang khu vực tư. Ông bày tỏ mong muốn lương cho các đối tượng này sẽ được tăng ngay vào đầu hoặc cùng lắm là giữa năm 2023.
“Trong nền kinh tế thị trường nhiều thành phần, việc chuyển dịch lao động từ khu vực công sang tư hoặc ngược lại là việc bình thường. Nhưng chuyển dịch nhiều với tỷ lệ đáng kể sẽ dẫn đến thiếu hụt nguồn nhân lực ở một số ngành, lĩnh vực khu vực công như thời gian qua. Do đó, cần đánh giá kỹ để sớm có giải pháp khắc phục. Mỗi công chức viên chức chuyển từ khu vực công sang khu vực tư đều có lý do riêng, trong đó có vấn đề thu nhập”, ông Ngọ Duy Hiểu nêu ý kiến.
Quốc hội sẽ bàn về cải cách tiền lương
Tại các cuộc tiếp xúc cử tri tại Hải Phòng chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 4, nhiều ý kiến đề đạt, đưa ra nhiều vấn đề từ thực tiễn đời sống. Một trong những vấn đề được nhiều cử tri quan tâm là cải cách tiền lương và chế độ, chính sách với công chức, viên chức…
Trao đổi về các vấn đề này với cử tri Hải Phòng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, hiện nay có tình trạng lao động di chuyển từ khu vực công sang khu vực tư và ngược lại, một bộ phận rời khỏi thị trường và một bộ phận khác gia nhập thị trường lao động. Nhưng khi lực lượng công chức, viên chức, đặc biệt là bác sĩ, giáo viên di chuyển ra khu vực tư đông thì cần phải nghiên cứu xem có vấn đề gì bất thường không, nhất là về thu nhập.
Về chính sách tiền lương, Chủ tịch Quốc hội cho biết, do tác động của dịch bệnh nên lộ trình cải cách tiền lương bị chậm lại, mức lương cơ sở cũng không tăng. Do vậy, tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội sẽ bàn về việc sớm quay trở lại thực hiện chính sách cải cách tiền lương. Trong khi chưa thực hiện cải cách tiền lương thì có thể xem xét tăng lương cơ sở, trên cơ sở đánh giá bối cảnh kinh tế có khởi sắc.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho rằng, việc chuyển dịch lao động không phải là điều lạ. Trước tình hình này, Nhà nước cần phải quan tâm nghiên cứu để sớm đổi mới thể chế, chế độ tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức, viên chức, sớm cải cách tiền lương theo vị trí việc làm. Đồng thời xây dựng môi trường làm việc, tạo động lực cho công chức, viên chức làm việc… Mục đích để bảo đảm tính cạnh tranh, tính hấp dẫn so với khu vực tư, nhằm thu hút, trọng dụng người giỏi chuyên môn, nghiệp vụ vào làm việc.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cũng nhấn mạnh, vấn đề công chức, viên chức thôi việc hiện nay không phải là thách thức mà là cơ hội để Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đẩy mạnh cải cách công vụ. Trong đó, sớm thay đổi cơ chế tuyển dụng, sử dụng, quản lý công chức, viên chức, tiến hành cải cách chế độ tiền lương, trả lương theo vị trí việc làm và có tính cạnh tranh với khu vực tư.
Ông Trần Anh Tuấn cũng cho biết, các cơ quan Nhà nước cần tiếp tục cải cách hành chính, cải cách chế độ công vụ, công chức, tập trung vào thay đổi cơ chế tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức, viên chức theo vị trí việc làm. Đồng thời, thực hiện tinh giản biên chế, đổi mới cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong khu vực sự nghiệp công.
Việc này nên thực hiện theo hướng dù kinh phí từ ngân sách Nhà nước cấp, hoặc từ nguồn thu sự nghiệp, thì các đơn vị sự nghiệp đều được giao quyền tự chủ với mục tiêu là hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Hơn nữa, Chính phủ cần có Chiến lược phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong các cơ quan hành chính từ Trung ương đến địa phương.