(GD&TĐ) - Hàng loạt các chương trình truyền hình thực tế dành riêng cho đối tượng khán giả nhí đã giải tỏa được “cơn khát” sân chơi giải trí lành mạnh cho các em nhỏ. Cuộc thi Tìm kiếm tài năng âm nhạc The Voice Kids đêm thứ 3 khép lại vòng Đối đầu để lại cho khán giả nhiều cảm xúc từ những ca khúc mang âm hưởng dân gian.
Lắng đọng ca khúc mang âm hưởng dân gian
Trong khi đa số các bài hát sử dụng trong The Voice kids đều là nhạc nước ngoài và đa số các bài hát được sử dụng đều là những ca khúc của người lớn thì phần thi đầy cảm động và sáng tạo của bộ ba Mỹ Chi - Quang Nhật - Phương Duyên với Liên khúc 3 miền (Đất Phương Nam - Về Ăn Cơm - Chuồn Chuồn Ớt) khiến khán giả như lắng lại, đồng thời tự hào bởi sức sống mãnh liệt của những ca khúc mang âm hưởng dân gian .
HLV Lưu Hương Giang nhận xét: “Ba con là điều đặc biệt nhất ở trong cuộc thi Giọng hát Việt nhí này. Mỗi một bài, mỗi một bạn hát đều có những cái hay riêng, nhưng thực sự đến phần này tự nhiên cô bị chững lại bởi vì tụi con làm cho cô nhận ra rằng cô rất tự hào về âm nhạc dân gian của Việt Nam. Tự hào hơn nữa vì những bài hát dân gian ấy lại xuất phát từ tiếng hát của những người quá bé nhỏ như các con”.
Với HLV Thanh Bùi, sau khi nghe rất nhiều bài phối khí hiện đại, nhiều bài tiếng Anh trong chương trình này, cũng phải nghĩ lại: “Mãi mãi mình là người Việt Nam. Các con đã nhắc nhở mọi người trong khán phòng này, cũng như mọi người đang xem tivi niềm tự hào mình dành cho dân tộc của mình và những gì đẹp nhất là những gì mà các con đã thể hiện”.
Với riêng HLV Hiền Thục, chị đã khai thác thế mạnh về chất giọng ngọt ngào với những quãng ngân rộng của các em, đưa khán giả về với cảm giác thanh bình của đồng quê Bắc Bộ, đến với sự thân tình của con người nơi dải đất miền Trung và hòa cùng không gian bao la của sông nước Nam Bộ. Không “dàn sức” vào phần diễn, các thí sinh của đội Hiền Thục tập trung cho việc đẩy cảm xúc lên cao độ để âm nhạc đi vào lòng công chúng một cách tự nhiên, sâu lắng nhất.
Kết quả chiến thắng của phần lớn các đội thi trong đêm cuối gần như không gây bất ngờ khi những thí sinh từng gây sốt ở vòng loại như Mỹ Chi, Khánh Hà, Thùy Mai tiếp tục được bước tiếp vào vòng trong. Trường hợp bất ngờ duy nhất là thí sinh Nguyễn Lê Nguyên đã vượt qua đối thủ sừng sỏ là cô bé lai Thảo My cũng là thành viên của đội Hiền Thục.
Màn trình diễn gây nhiều cảm xúc cho khán giả |
Cần sự định hướng từ người lớn
Giọng hát Việt nhí lâu nay vẫn bị khán giả cho rằng cuộc thi tìm kiếm tài năng âm nhạc Việt nhưng chủ yếu hát tiếng Anh, nhạc ngoại. Tuy nhiên, qua sự xuất hiện của tam ca ba miền, người xem chợt nhận ra một hình ảnh thật thân thương mà bấy lâu thiếu vắng…
Khán giả cho rằng các bé hát tiếng Anh quá nhiều và điều này hoàn toàn không ổn. Nhưng câu hỏi lớn cần được giải đáp lại gần như bị bỏ quên, chính là nếu hát tiếng Việt, các em nhỏ sẽ hát bài gì? Mẹ yêu không nào, Cháu lên ba, Vườn cây của ba, Chú voi con ở bản Đôn... sẽ là những ca khúc không thể nào quên, nhưng đã cũ quá rồi. Việc lựa chọn các ca khúc Tiếng Anh gần như là một lựa chọn an toàn với các thể loại, bởi vì, nếu trong đó có "anh yêu em" hoặc "đau khổ tận cùng", thì chúng ta cũng không thấy quá nặng nề khi phát ra từ một giọng ca non trẻ.
Nhạc sĩ Phạm Tuyên- người cả đời dành tình yêu cho các em nhỏ, là tác giả của rất nhiều ca khúc thiếu nhi nổi tiếng chia sẻ: "Âm nhạc là một yếu tố quan trọng trong việc nuôi dưỡng tâm hồn và phát triển nhân cách con người, đặc biệt là các em nhỏ… Trẻ con bây giờ không thích hát tiếng Việt bằng các ca khúc tiếng nước ngoài, điều này không nên cổ suý vì lâu dần sẽ mất đi bản sắc chủ quyền tiếng Việt. Và, ở đây không nên trách các em, vì lỗi thuộc về người lớn. Họ đã định hướng cho các em những bài hát không dành cho lứa tuổi của mình. Còn các em thực sự là "những tờ giấy trắng" nên chỉ biết làm theo chỉ dẫn của người lớn mà thôi. Hãy để các em sống đúng và phát triển đúng với lứa tuổi của mình".
Hải Đăng