Tháo gỡ rào cản liên quan đến giới trong giáo dục mầm non

GD&TĐ - Mới đây, Tổ chức Hợp tác Phát triển và Hỗ trợ kỹ thuật Vùng Fla-măng, Vương quốc Bỉ (VVOB) phối hợp tổ chức Hội nghị chuyên đề "Học thông qua chơi có đáp ứng giới trong các cơ sở giáo dục mầm non".

Thông qua dự án, trẻ em cảm thấy hạnh phúc hơn trong học tập và vui chơi.
Thông qua dự án, trẻ em cảm thấy hạnh phúc hơn trong học tập và vui chơi.

Chương trình nhằm chia sẻ kinh nghiệm kết quả đạt được từ hai dự án “Giáo dục mầm non quan tâm đến giới (GENTLE)”, và “Giảm thiểu rào cản đối với hoạt động học tập của trẻ mầm non tại các huyện khó khăn và có nhiều dân tộc thiểu số cùng sinh sống(BAMI)”.

Qua đó, hội nghị ghi nhận những kết quả tích cực từ quá trình giảm thiểu khuôn mẫu về giới trong giáo dục mầm non (GDMN), góp phần tích cực vào việc nâng cao chất lượng dạy và học, mang đến một môi trường cởi mở, thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của trẻ em Việt Nam.

Lồng ghép giới vào giáo dục mầm non

Nhiều nghiên cứu cho thấy, giáo dục trẻ dựa trên khuôn mẫu giới là khởi nguồn của những định kiến giới, đóng khung tính cách, cách hành xử và các lựa chọn của trẻ. Đồng thời, hạn chế sự tự do thể hiện bản thân, cũng như cơ hội phát triển năng lực của trẻ sau này.

Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến các vấn đề bất bình đẳng giới trong xã hội, điển hình là bạo lực trên cơ sở giới, phân biệt đối xử trong gia đình, hay khoảng cách giới trong lao động.

Chính vì thế, một trong những mục tiêu phát triển bền vững của Liên hiệp quốc tại Việt Nam là hướng đến tiếp cận bình đẳng giới trong giáo dục cho cả trẻ trai và trẻ gái, chấm dứt mọi phân biệt đối xử trên cơ sở giới.

 Theo đó, việc tạo ra một môi trường có đáp ứng giới trong giáo dục trẻ từ những năm đầu đời – vào thời điểm não bộ và nhận thức xã hội của trẻ phát triển nhanh chóng – là nền tảng thiết yếu cho cách tiếp cận bền vững nhằm giảm thiểu định kiến giới, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, thức đẩy sự phát triển nguồn nhân lực cho xã hội.

Dự án Giáo dục mầm non quan tâm đến giới (tên gọi tắt là GENTLE),với mục tiêu góp phần giải quyết các vấn đề liên quan đến giới bằng hình thức học thông qua chơi trong trường học.

Qua 3 năm thực hiện, dự án đã đạt được nhiều kết quả khả quan, giúp thay đổi nhận thức về giới và nâng cao chất lượng môi trường dạy và học ở các địa phương thực hiện.

Nỗ lực để trẻ em Việt được trải nghiệm

Trẻ mầm non được trải nghiệm xóa bỏ định kiến giới
Trẻ mầm non được trải nghiệm xóa bỏ định kiến giới

Dự án đã xây dựng thành công Bộ công cụ Giáo dục mầm non có đáp ứng giới cho giáo viên và cán bộ quản lý của các trường mầm non. Xây dựng 15 trường điểm thực hiện Mô hình GDMN quan tâm đến giới với một lộ trình cụ thể, thông qua các khoá tập huấn, khai vấn, tham quan học tập, hội thảo chia sẻ, hội thảo phát triển chuyên môn cho giáo viên…

ÔngWouter Boesman, Giám đốc Chương trình Quốc gia, VVOB, cho biết: “Các vấn đề liên quan đến giới trong giáo dục mầm non là một chủ đề khó bởi hầu hết mọi người đều nghĩ rằng trẻ mầm non thì còn quá nhỏ để có thể hiểu được. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng các khái niệm về giới được hình thành từ rất sớm, và trẻ nhỏ hình thành các khái niệm về giới bằng cách nhìn vào các khuôn mẫu giới mà người lớn thể hiện trong cuộc sống hằng ngày. Hi vọng rằng chúng tôi có thể triển khai nhân rộng dự án ra nhiều tỉnh thành khác để có thể hoàn toàn loại bỏ khuôn mẫu giới”.

Bà Hà Thị Thu Hương, Quản Lý chương trình Giáo dục mầm non tại VVOB nói về dự án GENTLE: “Chúng tôi tiếp cận các vấn đề về giới với phương pháp học thông qua chơi, cách tiếp cận này giúp giáo viên dễ dàng truyền tải các khái niệm về giới tới trẻ mầm non, cũng như thay đổi cách trang trí và bài trí lớp vốn có các khuôn mẫu giới. Việc loại bỏ các khuôn mẫu giới này cũng đồng nghĩa loại bỏ các yếu tố cản trở trẻ nhỏ phát triển hết tiềm năng của mình”.

Cô Trần Thị Tài, giáo viên tại tỉnh Quảng Nam tham gia dự án chia sẻ: “Khi ứng dụng Bộ công cụ Học thông qua chơi có đáp ứng giới, chúng tôi đã thay đổi cách tiếp cận, từ cách trang trí trong lớp học cho đến sắp xếp các hoạt động vui chơi trong lớp đều đã được lưu ý để tạo nên không gian cởi mở cho cả bé trai và bé gái đều có thể tham gia. Trong giao tiếp, chúng tôi cũng sử dụng những từ ngữ trung lập về giới tính để gọi chung các bé trai và bé gái, tránh những từ ngữ mang nghĩa định kiến giới mà trước đó thường sử dụng”.

Với những kết quả tích cực ban đầu, dự án đã được các Sở và Phòng Giáo dục và Đào tạo tại các địa phương tạo môi trường thuận lợi để lan toả đến 153 trường mầm non thuộc 15 huyện tại hai tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi.

Qua đó 1.831 cán bộ và giáo viên đã được nâng cao năng lực thông qua các hoạt động đào tạo của GENTLE. Hơn 32.229 trẻ em được học tập trong môi trường học thông qua chơi có đáp ứng giới. Phương pháp học thông qua chơi có đáp ứng giới cũng được nhân rộng ra tỉnh Kon Tum với sự tài trợ của Vương Quốc Bỉ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ronaldo và Messi văng khỏi danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Ronaldo và Messi đón tin kém vui

GD&TĐ - Bộ đôi siêu sao của bóng đá thế giới vắng mặt trong danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.