Nitơ oxit, một loại khí không màu, không mùi được các bác sĩ sử dụng trong phẫu thuật y khoa và nha khoa đang nhanh chóng trở thành chất giải trí được lựa chọn tại các hộp đêm và bữa tiệc ở Lagos.
Một doanh nghiệp nhỏ đã dùng mạng xã hội WhatsApp và Instagram để quảng cáo sản phẩm này tại 8 trong số 36 tiểu bang của Nigeria. Doanh nghiệp này bán các hộp nitơ oxit có trọng lượng lên tới 10kg.
Văn hóa ma túy đã tồn tại ở quốc gia đông dân nhất châu Phi này trong nhiều thập kỷ. Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết mức độ sử dụng đã tăng lên trong những năm gần đây.
Tháng 6, NDLEA đã công bố một cuộc trấn áp các nhà tiếp thị và người sử dụng khí cười trong nước. Tuy nhiên, các nhà cung cấp vẫn tìm cách phân phối chất này. Lạm dụng khí gây cười không chỉ là vấn đề của Nigeria, nó đã được báo cáo ở Đan Mạch, Hà Lan, Anh và Pháp.
Tốn kém và độc hại
Khó khăn trong cuộc sống được cho là một nguyên nhân khiến giới trẻ tìm đến bóng cười. Ảnh: Zinoleesky/Telegram |
Khí cười rất đắt. Seun (31 tuổi, ở Mushin) và các bạn của mình đều không kiếm đủ tiền để đáp ứng nhu cầu bản thân. Một hộp có giá khoảng 100 nghìn naira, tương đương với mức lương hàng tháng của Seun, một kỹ thuật viên máy tính ở Ikeja và là trụ cột gia đình.
Tuy nhiên, cứ 2 tuần/lần, anh lại góp tiền cùng 3 - 4 người bạn để mua khí cười. Họ trốn trong một căn phòng và mở nhạc thật lớn, mỗi người cầm một quả bóng bay. Đôi khi, họ bơm đầy một quả bóng và chuyển nhau để hít.
Trong khi Seun cũng sử dụng các chất khác như rohypnol (hoặc rephnol), codeine và molly (MDMA hoặc thuốc lắc), anh nói rằng mình thích khí cười hơn vì cảm giác khoái cực độ mà nó mang lại.
Không giống như các loại ma túy khác, khí cười chưa có tên thông tục riêng ở đây, chủ yếu là do giá cao và chưa trở nên phổ biến rộng rãi đối với những người dùng có thu nhập thấp, vốn vẫn sử dụng các loại thuốc rẻ hơn.
Hiệu ứng êm dịu từ những quả bóng bay lên đến đỉnh điểm là cảm giác hưng phấn khiến người dùng không khỏi cười khúc khích. Tuy nhiên, tác dụng của nó chỉ tồn tại trong thời gian ngắn và khiến người dùng phải hít liên tục.
Mặc dù, nitơ oxit có vẻ vô hại nhưng các chuyên gia cho biết nó có thể gây hậu quả, thậm chí gây tử vong cho những người có tiền sử co giật và các vấn đề về hô hấp.
Hiện đã có một số trường hợp bị ngưng tim, co giật, lên cơn ảo giác vì dùng quá liều oxit nitơ.
Juwon Afolayan, bác sĩ nội trú tại Khoa Gây mê của Đại học bang Lagos, cho biết, việc sử dụng nitơ oxit trong y tế đang giảm dần do tác dụng phụ đối với bệnh nhân như mất phương hướng và suy giảm trí nhớ. Ông cho biết thêm, chất này cũng được quản lý chặt chẽ ở Nigeria vì nó có thể được sử dụng để chế tạo chất nổ. Tuy nhiên, chúng vẫn được bán.
Do tỷ lệ thất nghiệp cao
Bà Stella Iwuagwu là Giám đốc điều hành của Trung tâm Quyền sức khỏe, một tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Lagos vốn đang vận động chống lại việc lạm dụng chất gây nghiện trong trường học.
Bà cho rằng, nguyên nhân việc tăng sử dụng chất gây nghiện một phần do những trào lưu mới. Trong đó giới trẻ thấy thích thú khi được quay video hoặc xuất hiện trong các video trực tiếp khi sử dụng ma túy và các chất cấm khác.
Tuy nhiên, theo bà Stella, nguyên nhân chính là do khủng hoảng chi phí sinh hoạt, các cuộc cải cách mới gặp khó khăn và đẩy giá hàng hóa cơ bản tăng cao. Một loạt sai lầm về chính sách cũng dẫn đến sự ra đi của một số công ty nước ngoài và sự sụp đổ của một số công ty địa phương, khiến tới 1/3 dân số thất nghiệp.
Một nghi phạm buôn bán khí cười bị Cơ quan Thực thi Luật Ma túy quốc gia Nigeria (NDLEA) bắt giữ. Ảnh: NDLEA |
Bà Iwuagwu nói rằng có rất nhiều khó khăn và sự thất vọng, mọi người phải dùng thuốc để xoa dịu nỗi đau mà họ đang cảm thấy. Ma túy là lối thoát cho sự tuyệt vọng của họ.
Bà Iwuagwu cho biết, nhiều người cảm thấy thiếu mục đích và không thể tìm ra lý do nào để cười, điều này khiến họ tìm đến thuốc kích thích. Thật vậy, tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên hiện ở mức 42,5% ở Nigeria, nơi độ tuổi trung bình thất nghiệp là 17,2%.
“Ngoài tăng cường giáo dục, chúng ta cần tìm niềm hy vọng cho giới trẻ. Rất nhiều thanh niên bỏ học và không làm gì cả. Họ không có việc làm, họ không có hy vọng”, bà nói.
Các chuyên gia cho rằng, cơ quan quản lý dược phẩm phải cộng tác với các tổ chức liên quan để giúp hạn chế tình trạng dùng chất gây nghiện trong giới trẻ. Bên cạnh đó, nhà chức trách cần thúc đẩy thể thao và các hoạt động khác để họ tham gia trong thời gian rảnh rỗi.