Nigeria nỗ lực chấm dứt trừng phạt thân thể

GD&TĐ - Đánh đòn hay các hình thức trừng phạt thân thể khác từ lâu đã phổ biến trong các trường học tại Nigeria.

Trừng phạt thân thể là nguyên nhân khiến trẻ em Nigeria không muốn đến trường.
Trừng phạt thân thể là nguyên nhân khiến trẻ em Nigeria không muốn đến trường.

Đánh đòn hay các hình thức trừng phạt thân thể khác từ lâu đã phổ biến trong các trường học tại Nigeria. Tuy nhiên gần đây, các địa phương đang nỗ lực cải thiện tình trạng này.

Theo UNICEF, Nigeria là một trong những quốc gia có tỷ lệ trẻ em thất học cao nhất thế giới. Ước tính, 10,5 triệu trẻ em từ 5 đến 14 tuổi không học tiểu học dù giáo dục tiểu học là miễn phí và bắt buộc.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên như trường học bị phá huỷ bởi xung đột, giáo dục trẻ em gái còn nhiều hạn chế... Tuy nhiên, một số chuyên gia giáo dục tin rằng hành động trừng phạt thân thể cũng góp phần khiến tỷ lệ đi học tại Nigeria thấp.

Trừng phạt thân thể trong trường học là chủ đề gây tranh cãi ở Nigeria bất chấp quốc gia này đã ra lệnh cấm hình thức phạt trên trong Đạo luật Quyền Trẻ em năm 2003. Vì các bang đều có luật riêng nên việc triển khai Đạo luật Quyền Trẻ em trên toàn quốc gặp nhiều khó khăn. Theo Ủy ban Nhân quyền Quốc gia Nigeria, chỉ 24 trong số 36 bang ban hành Đạo luật Quyền Trẻ em như luật tiểu bang.

Tuy nhiên, nhu cầu bãi bỏ hình thức trừng phạt thân thể ngày càng phổ biến. Tại bang Katssina nằm ở phía Bắc Nigeria, nơi chính quyền địa phương thực thi Đạo luật Quyền Trẻ em, tỷ lệ học sinh đến trường được cải thiện.

Trong các lớp học nghiêm cấm trừng phạt thân thể, không khí học tập sôi nổi, học sinh đi học đầy đủ. Thay vì đánh đập nếu học sinh vi phạm kỷ luật, giáo viên sẽ trò chuyện, hướng dẫn, tư vấn để các em nhận ra sai lầm của mình và cam kết không tái phạm. Nhiều hình thức kỷ luật yêu cầu phụ huynh cùng tham gia, từ đó, nâng cao vai trò phối hợp của gia đình trong việc giáo dục trẻ em.

Ông Husamatu Muhammad Gonah, đại diện Cơ quan Giáo dục bang Katsina cho biết: “Trừng phạt thân thể không còn là vấn đề của bang Katsina. Chúng tôi có rất nhiều cách kỷ luật học sinh dựa trên mức độ vi phạm. Chúng tôi không khuyến khích việc đánh đập hay sử dụng vũ lực với học sinh”.

Giáo viên Nigeria cũng nhận thấy những chuyển biến tích cực khi trừng phạt thân thể biến mất. Nhiều người không còn phải dựa vào nỗi sợ hãi để giáo dục học sinh mà hướng đến sự chia sẻ, đồng cảm với học trò.

Trong khi đó, một số giáo viên vẫn nghi ngờ hiệu quả của sự thay đổi. Họ phản ánh rằng nếu không trừng phạt thân thể, học sinh Nigeria sẽ không sợ giáo viên và trở nên khó bảo ban hơn.

Dù vậy, học sinh bang Katsina lại bày tỏ ủng hộ các hình thức kỷ luật mới. Em Zainab Ahmed, 14 tuổi, cho biết, nhiều bạn bè của em từng nghỉ học vì sợ bị đánh. Nhưng hiện nay, các em rất thích đi học và phản ứng tốt với chiến lược mới.

“Việc trừng phạt thân thể trong lớp học gần như không còn nữa. Khi chúng em mắc lỗi, thầy cô bình tĩnh ngồi xuống trò chuyện cởi mở với chúng em để chúng em nhận ra lỗi lầm của mình”, em Ahmed cho hay.

Trong nhiều thập kỷ, giáo viên ở Nigeria được phép sử dụng nhục hình đối với học sinh để kỷ luật và giáo dục học sinh. Năm 2022, Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) ước tính 85% trẻ em Nigeria dưới 14 tuổi bị đánh đập ở trường học.

Theo DW

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.