Giỗ tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng 2024: Ngày Giỗ Tổ với thế hệ gen Z

GD&TĐ - Vào dịp Giỗ Tổ Hùng Vương, mỗi người trẻ thế hệ gen Z đều chọn cho mình cách riêng để tận hưởng kỳ nghỉ lễ.

Học sinh nghe giới thiệu truyền thống lịch sử tại Đền tưởng niệm các Vua Hùng ở TP Thủ Đức, TPHCM.
Học sinh nghe giới thiệu truyền thống lịch sử tại Đền tưởng niệm các Vua Hùng ở TP Thủ Đức, TPHCM.

Nhiều bạn mang ý niệm về lòng biết ơn, ý thức được trách nhiệm của thế hệ trẻ. Bên cạnh đó, không ít bạn khác lên kế hoạch du lịch, thăm gia đình hay tụ tập vui chơi.

Biết ơn cội nguồn tổ tiên

Thường xuyên tìm hiểu về lịch sử, Như Mỹ, 19 tuổi, (TP Thủ Đức, TPHCM) nhận thức được tầm quan trọng của ngày Giỗ Tổ Hùng Vương trong việc giữ gìn bản sắc dân tộc, hun đúc tinh thần yêu nước, tự hào về truyền thống dựng nước và giữ nước của cha ông.

“Em luôn quan tâm đến bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, từ việc tham gia các hoạt động tưởng niệm ngày Giỗ Tổ như dâng hương tại Đền tưởng niệm các Vua Hùng, các lễ hội truyền thống, tìm hiểu lịch sử dân tộc qua sách vở, phim ảnh”, Mỹ tiết lộ.

Cô sinh viên trẻ cho rằng, ngày Giỗ Tổ Hùng Vương cũng là dịp để các bạn gen Z gặp gỡ, giao lưu và gắn kết với gia đình, bạn bè, chia sẻ những câu chuyện về lịch sử dân tộc.

Vào mỗi dịp Giỗ Tổ, Phương Lam, 20 tuổi (Quận 7, TPHCM) đều cùng ba mẹ và chị gái ghé thăm Đền tưởng niệm các Vua Hùng ở thành phố để dâng hương và xem chương trình biểu diễn văn hóa truyền thống tổ chức tại đây.

“Những buổi thăm thú này không chỉ giúp em hiểu hơn về lịch sử mà bản thân cảm nhận rõ về các giá trị cội nguồn dân tộc”, Lam nói và mong muốn có cơ hội đến thăm Đền Hùng ở vùng đất Tổ Phú Thọ.

Khi nhắc đến ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, Phương Uyên, 26 tuổi, mang trong mình niềm tự hào và biết ơn. Là một gen Z “đời cuối”, cô gái trẻ có nhiều trải nghiệm các hoạt động bảo tồn văn hóa truyền thống, lễ hội dân gian hay những hoạt động tình nguyện, cống hiến cho cộng đồng. Đặc biệt, Uyên ý thức được vai trò của thế hệ trẻ nói chung và bản thân mình nói riêng về gìn giữ bản sắc dân tộc trong thời đại công nghệ số.

Giới trẻ thời nay sử dụng rộng rãi mạng xã hội để chia sẻ kiến thức về lịch sử, văn hóa Việt Nam đến bạn bè quốc tế. Theo suy nghĩ của Uyên thì việc tổ chức lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương cũng cần được đổi mới để phù hợp với thời đại, thu hút giới trẻ trong và ngoài nước tham gia.

Ngày lễ kết hợp du lịch, nghỉ ngơi

Công việc hàng ngày bận rộn, dịp nghỉ lễ ngày Giỗ Tổ Hùng Vương là thời điểm phù hợp để Thu Thảo, 25 tuổi, tự thưởng cho bản thân khoảng thời gian nghỉ ngơi, xả stress. Cô đã lên kế hoạch với các bạn cùng nhau nấu nướng, xem phim và dạo quanh thành phố.

Cũng như Thảo, Trọng Phúc, 22 tuổi luôn có niềm vui khi gặp nhóm bạn thân. Phúc nói: “Chúng em ít có cơ hội tập hợp đông đủ vì ngày thường ai cũng bận rộn, công việc khác nhau với những đặc thù riêng, khó khớp lịch được. Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương là dịp nhóm bạn tụ họp, cho dù không đi chơi xa nhưng bên cạnh những người bạn thân, em vẫn luôn cảm thấy vui vẻ”.

Với Đình Khải, 21 tuổi, (TP Thủ Đức), trong ngày 10/3 âm lịch, em cùng những người bạn vẫn sinh hoạt như những ngày bình thường. Xem đó là một ngày nghỉ cuối tuần, nhóm bạn của Khải thường dành thời gian cho hoạt động cá nhân, vui chơi hoặc về quê thăm gia đình, người thân nếu ngày nghỉ nối dài với những ngày cuối tuần.

“Ngay từ thời THCS, em đã được tìm hiểu về nguồn gốc của 18 đời Vua Hùng. Đến hiện tại, mỗi khi có những bài tập hay nghiên cứu liên quan đến yếu tố lịch sử cần phải làm, em lại tìm hiểu kỹ hơn”, Khải nói.

Các bạn trẻ xếp hàng vào thăm Đền tưởng niệm các vua Hùng ở TP Thủ Đức, TPHCM. Ảnh: Cẩm Anh
Các bạn trẻ xếp hàng vào thăm Đền tưởng niệm các vua Hùng ở TP Thủ Đức, TPHCM. Ảnh: Cẩm Anh

Cần “nghệ thuật” định hướng giới trẻ

Theo PGS.TS Nguyễn Ngọc Thơ, giảng viên cao cấp Khoa Văn hóa học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG TPHCM, giới trẻ, đặc biệt là thế hệ gen Z có đủ lòng nhiệt huyết và tinh thần hướng về nguồn cội. Song dưới tác động của trào lưu văn hóa đại chúng như hiện nay, cần có “nghệ thuật” định hướng giới trẻ.

“Chúng ta nên nghệ thuật hóa các hoạt động trực tiếp hoặc gián tiếp hướng tới giáo dục ý thức cội nguồn, độc lập dân tộc và văn hóa thông qua các hoạt động văn thể mỹ, chương trình truyền hình tập trung cùng nhóm chủ đề tương tự”, TS Ngọc Thơ chia sẻ quan điểm và đưa ra dẫn chứng:

Lấy các chương trình, tiết mục trước và trong Tết Nguyên đán làm ví dụ, hình thức nghệ thuật hóa và nội dung tập trung vào chủ đề Tết đã trực tiếp thúc đẩy ý niệm về truyền thống hết sức hiệu quả.

Việc giáo dục ý thức nguồn cội trong giới trẻ hiện nay nên được linh hoạt thể hiện qua con người nghệ thuật hóa, đại chúng hóa trong không gian công cộng và tập trung hóa trên các phương tiện truyền thông.

Theo ông Thơ, Quốc tổ Hùng Vương hay cha Lạc Long Quân, mẹ Âu Cơ là một hệ thống các biểu tượng nguồn cội dân tộc và văn hóa được các thế hệ cha ông đúc kết, xây dựng và biểu trưng hóa nhằm thúc đẩy ý thức độc lập dân tộc, tinh thần uống nước nhớ nguồn và lòng yêu nước.

Con số 18 đời Hùng Vương tượng trưng cho số nhiều, tức nhiều đời thủy tổ dân tộc. Vì là một biểu tượng, Quốc tổ Hùng Vương không nên được cụ thể hóa thành một vị thủy tổ nhất định, mà nên là các thế hệ tổ tiên cổ xưa nói chung, những người đã có công tạo dựng và phát triển truyền thống dân tộc và nền tảng văn hóa Việt Nam.

Đứng ở góc độ này, ngày nay chúng ta có thể xây dựng chùm ý nghĩa lịch sử - văn hóa cho ngày Giỗ Tổ Hùng Vương. Bên cạnh các hoạt động mang tính nghi lễ để tưởng nhớ công ơn, có thể đầu tư thêm cho các hoạt động văn thể mỹ mang tính khơi gợi, thúc đẩy ý thức độc lập dân tộc và tôn quý truyền thống văn hóa quốc gia, chẳng hạn Festival các nghề truyền thống, lễ hội cổ phục Việt Nam, lễ hội dân ca và nhạc cổ truyền...

“Bản thân ngày Giỗ Tổ mang tên Quốc tổ Hùng Vương đã trực tiếp nhắc nhớ về tổ tiên, nguồn cội. Chúng ta cần có thêm các hoạt động đại chúng để thúc đẩy tinh thần tôn vinh truyền thống văn hóa dân tộc, vốn là một trong các ý nghĩa quan trọng của phong tục thờ phụng Quốc tổ ở Việt Nam”, PGS.TS Nguyễn Ngọc Thơ nhấn mạnh.

PGS.TS Phan An, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ cho biết: Vấn đề giáo dục truyền thống văn hóa, hình thành tư tưởng tâm lý biết ơn cội nguồn ở thế hệ trẻ rất cần thiết. Nếu không được giáo dục về cội nguồn, lớp trẻ sẽ coi ngày Giỗ Tổ Hùng Vương chỉ là ngày nghỉ đơn thuần. Trách nhiệm này không chỉ của thế hệ trẻ, mà còn là của nền giáo dục, cộng đồng và xã hội.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ