Theo thống kê năm 2018, tỷ lệ sinh của Hàn Quốc đã giảm xuống còn 0,98%. Đây là mức thấp nhất kể từ khi Hàn Quốc bắt đầu thống kê tỷ lệ sinh vào năm 1970.
Tỷ lệ sinh dưới 1, rốt cuộc có ý nghĩa như thế nào?
Điều đó có nghĩa là, số con trung bình mà phụ nữ Hàn Quốc trong độ tuổi từ 15 đến 49 sinh ra nhỏ hơn 1. Trong cả năm 2018, số trẻ em ra đời tại Hàn Hốc là 326.800.
Trong khi đó, chỉ tính riêng thành phố Quảng Châu của Trung Quốc, trong năm 2017 đã ghi nhận có hơn 270.000 trẻ em được sinh ra, con số này chưa tính những em bé không được ghi nhận chính thức trong sổ sách.
Tổng dân số của Hàn Quốc lúc đó là 51 triệu người, còn dân số thành phố Quảng Châu chỉ có 14,9 triệu người.
Tỉ lệ sinh nhỏ dẫn đến dân số bị suy thoái, đồng nghĩa với tỷ lệ tiêu thụ giảm sút và nền kinh tế bị trì trệ.
Người Hàn Quốc không còn lòng tin đối với hôn nhân nữa
Những tháng cuối năm 2019, chủ đề được thảo luận sôi nổi đối với truyền thông Hàn Quốc là gì? Triều Tiên? Mỹ? Nhật Bản? Samsung?
Đó chính là ly hôn!
Tháng 8/2019, nữ nghệ sĩ Goo Hye Sun và chồng đã thông báo ly hôn trong sóng gió. Nguyên nhân được chính Goo Hye Sun tiết lộ: "Anh ấy nói vì tôi không đủ gợi cảm, anh ấy đã ngoại tình với một nữ diễn viên trong đoàn phim".
Không lâu trước đó, cặp vợ chồng nghệ sĩ được truyền thông ca tụng là "kim đồng ngọc nữ"Song Hye Kyo và Song Joong Ki cũng tuyên bố ly hôn.
Có người nghĩ rằng, sự lãng mạn trong làng giải trí luôn là tâm điểm của báo chí. Nhưng tại sao các phương tiện truyền thông Hàn Quốc lại nhiệt tình đưa tin về cuộc sống hôn nhân của giới nghệ sĩ? Đó là bởi vì sự đồng cảm của dư luận Hàn Quốc sao?
Hàn Quốc là một trong những quốc gia có tỷ lệ ly hôn cao nhất thế giới, và chắc chắn là cao nhất Châu Á. Năm 2018, 250.000 cặp đôi đã đăng ký kết hôn tại Hàn Quốc, đồng thời đã có 100.000 cặp vợ chồng làm hồ sơ ly hôn.
Ngoài ra, theo dữ liệu điều tra, trong số các cặp vợ chồng Hàn Quốc ly hôn trong năm 2015, có đến 29,9% quyết định ly hôn sau khi sống chung hơn 20 năm.
Hầu hết những cuộc ly hôn khi về già đều do người phụ nữ khởi xướng. Mâu thuẫn giữa mẹ chồng và con dâu, sự khác biệt giữa tính tình của chồng và vợ, mâu thuẫn trong phân công việc nhà hay chồng ngoại tình đều là những lý do chủ yếu.
Sau quá nhiều năm nhẫn nhịn, người phụ nữ Hàn Quốc không thể chịu đựng thêm nữa và cứ như thế, họ quyết định theo đuổi sự tự do cho bản thân mình.
Những câu chuyện hôn nhân không kết quả tương tự cứ thế được báo chí Hàn Quốc đưa tin mỗi ngày, chắc chắn chúng sẽ ảnh hưởng đến quan điểm hôn nhân và sinh con của thế hệ trẻ tuổi Hàn Quốc.
Người Hàn Quốc, đặc biệt là những thanh niên trẻ tuổi, càng ngày càng không muốn kết hôn. Theo một cuộc khảo sát do Cục thống kê Hàn Quốc thực hiện, có đến 60% thanh niên từ 20 đến 29 tuổi cảm thấy rất ổn khi không kết hôn.
Một số người cho rằng, tỷ lệ sinh của Hàn Quốc thấp đến mức báo động xuất phát từ chính phủ đất nước này. Chính phủ đã không đưa ra các chính sách và phúc lợi xã hội để khuyến khích sinh con.
Tuy nhiên, điều này hoàn toàn sai. Cho đến hiện nay, chính phủ Hàn Quốc đã đầu tư hơn 100 nghìn tỷ won để khuyến khích người dân sinh con nhưng không thành công.
Hàn Quốc là xã hội bị chi phối bởi văn hóa Nho giáo
Tư tưởng trọng nam khinh nữ gần như xuất hiện ở mọi ngóc ngách xã hội. Đó cũng là một trong những vấn đề mà nữ nghệ sĩ Goo Hye Sun chỉ trích chồng cũ: "Anh ta không bao giờ làm việc nhà".
Không chỉ vậy, tuyệt đối phải hiếu thảo với mẹ chồng, phải quán xuyến tất cả việc nhà và một loạt tiêu chuẩn đánh giá phụ nữ của xã hội Hàn Quốc khiến nhiều người cảm thấy "khó thở".
Ví dụ điển hình nhất là qua bộ phim Hàn Quốc nổi tiếng "Ký Sinh Trùng". Dù là gia đình giàu có hay nghèo đói thì những bà nội trợ luôn phải đảm đương việc giặt ủi, nấu nướng, chăm sóc con cháu và không có bất kỳ ngoại lệ nào.
Năm 2018, quyển tiểu thuyết mang tên "Kim Ji Young 1982" đã trở thành quyển sách bán chạy nhất ở Hàn Quốc. Tại đất nước có dân số hơn 50 triệu người, một quyển sách bán ra hàng triệu bản hoàn toàn là một thông tin chấn động.
Lý do tại sao quyển sách này bán chạy ở Hàn Quốc? Vì có thể tóm tắt nội dung của quyển tiểu thuyết chỉ qua 1 câu: Cuộc đời của người phụ nữ Hàn Quốc bị phân biệt đối xử và bị ghét bỏ.
Một nữ độc giả Hàn Quốc đã nhận xét: "Xem đến phần kết thúc, bạn thậm chí không thể biết rõ liệu tác giả viết về Kim Ji Young hay chính bản thân bạn". Bởi vì quyển sách phản ánh bức ảnh chân thực về cuộc sống của hàng triệu phụ nữ Hàn Quốc.
Có thể nói, quyển tiểu thuyết giải thích hoàn hảo nguyên nhân Hàn Quốc có tỷ lệ kết hôn thấp, tỷ lệ kết hôn muộn cao, tỷ lệ ly hôn cao, tỷ lệ sinh con thấp và vô số vấn đề xã hội khác.
Nhưng nhiều nam thanh niên Hàn Quốc không đồng tình với nội dung của quyển "Kim Ji Young 1982". Không chỉ phụ nữ bị đối xử bất công, mà cả đàn ông cũng như thế.
Một số thanh niên Hàn Quốc trong độ tuổi 20 - 30 bị ảnh hưởng bởi nghĩa vụ quân sự, khó tìm việc làm, giá nhà quá cao,... và họ không được hưởng bất kỳ đặc quyền nào.
Một dữ liệu thú vị khác cho thấy 75% người Hàn Quốc muốn rời khỏi quê nhà và định cư ở đất nước khác. Quốc gia được nhiều người chọn làm mục tiêu nhất là Canada. Gần 1 nửa người tham gia khảo sát cho biết mình không muốn sinh ra ở Hàn Quốc một lần nào nữa.
Chính vì thế, khi được phỏng vấn, một số cô gái Hàn Quốc đã trả lời: "Tôi nghĩ phụ nữ Hàn Quốc không nhất thiết phải trở thành Kim Ji Young, có rất nhiều lựa chọn khác mà. Ví dụ như bạn chưa sẵn sàng thì đừng kết hôn, không muốn sinh con thì đừng sinh con".
Tuy nhiên, còn một điều thú vị khác, "Kim Ji Young 1982" cũng đã đứng đầu danh sách bán chạy nhất tại Nhật Bản, được tái bản 3 lần chỉ trong 1 thời gian ngắn.