Giới trẻ Afghanistan khát khao vào đại học

GD&TĐ - Tại Afghanistan, con đường tới giáo dục đại học đang ngày càng hẹp lại. Số người đua tranh tìm một suất trong các trường đại học nước này đang tăng lên. 

Giới trẻ Afghanistan khát khao vào đại học

Vòng cuối của kỳ thi tuyển sinh đại học quốc gia năm nay, được gọi là kankur, vừa diễn ra, khoảng 280.000 tú tài tham dự kỳ thi để cạnh tranh 55.000 chỉ tiêu. Số thí sinh dự thi kankur đã tăng gấp 4 lần kể từ năm 2007. 

Cánh cửa hẹp

Khoảng 3.000 thí sinh tan buổi thi tuyển sinh đại học tại ĐH Kabul. Họ tự động xếp thành 2 hàng: Nữ bên phải, nam bên trái. Sau khi nhận lại điện thoại để trên một chiếc xe tải nhẹ được làm chỗ cất những vật dụng bị cấm mang vào phòng thi, Nooria, 19 tuổi – giải thích tại sao giới trẻ nước này lại đang đổ xô vào trường đại học như vậy.

“Trước tiên, rất khó để người nghèo tìm được việc làm nếu không có bằng cấp. Thứ hai, người dân Afghanistan đã chìm đắm trong chiến tranh quá lâu, họ muốn vượt lên phía trước” – Nooria nói.

Trong khi thí sinh con nhà giàu có thể đăng ký 1 trong 40.000 chỗ trong các trường đại học tư, thường có điểm tuyển thấp, thì những trường ĐH công là lựa chọn duy nhất cho những gia đình nghèo như Nooria. “Nếu tôi thi trượt kankur, tôi chỉ có nước ngồi nhà, nhưng các bạn nam có thể rơi vào con đường tội phạm” – Nooria chia sẻ.

Khi mà ý nghĩa của kankur ngày càng quan trọng như vậy thì cuộc thi này đã bắt đầu nhuốm màu tiền bạc và quyền lực.

Con đường gian nan

Ngay vào trước ngày thi, Mohammad Hassan, 20 tuổi, nhận được nhiều thư điện tử của người lạ chào bán các câu hỏi thi với giá khoảng 80 USD. Hassan nói rằng, cậu có thể làm tốt bài thi mà không cần gian lận nhưng cũng lo lắng vì thí sinh khác có thể mượn tới gian lận – và đó là cuộc cạnh tranh không công bằng.

Obaid Ali, một nghiên cứu viên cho tổ chức Analysts Network tại Kabul, chỉ ra thách thức lớn nhất đối với một kỳ thi kankur công bằng là sự can thiệp từ những nhân vật thế lực tại các tỉnh. “Thành viên hội đồng địa phương tìm cách gây áp lực lên kỳ thi kankur”, theo Anwar Shams, Giám đốc uỷ ban chuẩn bị kankur của Bộ Đại học. Năm nay, Shams cho biết, các chính trị gia tại tỉnh Ghazni và Paktika đã tấn công giám thị. Tại Khost, một ông nghị cấp tỉnh đã đe dọa giết một giám thị nếu “làm gắt” với thí sinh người nhà.

Kỳ thi kankur có 160 câu hỏi trắc nghiệm, tổng số điểm đạt được là 332. Trước kỳ thi, thí sinh chọn 5 lĩnh vực ngành để xét điểm. Hầu hết thí sinh chọn các ngành như luật, kinh tế và khoa học chính trị - nhưng cánh cửa việc làm cho những ngành này lại rất hẹp. Chỉ 4% số cử nhân ra trường được tuyển dụng vào cơ quan nhà nước, theo một báo cáo năm 2012 của Tổ chức Lao động Quốc tế.

Trong khi rất ít trường đại học đào tạo ngành liên quan tới nông nghiệp, thậm chí khi lao động nông nghiệp chiếm khoảng 60% dân số và nông nghiệp đang rất cần lao động trình độ cao để phát triển.

“Có một khoảng cách thực sự giữa kĩ năng đào tạo trong các trường đại học với thị trường việc làm thực tế” – theo Herve Nicolle, Giám đốc Samuel Hall, một công ty nghiên cứu về giới trẻ và lao động tại Afghanistan.

Tuy nhiên không có bằng cấp thì tương lai còn mờ mịt hơn. Khoảng 400.000 người Afghanistan gia nhập thị trường lao động hàng năm, nhiều người không có trình độ văn hóa. Trong khi các tổ chức quốc tế dạy kỹ năng nghề thì chương trình của họ thường chỉ phù hợp với tổ chức nước ngoài chứ không phù hợp với nhu cầu của chủ lao động địa phương, ví dụ như dạy tiếng Anh và máy tính…

(Theo theguardian)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ