Giỗ tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng 2024: Giá trị văn hóa từ các làn điệu Xoan

GD&TĐ - Phong trào hát Xoan đã và đang diễn ra sôi nổi trong các trường học ở Phú Thọ.

Gần 700 học sinh Trường Tiểu học Kim Đức hòa mình say sưa với làn điệu trong tiết hoạt động giữa giờ tại sân trường.
Gần 700 học sinh Trường Tiểu học Kim Đức hòa mình say sưa với làn điệu trong tiết hoạt động giữa giờ tại sân trường.

Giáo viên và học sinh không chỉ được học hát, mà còn cảm nhận được giá trị văn hóa tinh thần to lớn kết tinh trong các làn điệu Xoan. Từ đó, có ý thức trách nhiệm trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa này.

Đưa hát Xoan vào trường học

Hát Xoan Phú Thọ đã có lịch sử hơn 2.000 năm, thường được tổ chức vào mùa Xuân để đón chào năm mới, không chỉ để ca hát mua vui, mà còn để cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt, nhà nhà no đủ, nhân khang vật thịnh, quốc thái dân an và cùng nhau chúc tụng Vua Hùng. Qua hàng nghìn năm lịch sử, hát Xoan cũng gắn liền với lễ hội và nhu cầu tâm linh trong cuộc sống của người dân đất Tổ.

Ngày 24/11/2011, hát Xoan Phú Thọ được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp. Cũng từ năm 2011, ngành GD-ĐT Phú Thọ đã xây dựng đề án đưa hát Xoan vào trường học, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ tập huấn, bồi dưỡng giáo viên về hát Xoan, tham gia lựa chọn, thẩm định các bài hát Xoan để ghi đĩa, in tài liệu cấp phát cho các cơ sở giáo dục tham khảo, sử dụng trong dạy học và tổ chức các hoạt động giáo dục.

Mô hình “Trường học gắn với cuộc sống” nói chung, mô hình “Trường học gắn với di sản văn hóa” nói riêng được triển khai đến tất cả cấp học ở các địa phương trong tỉnh Phú Thọ.

Đến nay, các trường học trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đưa hát Xoan vào giảng dạy thông qua bộ môn Âm nhạc. Tổ chức hát Xoan trong các hoạt động tập thể như: Sinh hoạt lớp, chào cờ hay trong các buổi ngoại khóa… đa số các trường có giáo viên biết trình diễn và dạy hát Xoan.

Ngoài việc đưa hát Xoan vào chương trình giảng dạy, các trường học ở Phú Thọ còn thành lập CLB hát Xoan ở tất cả các khối lớp. Để CLB hoạt động hiệu quả, các trường học thường xuyên mời nghệ nhân ở các phường Xoan gốc trên địa bàn đến truyền dạy hát Xoan cho học sinh trong giờ giáo dục tập thể. Cùng với đó, các nhà trường cũng lồng ghép dạy hát Xoan trong giờ âm nhạc, giờ sinh hoạt lớp, các hoạt động giao lưu văn hóa văn nghệ...

Các nghệ nhân dạy học sinh Trường Tiểu học Kim Đức học hát Xoan tại di tích miếu Lãi Lèn.

Các nghệ nhân dạy học sinh Trường Tiểu học Kim Đức học hát Xoan tại di tích miếu Lãi Lèn.

Đặc biệt, hát Xoan Phú Thọ còn được đưa vào nội dung giáo dục địa phương, hoạt động trong các giờ sinh hoạt Đội, sinh hoạt dưới cờ, hoạt động giữa giờ, hoạt động trải nghiệm... tích hợp vào các môn học: Âm nhạc, Đạo đức, Tiếng Việt, Lịch sử, Địa lý…

Có dịp đến thăm Trường Tiểu học Kim Đức (TP Việt Trì) đúng vào hoạt động giữa giờ của học sinh, chúng tôi trực tiếp chứng kiến gần 700 em học sinh nhà trường hòa mình say sưa với làn điệu Xoan ngọt ngào, đằm thắm.

Bà Hán Thị Thúy Lan, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, ban đầu thành lập CLB hát Xoan nhà trường gặp không ít khó khăn vì ca từ của hát Xoan tuy mộc mạc, dễ hiểu, nhưng khó hát. Ngày đầu chỉ có 1 CLB hát Xoan với 6 học sinh.

Học sinh Trường Tiểu học Kim Đức tập hát Xoan tại di tích miếu Lãi Lèn - nơi phát tích của hát Xoan Phú Thọ.

Học sinh Trường Tiểu học Kim Đức tập hát Xoan tại di tích miếu Lãi Lèn - nơi phát tích của hát Xoan Phú Thọ.

“Qua nhiều năm, đến nay, nhà trường đã có 110 em học sinh và 20 cán bộ, giáo viên và nhân viên tham gia CLB hát Xoan”, bà Lan cho biết.

Cũng là một đơn vị đi đầu trong phong trào “Trường học gắn với di sản văn hóa” tại TP Việt Trì, Trường Tiểu học Hùng Lô cũng có nhiều cách làm hay, sáng tạo để bảo tồn và phát huy giá trị hát Xoan.

Nhà trường đã thành lập CLB hát Xoan ở tất cả các khối lớp. Hiện nay, CLB hát Xoan của Trường Tiểu học Hùng Lô đã có tới gần 200 thành viên.

“Để phong trào hát Xoan được phát triển mạnh mẽ trong trường, chúng tôi cho các nhóm của CLB dạy hát Xoan cho học sinh toàn trường vào giờ hoạt động tập thể của hai ngày trong tuần (thứ Ba và thứ Năm). CLB thường xuyên giao lưu với các phường Xoan cổ trong thành phố, các khu dân cư trong xã; giao lưu hát Xoan cấp thành phố”, bà Lê Thị Lan Anh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hùng Lô cho biết.

CLB hát Xoan Trường Tiểu học Hùng Lô giao lưu hát Xoan tại Đình làng Hùng Lô (TP Việt Trì).

CLB hát Xoan Trường Tiểu học Hùng Lô giao lưu hát Xoan tại Đình làng Hùng Lô (TP Việt Trì).

Chung tay bảo tồn di sản

Các cấp, các ngành tại Phú Thọ đã có nhiều nỗ lực trong việc lan tỏa phong trào hát Xoan trong đời sống cộng đồng. Trong đó, phải kể đến là sự phối hợp giữa ngành Giáo dục và ngành văn hóa trong việc tổ chức, truyền dạy hát Xoan trong nhà trường.

Những lớp truyền dạy hát Xoan cho giáo viên dạy âm nhạc khối tiểu học được tổ chức đều đặn. Học viên tham gia lớp truyền dạy là các giáo viên sẽ được các nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú có nhiều kinh nghiệm thuộc các phường Xoan gốc và cán bộ chuyên môn của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch truyền dạy các bài Xoan cổ trong 3 chặng hát.

Ngoài ra, thực hiện Chương trình GDPT 2018, các trường học tại Phú Thọ đã tham gia cung cấp tư liệu, hình ảnh hát Xoan góp phần phục vụ cho việc biên soạn nội dung giáo dục địa phương của tỉnh Phú Thọ, thực hiện hiệu quả mô hình “Trường học gắn với di sản văn hóa”.

Em Đào Quỳnh Anh, học sinh lớp 5C, Trường Tiểu học Kim Đức cho biết, được học hát Xoan từ khi vào lớp 1. “Em không chỉ được tham gia các hoạt động hát Xoan ở trường, mà còn được tham gia hát Xoan ở miếu Lãi Lèn, đình Thét, được giao lưu với các nghệ nhân ở các phường Xoan. Giờ đây, em không chỉ biết hát Xoan, mà còn thấy được niềm tự hào và trách nhiệm của mình trong việc giữ gìn và bảo tồn, lan tỏa làn điệu Xoan của quê hương mình”, Đào Quỳnh Anh nói.

Để nâng dần chất lượng dạy, học hát Xoan trong Trường Tiểu học Hùng Lô, Hiệu trưởng Lê Thị Lan Anh cho hay, trường đã tích cực đầu tư về trang thiết bị phục vụ cho hoạt động hát Xoan. Đồng thời tích cực dạy hát Xoan trong các tiết học Âm nhạc, hoạt động ngoại khóa, hoạt động tập thể. Nhà trường yêu cầu, các em học sinh trong toàn trường thuộc ít nhất từ 3 - 5 bài Xoan cổ có những làn điệu dễ nhớ, dễ thuộc và gần gũi như: Xe chỉ vá may, Trồng bông luống đậu, Bắc cầu...

Có thể thấy, mô hình “Trường học gắn với di sản văn hóa” là cách vận dụng linh hoạt, sáng tạo, nâng cao ý thức bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Ngày 24/11/2011, UNESCO đã chính thức ghi danh hát Xoan vào danh sách “Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của thế giới”. Với nhiều nỗ lực của Phú Thọ, năm 2017, hát Xoan chính thức được UNESCO rút khỏi danh sách này để chuyển sang danh sách “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hệ thống THAAD của Mỹ.

Kích hoạt vụ phóng Oreshnik mới

GD&TĐ - Theo Reuters, lực lượng tên lửa Nga có thể phóng tiếp tên lửa Oreshnik vào Ukraine, sau khi bị Kiev tập kích lãnh thổ bằng ATACMS.