Từ ngày 10/4 đến hết ngày 14/4 tại các không gian trải nghiệm văn hóa là: miếu Lãi Lèn, đình Thét, đình Kim Đái (xã Kim Đức), đình cổ Hùng Lô (xã Hùng Lô) và đình An Thái (xã Phượng Lâu) thành phố Việt Trì diễn ra các buổi trình diễn nghệ thuật hát xoan.
Hát xoan làng cổ dịp Lễ giỗ tổ Hùng Vương |
Vào mỗi dịp Lễ giỗ tổ Hùng Vương hàng năm, du khách có cơ hội khám phá sự hấp dẫn, độc đáo của nghệ thuật trình diễn có 2000 năm tuổi do chính các nghệ nhân của các làng Xoan cổ biểu diễn.
Từ sớm nay, trong không gian tĩnh mịch của miếu Lãi Lèn đã nghe tiếng nói cười của các thành viên phường hát xoan Phù Đức, một trong 3 phường xoan gốc thuộc xã Kim Đức.
Các bà các chị giúp nhau chít chiếc khăn mỏ quạ sao cho đúng, cho chặt, rồi rôm rả kể chuyện ngày xưa nghe trống giục rủ nhau đi hát, thỉnh thoảng cất lên một câu hát xoan đã thuộc nằm lòng. Nghệ nhân hát xoan Lê Thị Huệ năm nay gần 80 tuổi vẫn không quên bài bản nào. Bà cũng không vắng mặt trong bất kỳ buổi biểu diễn "hát xoan làng cổ" phục vụ du khách gần xa, nhất là trong dịp Lễ giỗ Tổ Hùng Vương như thế này dù cổ tay đã yếu múa không còn dẻo, dù giọng đã không còn thanh, bởi nghệ thuật hát xoan đã ăn vào máu thịt của bà.
"Năm 61 lên Phú Thọ hát 3 ngày. Lúc về, đi tàu rồi đi bộ từ ga Phù Đức về đây vẫn đi, vui vẻ. 3 nam 3 nữ vừa đi vừa đấm đá nhau, vui lắm. Ngày xưa, các cô các bà cứ ông trùm nổi hồi trống cái là các đào chạy đến. Thế người ta mới đặt là "Trai nghe tiếng trống nức lòng, gái nghe tiếng trống trốn chồng mà đi", trốn chồng con đi hát. Các cụ ví hay lắm chứ.", nghệ nhân Lê Thị Huệ chia sẻ.
Cụ trùm phường xoan Phù Đức là nghệ nhân Nguyễn Xuân Hội. Trước khi bắt đầu buổi biểu diễn, nghệ nhân giới thiệu ngắn gọn sự tích về miếu Lãi Lèn và nguồn gốc phát tích của hát xoan: "Tương truyền tiết mùa xuân, 3 anh em vùa Hùng tìm đất xây dựng kinh đô. Nhà vua về tới đây thấy gò đất nghỉ chân. Bên cạnh có đám trẻ con vừa chăn trâu, vừa chơi trò chơi dân gian vừa hát đồng dao. Nhà vua truyền gọi và chỉnh sửa câu hát, lấy tên hát Xuân. Sau tên Xuân có tên húy gọi chệch là hát Xoan. Ngôi miếu này là nơi phát tích hát xoan đầu tiên từ thời vua Hùng. Hát cầu mùa màng tốt tươi, cầu sức khỏe..."
Hát nhập tịch, giáo trống, giáo pháo
Trong hát Xoan, múa và hát luôn đi cùng, kết hợp với nhau, dùng điệu múa để minh họa cho lời ca; hát, ngâm, có đồng ca nữ, đồng ca nam, tốp ca, đối ca, hát đa thanh, hát đuổi, hát có lĩnh xướng và hát đối đáp; nam đố nữ giảng... Về sắc thái âm nhạc vừa có giọng trang nghiêm, thong thả, vừa có những điệu dồn đuổi khỏe mạnh, lại có những giọng mềm mại trữ tình.
Hát xoan có 31 bài, trong đó có 14 bài quả cách là nghi lễ hát thờ vua, 5 bài hát nhập tịch (mời vua về ngự tại đình), 12 bài hát hội giao lưu. Khi biểu diễn thì đào, trong mặc áo cánh trắng ngoài mặc áo dài tứ thân màu nâu tươi, váy đen, thắt lưng ngoài áo màu tím hoa cà, chân đi đất hoặc dép quai ngang bằng da trâu, đầu vấn khăn điều bỏ đuôi gà. Kép thì mặc áo cánh trắng, quần nâu, thắt lưng ngoài áo màu xanh thiên lý, chân đi đất, đầu chít khăn thủ rìu màu đỏ.
Từ khi hát Xoan Phú Thọ được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, miếu Lãi Lèn đã đón tiếp rất đông du khách thập phương trong và ngoài nước, học sinh, sinh viên đến tham quan, tìm hiểu, nghe trình diễn hát Xoan. Có ngày đón hàng trăm học sinh của các trường đại học, nhất là trong dịp diễn ra lễ hội Đền Hùng hàng năm.
Anh Hoàng Long sống tại tỉnh Bắc Ninh lần đầu tiên được nghe hát xoan làng cổ, được trở thành nhân vật trong phần hội vui vẻ với điệu "Mó cá": "Đây là lần đầu tôi lên Lễ hội Đền Hùng dịp Giỗ tổ Hùng vương, cũng là lần đầu tiên tôi được trực tiếp nghe hát xoan tại nơi phát tích ra hát xoan của Phú Thọ. Khi được nghe trực tiếp phần lễ, tham gia phần hội cảm nhận của tôi là lời bài hát thể hiện văn hóa dân tộc, từ lời cổ đến lời hát thể hiện cuộc sống dân dã. Hôm nay rất vinh dự tham gia hoạt động như thế này."
Hiện xã Kim Đức có 3 phường xoan gốc với khoảng 600 hội viên tham gia, trong đó có 45 người đã được vinh danh nghệ nhân dân gian, nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân hát xoan. Mặc dù chưa có chế độ, tiêu chuẩn nhưng các nghệ nhân, hội viên ở địa phương đều tích cực tham gia hoạt động, góp phần quan trọng bảo tồn di sản văn hóa dân tộc. Các phường xoan của địa phương đã tham gia biểu diễn ở nhiều nơi, truyền dạy nhiều thế hệ học sinh, sinh viên các trường văn hóa nghệ thuật, các nghiên cứu sinh văn hóa.
Tiếp nối niềm đam mê của cha mình là cụ trùm Nguyễn Xuân Hội, anh Nguyễn Đức Nguyện đã thuần thục các bài bản cổ để gìn giữ di sản của quê mình: "Những ngày thường bố tập cho các bà, các ông ở nhà mình nên mình học từ nhỏ rồi. Tầm 7,8 tuổi đã biết hát rồi. Chính thức đi biểu diễn năm 14 tuổi. Chủ yếu nhìn các cụ, các ông tập mà học theo, phương pháp truyền khẩu là chính. Nhà 5, 6 anh em trai không ai ngoài mình theo bố làm nghề này cả. Ở quê mình có di sản này các cụ để lại mình phải giữ gìn nó."
Cùng với công trình văn hóa tâm linh miếu Lãi Lèn, trong khuôn viên khang trang của di tích còn có Nhà trưng bày nghệ thuật Hát Xoan hiện đại, đầy đủ tiện nghi và trưng bày khoa học, được coi là một bảo tàng duy nhất về Hát Xoan Phú Thọ, là nơi vừa giới thiệu, vừa có thể trình diễn về Hát Xoan phục vụ du khách.
Trong dịp Lễ Giỗ tổ vua Hùng, cùng về thăm miếu Lãi Lèn, đình Thét, đình Kim Đái, đình Hùng Lô, đình An Thái, những không gian mang ý nghĩa tâm linh, không gian văn hóa bảo tồn và duy trì sức sống mạnh mẽ, bền vững của di sản hát xoan trong đời sống cộng đồng ngay trên chính vùng đất đã sản sinh ra di sản.