Gìn giữ phố bích họa Phùng Hưng

GD&TĐ - Chính thức ra mắt công chúng Thủ đô vào đầu tháng 2/2018, “Không gian trưng bày dự án nghệ thuật công cộng Phùng Hưng” (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã trở thành điểm đến hấp dẫn, kết nối các giá trị di sản văn hóa Thủ đô.  

Một góc phố bích họa Phùng Hưng
Một góc phố bích họa Phùng Hưng

Điểm hẹn văn hóa

Dự án “Không gian trưng bày dự án nghệ thuật công cộng Phùng Hưng” do Quỹ giao lưu quốc tế Hàn Quốc - Korea Foundation phối hợp với Chương trình Định cư Con người Liên Hiệp Quốc - UN Habitat và UBND quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) thực hiện.

Trên tuyến phố Phùng Hưng, từ đoạn giao với phố Lê Văn Linh lên phố Hàng Cót, các nghệ sĩ tình nguyện Việt - Hàn đã khắc họa các tác phẩm nghệ thuật cho 19 vòm cầu di sản. Những bức tranh truyền tải thông điệp về một Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến luôn gìn giữ được truyền thống và tinh hoa, vẫn luôn song hành với đời sống hiện đại đã qua nhiều đổi thay.

Đây cũng là một trong những dự án nghệ thuật cộng đồng có ý nghĩa quan trọng về phát huy văn hóa, bảo vệ môi trường, cảnh quan lịch sử và thúc đẩy phát triển kinh tế - du lịch. Phố bích họa Phùng Hưng góp phần tạo ra một không gian đi bộ thú vị, tôn vinh, bảo tồn, phát huy giá trị di sản đô thị của khu phố cổ Hà Nội. Các bức tranh được vẽ trên nền gỗ bằng sơn và golden acrylics, có độ bền từ 5 đến 10 năm, sau đó ốp cứng vào các mái vòm, không làm ảnh hưởng đến kết cấu công trình.

Phố bích họa Phùng Hưng đã giành giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội 2018 và vừa giành giải thưởng “Cảnh quan châu Á vì cộng đồng” của Văn phòng Tổ chức định cư con người Liên Hiệp Quốc vùng châu Á - Thái Bình Dương, Ủy ban định cư châu Á, Tổ chức Thiết kế phong cảnh châu Á và Trung tâm Nghiên cứu đô thị TP Fukuoka (Nhật Bản). 

Nơi đây, ký ức của thành phố được nối dài và cộng hưởng cùng sắc màu của nhịp sống hiện đại qua từng bức họa. Người ta gặp ở đây rất nhiều hình ảnh đặc trưng của Hà Nội xưa: Khu phố cổ, máy nước công cộng, gánh hàng rong, ông đồ tặng chữ mùa xuân, tàu điện, cửa hàng Bách hóa Tổng hợp Tràng Tiền. Trong số các tác phẩm có một số bức bích họa đã được vẽ theo không gian 3 chiều, để tạo hiệu quả tương tác với người xem. Tất cả đều khơi gợi hoài niệm, đem đến sự tiếp nhận những giá trị văn hóa, lịch sử một cách tự nhiên.

Hơn 8 tháng qua, phố bích họa Phùng Hưng đã trở thành điểm đến đặc biệt thu hút người dân và du khách quốc tế. Sự tương tác giữa người dân và con phố này như lan tỏa nguồn cảm hứng gìn giữ truyền thống và nét đẹp tinh hoa của văn hóa trong sự biến động của thời đại.

“Tôi thường ra đây ngắm những bức tranh để quay ngược thời gian về với những kỷ niệm xưa cũ. Hà Nội đổi thay quá nhiều. Trước đây, con phố này nhếch nhác vì các xe tập kết rác, những bãi gửi xe tự phát, hàng quán ăn nhậu lấn chiếm... Giờ đây, những họa sĩ tâm huyết, yêu Hà Nội đã biến cải, khoác cho phố vẻ đẹp mới. Tôi chỉ mong các bức tranh giữ được vẻ đẹp lâu bền để phố Phùng Hưng luôn là điểm hẹn văn hóa của Thủ đô…”, ông Nguyễn Huy Đông - một người dân ở phố Phùng Hưng, Hà Nội cho biết.

Tìm về ký ức ngôi nhà có cửa sổ xanh
  • Tìm về ký ức ngôi nhà có cửa sổ xanh

Giữ gìn vẻ đặc sắc phố bích họa

Phố bích họa không chỉ là công trình hợp tác sáng tạo nghệ thuật của giới họa sĩ Việt Nam - Hàn Quốc, thể hiện nhiệt huyết, sự công phu mà còn là kế hoạch dài hơi của thành phố, nhằm xây dựng không gian nghệ thuật phục vụ cộng đồng. Việc “đánh thức” không gian văn hoá công cộng tại các khu phố phụ cận quanh hai tuyến phố đi bộ Hồ Hoàn Kiếm và khu phố cổ Hà Nội nằm trong chương trình hành động đưa giá trị lịch sử, giá trị di sản văn hóa đến người dân và du khách.

Đưa ra những ví dụ sinh động, bà Trần Thí Thúy Lan - Phó Trưởng Ban quản lý Phố cổ Hà Nội cho biết: “Hơn 8 tháng qua, nhiều hoạt động đã được tổ chức ở không gian văn hóa nghệ thuật này. Trong những ngày lễ lớn Ban quản lý phố cổ Hà Nội đã tổ chức các hoạt động biểu diễn âm nhạc truyền thống, trình diễn thời trang, thi vẽ tranh, trải nghiệm Tết Trung thu, các trò chơi dân gian… thu hút người dân tham dự…”.

Bày tỏ quan điểm về việc bảo vệ và phát huy công năng của phố bích họa Phùng Hưng, họa sĩ Trang Thanh Hiền - giảng viên Trường ĐH Mỹ thuật Yết Kiêu - Hà Nội cho rằng: “Dù đã sử dụng chất liệu và giải pháp kỹ thuật phù hợp nhưng việc bảo vệ những tác phẩm hội họa ở nơi công cộng cần được quan tâm bởi điều kiện thời tiết khá khắc nghiệt. Giống như các đường làng bích họa Tam Thanh (Quảng Nam), làng bích họa 3D Gành Yến, làng Lý Sơn (Quảng Ngãi), làng bích họa Australia - Việt Nam (Cao Lãnh - Đồng Tháp)… bảo vệ những bức tranh là người dân sinh sống ở chính khu vực đó.

Trực tiếp và hàng ngày, người dân sẽ nêu gương và nhắc nhở ý thức tôn trọng giá trị văn hóa nghệ thuật và ngăn chặn hành vi xả rác bừa bãi hoặc xâm hại đến tranh. Việc bảo vệ cũng cần trách nhiệm của cơ quan quản lý và giới chuyên môn. Ban quản lý nên vận động nguồn quỹ xã hội hóa để có kinh phí bảo trì, bảo tồn để giữ gìn độ bền và “nhan sắc” cho những bức tranh”.

Theo bà Thúy Lan, phố bích họa được giao cho UBND phường Hàng Mã và Công an phường Hàng Mã quản lý. Trên tuyến phố đã lắp đặt hệ thống camera. Người dân đã được tuyên truyền, nâng cao ý thức bảo vệ di sản và các bức tranh nên vấn đề an ninh trật tự được đảm bảo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ