Chú trọng tiếng nói và chữ viết
Cùng với việc tập trung đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, thì việc tăng cường công tác giáo dục nâng cao mặt bằng dân trí cho đồng bào Khmer đã được Đảng bộ và chính quyền các cấp ở Sóc Trăng đặc biệt quan tâm. Ngoài việc học các môn phổ thông, đa số các em đều được học chữ Khmer, bởi từ nhiều năm nay chữ Khmer đã được đưa vào chính khóa ở các điểm trường có con em đồng bào dân tộc Khmer theo học đông.
Theo quy định của Bộ GD&ĐT, từ lớp 1 - 5, học sinh được học chữ Khmer 4 tiết/tuần; từ lớp 6 - 12, học sinh được học 2 tiết/tuần. Ngoài những tiết học chữ Khmer ở các trường phổ thông, phổ thông dân tộc nội trú, hằng năm hầu hết các chùa Khmer ở Sóc Trăng đều có mở các lớp dạy chữ Khmer cho sư sãi và con em đồng bào buôn sóc.
Đồng bào dân tộc Khmer tập trung đông đúc ở những địa phương của Sóc Trăng như: Huyện Mỹ Xuyên, huyện Trần Đề, thị xã Vĩnh Châu… do đó nhu cầu bảo tồn bản sắc văn hóa rất cần thiết đối với cộng đồng người Khmer thông qua hoạt động nói và viết. Tầm quan trọng đối với dân tộc được sự quan tâm của Nhà nước, ngành Giáo dục đưa ngôn ngữ Khmer trở thành một môn học từ bậc tiểu học lên các bậc học cao hơn. Nhờ những nỗ lực đó, tiếng nói và chữ viết của đồng bào dân tộc Khmer được chú trọng trong công tác dạy, học. Từ đó có thể giúp học sinh dân tộc Khmer biết nói, biết đọc để nhận dạng nguồn gốc tổ tiên và có thể giao tiếp bằng ngôn ngữ, chữ viết dân tộc trong cộng đồng.
Ý thức giữ gìn bản sắc
Ông Võ Minh Dẫn - Phó trưởng Phòng GD&ĐT huyện Trần Đề (Sóc Trăng), cho biết: Để có kết quả học tập tốt với tiếng dân tộc, các em học sinh cũng nhận được nhiều sự khuyến khích của thầy cô, gia đình. Bên cạnh đó còn được sự quan tâm của các cấp, các ngành như miễn học phí, được cấp bảo hiểm y tế, được nhận học bổng, trợ cấp nhu yếu phẩm, xe đạp… Các loại sách, tập viết của bộ môn cũng được cấp hoàn toàn, ngoài ra các em còn được học chữ tại các chùa.
Toàn huyện Trần Đề hiện có 61 giáo viên dạy Khmer ngữ, những giáo viên đảm nhận bộ môn này được hưởng thêm 50% lương. Ngành Giáo dục thường xuyên tiến hành kiểm tra, đánh giá xếp loại năng lực, sinh hoạt cụm chuyên môn mỗi tháng 1 lần rút kinh nghiệm có hướng trau dồi tốt hơn. Ngành Giáo dục cũng đề ra kế hoạch bồi dưỡng học sinh khá giỏi và học sinh yếu kém hiệu quả.
Cũng theo ông Võ Minh Dẫn, chương trình bộ môn Khmer ngữ tương đối vừa sức và dễ học đối với các em người dân tộc. Phương pháp học tập chủ yếu là đọc, viết, ghi chép cũng không đến nỗi gây khó khăn cho các em. Các em chăm chỉ đều đạt kết quả tốt. Học sinh hoàn thành chương trình TH hay tốt nghiệp THCS đều có thể viết được hoàn toàn. Mặc dù chỉ bố trí 4 tiết/tuần thế nhưng các em đều tiếp thu tốt, có sự cầu tiến. Trường cũng tăng cường những buổi học bồi dưỡng, học chéo buổi, hè có dạy thêm cho các em.