Gìn giữ ký ức đô thị nhìn từ Cung thiếu nhi Hà Nội

GD&TĐ - Câu chuyện giữ hay bỏ Cung thiếu nhi Hà Nội một lần nữa lại được đặt ra khi dự án xây dựng Cung Thiếu nhi Hà Nội mới tại quận Nam Từ Liêm vừa động thổ cách đây ít lâu.

Di sản kiến trúc và văn hóa Cung thiếu nhi Hà Nội liệu có biến mất?
Di sản kiến trúc và văn hóa Cung thiếu nhi Hà Nội liệu có biến mất?

Mặc dù chưa có thông tin chính thức về việc sử dụng “đất vàng” của Cung thiếu nhi Hà Nội (tại 36-38 Lý Thái Tổ , Hoàn Kiếm, Hà Nội) theo hướng nào, song dư luận quan tâm, các kiến trúc sư, nhà sử học nêu ý kiến, cũng chỉ vì một mong muốn giữ được ký ức đô thị, giữ được hồn đô thị cho một thành phố đã có bề dày 1011 năm văn hiến.

Nơi vun đắp những ước mơ tuổi thơ

Từ khu vui chơi chỉ dành cho con em các gia đình giàu có tên là Ấu trĩ viên, Câu lạc bộ Thiếu nhi Hà Nội – tiền thân của Cung Thiếu nhi – ra đời ngày 1/6/1955 đã thu hút hàng vạn con em những người lao động đến tham gia sinh hoạt.

Từ khu vui chơi chỉ dành cho con em các gia đình giàu có tên là Ấu trĩ viên, Câu lạc bộ Thiếu nhi Hà Nội – tiền thân của Cung Thiếu nhi – ra đời ngày 1/6/1955 đã thu hút hàng vạn con em những người lao động đến tham gia sinh hoạt.

Từ nhiều năm trước, việc ứng xử như thế nào với Cung Thiếu nhi Hà Nội  cũng đã được đặt ra, và tốn khá nhiều giấy mực của báo chí. Bởi lẽ, Cung thiếu nhi Hà Nội không chỉ tọa lạc ở vị trí đắc địa, nằm trên phố Lý Thái Tổ (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) có tổng diện tích 8.100 m2 với tòa nhà Pháp cổ và một công trình thuộc kiến trúc kiểu Xôviết mà với gần 70 năm tồn tại, nơi đấy chứa đựng rất nhiều câu chuyện thuộc về lịch sử, đồng thời cũng gắn bó với nhiều thế hệ người Hà Nội. 

Tuy nhiên, gần đây, Hà Nội vừa tiến hành lễ động thổ Cung Thiếu nhi mới tại Khu Công viên hồ điều hòa CV1 (Khu đô thị mới Cầu Giấy, quận Nam Từ Liêm). Dự án có tổng diện tích gần 40.000m2, tổng vốn đầu tư hơn 1.376 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành năm 2024. Việc Hà Nội có thêm một chỗ vui chơi hiện đại cho trẻ em rõ ràng là việc làm cần thiết.

Thế nhưng, từ mấy năm trước, khi công bố đồ án xây dựng, nhiều ý kiến đã được nêu ra về phương cách “ứng xử” với Cung Thiếu nhi Hà Nội cũ. 

Mặc dù Hà Nội chưa đưa ra phương án sử dụng hơn 8.000m2 đất “vàng” ở vị trí Cung thiếu nhi Hà Nội cũ, song không chỉ giới trí thức mà người dân cũng rất quan tâm, bởi lẽ, Cung Thiếu nhi thuộc khu vực đắc địa nhất Hà Nội, cách hồ Hoàn Kiếm hơn 100m, nằm cạnh ngã ba phố Lê Lai và Lý Thái Tổ. Không những thế, Cung thiếu nhi Hà Nội còn là nơi lưu dấu nhiều sự kiện lịch sử, là nơi vun đắp mơ ước của nhiều thế hệ người Hà Nội.

Năm 2020, Cung Thiếu nhi Hà Nội đã tổ chức kỷ niệm 65 năm thành lập. Điều đó cho thấy, một công trình gắn bó 66 năm với người Hà Nội cần có một thái độ ứng xử đúng đắn.

Một công trình kiến trúc độc đáo

Ở góc độ kiến trúc, giới kiến trúc sư đánh giá, Cung Văn hóa thiếu nhi Hà Nội cùng với tòa nhà kiến trúc Pháp tạo nên một quần thể kiến trúc mới và cũ rất hài hòa với sân vườn, cảnh quan và kiến trúc xung quanh.

Trải qua hơn nửa thế kỷ, Cung Văn hóa thiếu nhi Hà Nội đã trở thành địa chỉ quen thuộc, thân thương của biết bao thế hệ thiếu nhi Thủ đô, là di sản kiến trúc đương đại có giá trị đặc biệt cùng với các di sản văn hóa kiến trúc khu vực Hồ Gươm. 

Nhiều ý kiến đã đồng thuận khi đánh giá, Cung thiếu nhi Hà Nội là một thiết chế văn hoá quan trọng, mỗi công trình đánh dấu một thời kỳ lịch sử của Hà Nội – thời kỳ hiện đại Việt Nam. Với một ngôn ngữ kiến trúc hoàn toàn khác biệt, Cung xứng đáng là di sản đại diện cho giai đoạn lịch sử mà nó ra đời. 

Theo PGS.TS.KTS Phạm Thuý Loan, Cung Thiếu nhi Hà Nội là một trong những công trình hiện đại xuất sắc của Việt Nam, ra đời trong một bối cảnh lịch sử đặc thù và hết sức khó khăn.

Để nhìn nhận được thấu đáo ý nghĩa và giá trị của công trình kiến trúc này, chúng ta cần đặt nó trong bối cảnh ra đời đặc biệt lúc bấy giờ, khi Việt Nam vẫn chưa thoát khỏi chiến tranh và đang dốc toàn lực cho công cuộc giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, đồng thời vươn lên khẳng định trí tuệ và năng lực của mình trong công cuộc kiến tạo đất nước; mà kiến trúc luôn là một “công cụ” biểu đạt tuyệt vời.

KTS Lê Văn Lân là người thiết kế Cung thiếu nhi Hà Nội vẫn còn nhớ, công trình này được nghiên cứu thiết kế vào cuối cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước và được xây dựng ngay sau đó.

Theo ông Lân, bấy giờ thiếu nhi Hà Nội đi sơ tán chưa về hết, dân số Hà Nội cũng chẳng đông như hiện nay, nhưng lãnh đạo thành phố đã thấy các cháu thiếu nhi bị thiệt thòi nhiều quá, việc sinh hoạt vui chơi học tập của các cháu ở ngoài nhà trường là rất cấp thiết.

“Trên cơ sở của khu Ấu trĩ viên có từ thời Pháp thuộc, chúng tôi được giao nhiệm vụ thiết kế một CLB thiếu nhi cho quận Hoàn Kiếm, nơi có vị trí trung tâm của Hà Nội lúc bấy giờ, với tính chất là một cơ sở sinh hoạt mang tính khu vực”, ông Lân kể đồng thời khẳng định: Về giá trị đô thị, đây là một tổng thể của những kiến trúc Pháp có giá trị: Bắc bộ phủ - Nhà công đoàn – Nhà ngân hàng – Nhà truyền thống Bác Hồ với thiếu nhi… tạo nên quảng trường trước Ngân hàng nhà nước và vườn hoa Lý Thái Tổ. Một tổng thể đẹp bậc nhất của kiến trúc Hà Nội, phải bằng mọi cách giữ gìn.

Cung thiếu nhi ở trung tâm thành phố thể hiện sự trân trọng với trẻ em

Các CLB của Cung thiếu nhi Hà Nội đã phát hiện và bồi dưỡng năng khiếu văn hóa nghệ thuật cho nhiều trẻ em.

Các CLB của Cung thiếu nhi Hà Nội đã phát hiện và bồi dưỡng năng khiếu văn hóa nghệ thuật cho nhiều trẻ em.

Bày tỏ qua điểm của mình, từ góc nhìn của một nhà sử học găn bó với Hà Nội, nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng, Cung thiếu nhi Hà Nội là sản phẩm của thời kỳ đất nước còn khó khăn. Cung Thiếu nhi còn có một giá trị nữa đó là một sản phẩm ghi dấu tình hữu nghị quốc tế. Tức là bạn bè thế giới ủng hộ, cổ vũ thiếu nhi Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh gian khổ. Đặc biệt là 2 phong trào thiếu nhi ở Đức và Tiệp Khắc.

“Với chúng tôi thì Cung thiếu nhi Hà Nội có một giá trị lịch sử, gắn kết với một thời kỳ dài mà rất nhiều thế hệ trưởng thành từ đó. Kỷ niệm rất nhiều. Hơn nữa, để Cung thiếu nhi ở trung tâm sẽ thể hiện sự trân trọng của xã hội với trẻ em”, ông Dương Trung Quốc nói, và nhắc lại một kỷ niệm: “Năm 1960 - đây là một dấu mốc quan trọng khi có nhiều sự kiện nổi bật: Đại hội Đảng lần thứ III; Kỷ niệm 15 ra đời Tuyên ngôn độc lập, 30 năm thành lập Đảng, thì Bác Hồ quyết định cho các cháu thiếu nhi đến Phủ Chủ tịch để các cháu vui chơi. Hôm đó, chúng tôi vào sinh hoạt tại đây và Bác Hồ có hai lần đến thăm Cung thiếu nhi.

Thời kỳ đó, Bác có một bài phát biểu mà sau này vẫn còn tài liệu lưu trữ, rằng: Đất nước còn nghèo cho nên ta phải sử dụng một công trình của người Pháp cũ để lại. Nếu sau này đất nước giàu có hơn thì Bác mong muốn Phủ Chủ tịch này sẽ nhường cho các cháu vui chơi. Đó là tư tưởng rất hay thể hiện mong muốn và tình yêu của một vị lãnh tụ dành cho thiếu nhi.

Tất nhiên sau này, chúng ta chưa có điều kiện để làm việc ấy. Nhưng nhắc lại để thấy sự trân trọng của Bác, của Nhà nước với thế hệ trẻ - Sẵn sàng chọn những gì tốt nhất, đẹp nhất dành cho thiếu nhi. Tôi tin là lãnh đạo TP Hà Nội chắc chắn sẽ rất cân nhắc. Và sẽ có đủ quy trình để lấy ý kiến. Còn mỗi người chúng ta nên có thái độ thiện chí, ủng hộ cái đúng. Và lãnh đạo TP Hà Nội khôn ngoan sẽ chọn những phương án tốt nhất, hài hòa giữa các lợi ích văn hóa và kinh tế…”.

Từ phía hội nghề nghiệp, Hội Kiến trúc sư Việt Nam đã gửi văn bản lên Thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội đề nghị bảo tồn Cung thiếu nhi Hà Nội. Văn bản của Hội Kiến trúc sư Việt Nam khẳng định vị trí "đất vàng" của Cung thiếu nhi cũ khiến nhiều người cảm thấy bất an cho số phận của một địa chỉ văn hóa lịch sử đặc biệt đã gắn bó với nhiều thế hệ thiếu nhi thủ đô.

Hội Kiến trúc sư Việt Nam còn khẳng định Cung thiếu nhi Hà Nội là di sản kiến trúc đương đại có giá trị đặc biệt, cùng với các di sản kiến trúc khu vực Hồ Gươm. 

Văn bản của Hội Kiến trúc sư khẳng định: Cung Văn hóa Thiếu nhi Hà Nội là công trình kiến trúc văn hóa công cộng có giá trị; ngôn ngữ kiến trúc hiện đại, độc đáo, hài hòa với cảnh quan và kiến trúc xung quanh, góp phần quan trọng vào tổ chức không gian khu vực Hồ Gươm. Là công trình tiêu biểu, có tính đại diện cho kiến trúc Việt Nam đương đại trước đổi mới ở thể loại văn hóa công cộng. 

Năm 2015, Cung Văn hóa Thiếu nhi Hà Nội đã từng được Tổ chức Kiến trúc Quốc tế đề nghị lập hồ sơ để xếp hạng “Công trình di sản Kiến trúc hiện đại Thế giới”. Hơn nữa, căn cứ vào Luật Thủ đô và Nghị quyết của HĐND thành phố, thì Cung Thiếu nhi Hà Nội là di sản kiến trúc đô thị trước đổi mới, nên bắt buộc phải giữ nguyên, toàn bộ công trình kiến trúc này không được phá hủy. 

Bên cạnh đó, Hội Kiến trúc sư còn cho rằng, Cung Thiếu nhi Hà Nội có giá trị văn hóa phi vật thể, là dấu ấn của một giai đoạn lịch sử phát triển Thủ đô trong những năm kháng chiến chống Mỹ và phát triển sau này. Công trình thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước, tình yêu thương của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô dành cho thiếu nhi dù trong hoàn cảnh khó khăn nhất của đất nước.

Cung Thiếu nhi Hà Nội đã trở thành biểu tượng, là niềm tự hào của nhiều thế hệ thiếu nhi và người dân Hà Nội. Đặc biệt, trong khu vực này vẫn còn một biệt thự nơi Hồ Chủ tịch cùng đại diện Chính phủ Pháp ký Hiệp định sơ bộ ngày 6/3/1946.

“Cung Văn hóa thiếu nhi Hà Nội là tài sản của Nhà nước, nên quỹ đất này chi có thể làm công trình phúc lợi xã hội, không xây dựng chung cư, nhà cao tầng, công trình thương mại, dịch vụ. Cung Thiếu nhi Hà Nội rất cần được chăm sóc, tu bổ và nâng cấp trang thiết bị để tiếp tục phát huy giá trị, sử dụng làm Nhà Văn hóa thiếu nhi của Quận Hoàn Kiếm, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt vui chơi của trẻ em trong Quận và khu vực lân cận”, văn bản nhấn mạnh.

Đây có thể nói là một động thái rất có trách nhiệm từ một hội nghề nghiệp. Nó cho thấy thái độ của giới kiến trúc sư để mong muốn bảo tồn một công trình có ý nghĩa lịch sử, văn hóa. Chưa kể, quần thể công trình công trình Cung thiếu nhi Hà Nội gồm Nhà hành chính (là một biệt thự cổ thời Pháp đã tồn tại từ trước trên mảnh đất), Nhà chức năng chính, và rạp Khăn quàng đỏ còn được giới kiến trúc sư đánh là một tác phẩm kiến trúc nổi trội và tài tình, là sự “tự khẳng định” của nền kiến trúc hiện đại Việt Nam. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Một binh sĩ quân đội Nga.

300.000 lính tình nguyện Nga tham chiến

GD&TĐ -Bộ Quốc phòng Nga mới đây thông báo rằng, hơn 300.000 binh lính đã ký hợp đồng tự nguyện để tham gia vào chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.