Mường Tè là huyện vùng cao, biên giới của tỉnh Lai Châu có trên 10 dân tộc anh em sinh sống. Nếu như tập tục của người Thái sống gần sông nước, chủ yếu ở các xã như Mường Tè, Bum Nưa, Vàng San thì người Hà Nhì chọn những vùng đất đai cao ráo như Mù Cả, Ka Lăng, Thu Lũm để lập bản dựng làng. Trong khi đó, người dân tộc Mông lại chọn vùng cao và lạnh quanh năm như Tà Tổng để sinh sống…
Mỗi dân tộc đều có một đặc điểm và nền văn hóa riêng. Hiểu được mặt mạnh và mặt yếu của sự phát triển vượt bậc trong thời đại này sẽ có ảnh hưởng, tác động 2 mặt đến mọi nền văn hóa khác nhau nên công tác bảo tồn, tôn tạo và gìn giữ những nét riêng của từng vùng miền, từng dân tộc là điều cần thiết và có ý nghĩa quan trọng.
Những năm gần đây, Phòng GD&ĐT huyện, các đơn vị trường trong toàn huyện luôn nêu cao tinh thần gìn giữ và phát huy văn hóa và bản sắc dân tộc của mỗi học sinh. Khi đến trường các em được thầy, cô giáo dục tình yêu và lòng tự tôn dân tộc. Từ đó, hình thành tình yêu và biết gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc mình.
Ông Tống Thanh Sơn, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Nậm Nhùn, chia sẻ: “Các trường trong huyện đã đổi mới các hoạt động giáo dục đạo đức, lối sống văn hóa, giáo dục kỹ năng sống, đáp ứng yêu cầu phát triển toàn diện cho học sinh với nhiều hình thức phong phú, đa dạng”.
Phòng GD&ĐT huyện đã chỉ đạo các trường đưa nhiệm vụ giáo dục gắn liền với giáo dục dân tộc, giáo dục học sinh theo bối cảnh địa phương để giúp học sinh hiểu biết hơn và yêu quý hơn gốc rễ của từng dân tộc trong mỗi vùng miền và trên cả nước.
Công tác giáo dục đó được các đơn vị triển khai thành các nhiệm vụ cụ thể như yêu cầu học sinh mặc đồng phục trang phục dân tộc vào 2 - 3 ngày trong 1 tuần học hoặc tổ chức cho học sinh chơi các trò chơi dân gian của từng địa phương, từng vùng dân tộc mà các em đã được chơi với người thân, bạn bè trong các dịp lễ tết.
“Chúng tôi đưa một số bài múa của dân tộc mỗi vùng vào dạy học sinh rồi phát triển thêm thành các bài múa hát tập thể trong nhà trường. Học sinh được trải nghiệm, được hướng dẫn cách múa từ các nghệ nhân dân gian, hoặc được làm một số đồ dùng dụng cụ từ nguyên liệu sẵn có tại địa phương...”, thầy Nguyễn Đắc Thuấn, Hiệu trưởng Trường Phổ thông DTBT THCS Ka Lăng cho biết.
Với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, ngành Giáo dục huyện Mường Tè luôn mong muốn việc gìn giữ và phát huy bản sắc các dân tộc mọi vùng miền được quan tâm và thực hiện hiệu quả. Mong rằng, những hành động nhỏ, những việc làm của các thầy cô luôn được các em đón nhận và cùng thầy cô phát huy cao hơn nữa văn hóa dân tộc mình.