Khó khăn về cơ sở vật chất
Được xây dựng cách đây gần 30 năm, dãy lớp học của Trường Tiểu học số 2 Xuân Quang (huyện Bảo Thắng, Lào Cai) đã xuống cấp nghiêm trọng. Để việc học tập diễn ra bình thường, nhà trường bố trí một lớp học tạm gần đó.
Cô Kiều Thị Kim Nhung - Hiệu trưởng Trường Tiểu học số 2 Xuân Quang cho biết: Bảo đảm an toàn cho HS, năm học này nhà trường chuyển 1 lớp ra học tạm được quây bằng tôn ở dãy nhà phía sau. Lãnh đạo UBND tỉnh và huyện đã kiểm tra cơ sở vật chất, chỉ đạo huyện lập hồ sơ để xây dựng trường học mới vào năm 2021.
Trên địa bàn huyện Bảo Thắng, nhiều trường học khác cũng rơi vào tình trạng mất an toàn do không đáp ứng yêu cầu về cơ sở vật chất. Trường THCS số 2 Thái Niên không còn tường rào bao quanh do bị lũ cuốn trôi. Trường THCS Phố Lu bị nứt móng, sụt lún ở một vài điểm, đoạn tường rào bao quanh nhà trường bị nghiêng, nhiều vết nứt, có nguy cơ đổ sập.
Theo ông Hoàng Minh Đức - Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Bảo Thắng, do xây dựng sớm hơn các huyện khác nên số công trình xuống cấp cũng nhiều hơn, vì vậy đòi hỏi nguồn vốn đầu tư rất lớn. Tỉnh và huyện không đủ nguồn lực thay thế cùng lúc tất cả phòng học tạm, xuống cấp. Do đó, huyện sẽ làm dần dần và ưu tiên các công trình cấp thiết trước.
Bên cạnh cơ sở vật chất xuống cấp, nhiều trường học, nhất là các điểm lẻ không có lực lượng bảo vệ. Có nơi, lực lượng bảo vệ thiếu và không chuyên nghiệp cũng khiến công tác an toàn trường học bị bỏ ngỏ. Tại nhiều địa phương miền núi, người lạ có thể dễ dàng đột nhập vào trường học.
Ông Lò Văn Tuấn - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Mường Lát (Thanh Hóa) cho biết: Tại Mường Lát, phần lớn các trường không có nhân viên bảo vệ, kể cả trường khu vực thị trấn, khiến các trường gặp khó khăn về chăm sóc sức khỏe và bảo vệ tài sản trường học, an toàn HS.
Hiện nay, các trường đều phải tự cân đối từ nguồn chi sự nghiệp giáo dục để lấy tiền thuê bảo vệ, mặc dù trách nhiệm thuộc về chính quyền địa phương. Do không có nguồn tiền để thuê, bảo vệ được trả lương ít nên họ không toàn tâm toàn ý túc trực 24/24 giờ tại trường. Hơn nữa, một số nơi bảo vệ đã lớn tuổi, không có nghiệp vụ, nên khi xảy ra việc đột xuất không thể kịp thời ngăn chặn.
Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại nhiều huyện khác của tỉnh Thanh Hóa. Ông Ngô Phi Hùng - Trưởng phòng GD&ĐT Quan Hóa cho hay: Cũng như nhiều nơi khác, các trường phải tự cân đối tiền để thuê bảo vệ. Tuy nhiên, lực lượng này cũng chỉ làm nhiệm vụ đơn giản như đóng mở cổng trường, trông coi cơ sở vật chất.
Còn để phòng ngừa, ngăn chặn hoặc xử lý các tình huống khẩn cấp thì không khả thi. Vụ việc một thanh niên “ngáo đá” xông vào một trường học ở huyện Lang Chánh năm ngoái chém trọng thương 5 HS và 1 cô giáo đã khiến nhiều trường học lo lắng. Thực trạng đó đặt ra yêu cầu cấp thiết phải tăng cường hơn vấn đề an toàn, an ninh trường học.
Mục tiêu hàng đầu
Ông Bùi Văn Linh - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác HSSV (Bộ GD&ĐT) khẳng định: An toàn trường học luôn là mục tiêu đầu tiên trong quá trình chỉ đạo hoạt động giáo dục trong các nhà trường. Tuy nhiên, có một số nguyên nhân khách quan, chủ quan dẫn đến việc thực hiện an toàn trường học có lúc, có nơi chưa bảo đảm.
Cụ thể, việc tổ chức kiểm tra, rà soát; kế hoạch tu bổ, sửa chữa, thay thế các hạng mục, vấn đề tiềm ẩn, rủi ro có thể xảy ra trực tiếp tại nhà trường mà trách nhiệm chủ yếu là của hiệu trưởng/người đứng đầu có thể thực hiện chưa tốt và chưa thường xuyên.
Việc đầu tư kinh phí để thực hiện kiên cố trường học, tu bổ thường xuyên các công trình còn gặp nhiều khó khăn. Ví dụ như việc thay thế hạng mục cũ, hỏng, thiết bị đồ dùng, hệ thống tường bao, bảo vệ - camera an ninh… vẫn còn thiếu nhiều so với nhu cầu thực tế.
Năm 2020, trong nội dung Kế hoạch xây dựng trường học an toàn, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo thành lập Ban An toàn trường học. Ban An toàn trường học sẽ chịu trách nhiệm trước Ban Giám hiệu khi xảy ra các vấn đề liên quan nếu do lý do chủ quan như không kịp thời rà soát, báo cáo với nhà trường.
Khi thực hiện công tác pháp chế, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật tại các thông tư, bao giờ cơ quan quản lý Nhà nước cũng quy định ở mức tối thiểu để bảo đảm các nhà trường trong hệ thống giáo dục quốc dân đều có thể đáp ứng và thực hiện tốt. Tuy nhiên, hiện vẫn tồn tại sự khác biệt, chênh lệch giữa các khu vực miền núi, hải đảo, thành thị và nông thôn.
Theo ông Linh, để có thể cân bằng giữa các vùng miền, địa phương, ngoài sự quan tâm của Nhà nước, bộ, ngành, vai trò của chính quyền địa phương rất quan trọng, nhất là trong thực hiện các quy định tại Thông tư; trách nhiệm tổ chức nghiên cứu, triển khai đáp ứng đủ yêu cầu đề ra. Ở đây, phải kể đến vai trò của hệ thống chính quyền địa phương các cấp (cấp xã, huyện, tỉnh).
Bên cạnh đó, các địa phương cũng cần xã hội hóa nguồn đầu tư, hỗ trợ để tăng cường nguồn lực cho vùng khó khăn. Vừa qua, các tổ chức quốc tế cũng đã hỗ trợ hiệu quả cho nhiều địa phương. Đặc biệt, cũng cần tăng cường sự phối hợp giữa cha mẹ HS với nhà trường. Bởi khi sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường hiệu quả, gắn kết thì việc thực hiện các nhiệm vụ giáo dục toàn diện cho HS sẽ tốt hơn, HS được bảo đảm an toàn hơn.