Gieo ước mơ trên bản làng người Rục

Năm 1959, đồng bào dân tộc Rục thuộc xã Thượng Hóa (Minh Hóa, Quảng Bình), được đưa ra khỏi hang đá, hòa nhập với cuộc sống cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Học sinh đồng bào dân tộc Rục ngày càng ý thức được việc học của mình
Học sinh đồng bào dân tộc Rục ngày càng ý thức được việc học của mình
Kể từ đó, cùng với chính sách chăm lo đời sống cho đồng bào dân tộc Rục, công tác phát triển giáo dục được chính quyền địa phương xem là “chìa khóa” giúp đồng bào xóa bỏ những tập tục lạc hậu, xây dựng cuộc sống mới.

Bám lớp, bám dân

Sau một ngày đường nhọc nhằn chúng tôi đến với trường tiểu học Yên Hợp - Một điểm sáng nơi miền núi hẻo lánh giáp biên giới giữa tỉnh Quảng Bình và nước bạn Lào. 

Trường có tất cả 139 học sinh, trong đó có 37 học sinh cấp 2 đang học ghép. Dù trường còn nhiều khó khăn nhưng thầy và trò luôn nỗ lực phấn đấu vươn lên trong dạy và học.

Con đường đến những bản làng của người Rục xa xôi cách trở, và để gieo ước mơ cho con em đồng bào Rục, không ít giáo viên đã chấp nhận cuộc sống xa gia đình, để lên miền núi cắm bản dạy học cả hàng chục năm trời như thầy Trần Thanh Bun (hiệu trưởng), thầy Đinh Thanh Bình, thầy Tiềm… 

Thầy Bình bộc bạch khó khăn của anh em giáo viên ở đây làm sao nói hết. Bên cạnh sự thiếu thốn trong đời sống và dạy học hằng ngày, chúng tôi còn đối mặt với thiên tai, bệnh tật. 

Đơn cử như vào mùa mưa năm 2010, trận lũ lịch sử đã vây đồng bào Rục hàng chục ngày liền. Trong điều kiện thiếu ăn, thiếu uống, anh em giáo viên vẫn phải dùng thuyền đón các em học sinh đến trường.

Mỗi chuyến lên trường Yên Hợp, trong hành trang của các giáo viên luôn mang theo lương thực, thực phẩm. Cô giáo Cao Thị Kim Hằng tâm sự để cắm bản dạy chữ cho học sinh, mỗi đợt, giáo viên phải dự trữ thức ăn khoảng 20 ngày, sau đó trở về tiếp tục lấy thực phẩm cung cấp cho đợt khác. Những khi hết gạo, giáo viên đến các nhà dân trong bản mượn tạm, vào rừng hái rau, hoa chuối, bắt cá suối để cải thiện bữa ăn.

Cuộc sống dù khó khăn, thiếu thốn đủ bề nhưng với lòng nhiệt huyết, tình yêu nghề, yêu học sinh, các thầy cô giáo trường Yên Hợp đã giữ vững mục tiêu “dạy tốt, học tốt”, động viên nhau một lòng bám lớp, bám dân để dạy chữ cho con em người Rục.

Thầy giáo Hồ Tiến Nam dạy chữ cho các em học sinh.
Thầy giáo Hồ Tiến Nam dạy chữ cho các em học sinh. 

Thầy giáo người Rục đầu tiên

Cảm mến trước tấm lòng những người giáo viên cắm bản, Trưởng bản Cao Văn Đàn nói: Dù đời sống có vất vả đến mấy, mình cũng bảo con cháu đi học chữ mới mong thoát nghèo, xây dựng đời sống mới. 

Trong bản cũng đã có cháu Hồ Tiến Nam là người Rục đầu tiên trở thành thầy giáo. Đây không chỉ là niềm tự hào của bà con, mà còn là động lực để con em trong bản theo học con chữ.

Nam là con thứ bảy trong gia đình nghèo có 8 anh chị em. Sau những năm tháng tuổi thơ đầy cơ cực, Nam được được giáo viên trường tiểu học Yên Hợp vận động đến lớp. Chỉ sau một thời gian ngắn, Nam đã biết đọc, biết viết rồi nói tiếng Kinh thành thạo, luôn dẫn đầu về thành tích học trong lớp.

Nam lần lượt tốt nghiệp THCS, THPT ở Trường dân tộc nội trú trong tỉnh Quảng Bình. Sau đó, Nam vào học tại Trường Đại học Quảng Bình chuyên ngành Sư phạm tiểu học, tốt nghiệp đại học với tấm bằng khá vào năm 2013.

Nam chia sẻ: “Khoảnh khắc hạnh phúc nhất trong cuộc đời của mình là khi nhận quyết định phân công về dạy học tại Trường tiểu học Yên Hợp”.

Giờ đây, Hồ Tiến Nam đã trở thành giáo viên, là người dân tộc Rục đầu tiên đứng lớp, cùng với các giáo viên khác tiếp tục gieo con chữ cho con em người dân tộc người Rục.

Đến hôm nay, dẫu cuộc sống của bà vẫn còn nhiều khó khăn, cái nghèo vẫn đang hiện diện trong mỗi nếp nhà, nhưng hầu hết con em đồng bào Rục đều được tiếp xúc với con chữ, được đến trường.

Góp phần làm nên đổi thay đó, ít ai biết được những hy sinh lặng thầm của các thế hệ người giáo viên cắm bản nơi đây.

Theo Chinhphu.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.