Gieo mầm những điều tử tế để nhân lên sự tử tế

GD&TĐ - 'Thầy mong sinh viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội là người đi gieo mầm những điều tử tế để nhân lên sự tử tế'.

Sinh viên Xồng Vi Va và các sinh viên nhận quà và trao hỗ trợ từ Quỹ Đồng hành với học sinh, sinh viên vùng khó khăn của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội.
Sinh viên Xồng Vi Va và các sinh viên nhận quà và trao hỗ trợ từ Quỹ Đồng hành với học sinh, sinh viên vùng khó khăn của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội.

Đó là nhắn nhủ của GS.TS Nguyễn Văn Minh – Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội tại Ngày hội học sinh, sinh viên các dân tộc Việt Nam và trao hỗ trợ từ Quỹ Đồng hành với học sinh, sinh viên vùng khó khăn đang theo học tại nhà trường diễn ra tối 16/4.

GS.TS Nguyễn Văn Minh mong muốn, sinh viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội nói chung và sinh viên các dân tộc anh em nói riêng - những người đang có khát khao cháy bỏng sẽ biến khát khao ấy trở thành hành động rất cụ thể.

GS.TS Nguyễn Văn Minh phân tích, khi nhận được một điều gì đó, chúng ta biết ơn cuộc đời. Những người giúp chúng ta không mong muốn trả ơn trực tiếp, mà chúng ta làm điều đó để trả ơn lại cho cuộc đời. Cứ liên tục như vậy sẽ tạo ra những người biết mang ơn, những người sống ân nghĩa.

“Thầy mong sinh viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội là người đi gieo mầm những điều tử tế để nhân lên sự tử tế. Mai đây, chúng ta không còn ám ảnh bởi bạo lực học đường, ám ảnh bởi những điều bất lương xảy ra trong cuộc đời này...”, thầy Minh nhắn nhủ.

Cũng theo Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, những hỗ trợ mà các em nhận được có thể không quá lớn, nhưng là những điều vô giá, là tình cảm của rất nhiều người dành cho các em.

Điều này tạo nên động lực để các em cố gắng, nỗ lực hơn, vượt qua được nghịch cảnh; để ngày mai các em có thể đem những điều tử tế, tốt đẹp ấy ra với cuộc sống, ra với làng bản.

GS.TS Nguyễn Văn Minh chia sẻ tại sự kiện.

GS.TS Nguyễn Văn Minh chia sẻ tại sự kiện.

GS.TS Nguyễn Văn Minh mong học trò của mình sẽ là những người nỗ lực, những người căng tràn sức sống, có những đam mê cháy bỏng và dám hành động vì nó. Dù mỗi người một hoàn cảnh nhưng các em đã vươn lên từ nội lực của chính mình, dám vượt qua số phận và dám tự định đoạt số phận của mình.

Nhiều em đến từ các bản làng rất xa xôi và hẻo lánh, với điều kiện vô cùng khó khăn. Các em đã làm được những điều tưởng chừng không thể, để có mặt ở đây hôm nay, với mong muốn ngày mai sẽ làm được việc tốt đẹp hơn.

“Có người tìm cách để ra đi, còn các em ra đi để trở về, để làm điều gì đó có ý nghĩa cho quê hương, cho làng bản” – GS.TS Nguyễn Văn Minh bày tỏ.

Đến từ một bản làng thuộc xã Na Ngoi (Kỳ Sơn, Nghệ An), Xồng Vi Va là người dân tộc Mông. Em là sinh viên lớp K71A2 khoa Giáo dục Tiểu học, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội.

Nhiều sinh viên được hỗ trợ từ Quỹ Đồng hành với học sinh, sinh viên vùng khó khăn của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội.

Nhiều sinh viên được hỗ trợ từ Quỹ Đồng hành với học sinh, sinh viên vùng khó khăn của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội.

Là sinh viên dân tộc thiểu số, sinh ra và lớn lên ở những vùng khó khăn của đất nước, Xồng Vi Va hiểu rõ hơn ai hết những thiếu thốn và khó khăn của các em nhỏ ở quê hương mình.

“Chúng em nung nấu ước mơ sau khi tốt nghiệp, sẽ quay về quê hương với mong muốn trở thành những giáo viên chính thức đứng trên bục giảng, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục ở vùng sâu, vùng xa” - Xồng Vi Va bộc bạch.

Tại buổi lễ, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội đã trao hỗ trợ từ Quỹ Đồng hành với học sinh, sinh viên vùng khó khăn cho 16 em sinh viên.

Trước đó, đầu tháng 1/2024, Quỹ đồng hành học sinh, sinh viên vùng khó khăn Trường ĐH Sư phạm Hà Nội đã được ra mắt. Quỹ được sáng lập nhằm thực hiện các hoạt động khuyến học, khuyến tài, tài trợ học bổng, trao giải thưởng nhằm động viên, khuyến khích học sinh, sinh viên vượt khó, phát huy năng lực của bản thân trong học tập và rèn luyện. GS.TS Nguyễn Văn Minh – Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội mong muốn, Quỹ dày lên để nhà trường có thể hỗ trợ được nhiều học, sinh viên vùng khó.

Tham vọng của GS.TS Nguyễn Văn Minh là, từ nguồn quỹ này, nhà trường sẽ tìm đến những học sinh ở những vùng khó khăn để nuôi dưỡng, đào tạo; sau này các em trở về phục vụ quê hương – nơi phên dậu của Tổ quốc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ