Giày gốm Bát Tràng dạo chơi cùng văn hóa Ý

GD&TĐ - Lần đầu tiên, trọn vẹn bộ sưu tập 12 chiếc giày gốm của cố nghệ nhân Vũ Thắng sẽ được giới thiệu đến công chúng.

Không gian Bảo tàng Hồn gốm Việt tại Bát Tràng.
Không gian Bảo tàng Hồn gốm Việt tại Bát Tràng.

Lấy cảm hứng từ thời trang Italia, đây là một đột phá độc đáo của nghệ thuật gốm đương đại Việt Nam ngay từ khi ra mắt.

12 đôi giày gốm

Đôi giày gốm lớn nhất được Kỷ lục Guinness Việt Nam công nhận năm 2013.

Đôi giày gốm lớn nhất được Kỷ lục Guinness Việt Nam công nhận năm 2013.
Năm 1975, Vũ Thắng thi vào Trường Cao đẳng Mỹ thuật Công nghiệp, Khoa Đồ họa. Sau khi ra trường, không nơi nào nhận ông về làm việc. Thất nghiệp, bất đắc dĩ phải quay về quê Bát Tràng theo nghề làm gốm của tổ tiên. 

Vào ngày 10/4 tới đây, Đại sứ quán Italia tại Hà Nội và Bảo tàng Nghệ thuật Hồn đất Việt Bát Tràng sẽ cùng nhau ra mắt công chúng triển lãm mang tên “Chiếc giày gốm Bát Tràng và dạo chơi cùng văn hóa Ý”.

Triển lãm được xem như cầu nối kiến tạo nghệ thuật giữa Việt Nam và Ý. Ở đó những yếu tố truyền thống của gốm Việt như màu men, xương gốm và hoa văn hòa quyện với sự sang trọng của phong cách Ý, tạo nên nét độc đáo cho từng tác phẩm.

Theo Ban tổ chức triển lãm, những đôi giày bằng gốm là sự gặp gỡ giữa kỹ thuật tinh xảo của mỹ thuật hiện đại và tay nghề thủ công truyền thống Bát Tràng. Sự hỏa biến hun đúc trong ngọn lửa sáng tạo giàu đột phá của nghệ nhân Vũ Thắng đã kết tinh nên những chiếc giày gốm mang đậm hồn cốt Việt.

Giữa ngôi làng 700 năm tuổi ở miền Bắc Việt Nam và xứ sở Nam Âu - hình chiếc ủng có điểm gì chung? Đó là sự tài hoa và tinh tế của những người thợ thủ công, là mối liên hệ sâu sắc và bền bỉ giữa nghệ thuật đương đại và di sản văn hóa của mỗi dân tộc.

Bởi vậy, sản phẩm gốm Việt hòa quyện với phong cách Ý, tạo nên nét độc đáo chưa từng có trong 12 tác phẩm nghệ thuật gốm Bát Tràng.

Được thành lập nhờ tâm huyết và nỗ lực của cố nghệ nhân Vũ Thắng sau gần nửa thế kỷ gắn bó với nghề. Hồn đất Việt Bát Tràng được cấp phép đầu năm 2016, là bảo tàng tư nhân đầu tiên tại làng gốm nổi tiếng Hà Nội. Hiện, bảo tàng sở hữu hàng trăm hiện vật gốm cổ từ thế kỷ 18 - 19 đến đầu thế kỷ 20, do cố nghệ nhân sưu tầm.

Sự kết hợp giữa hình ảnh lò gốm Bát Tràng và Tháp nghiêng Pisa - sự giao thoa quyến rũ giữa Việt Nam và Italia, mang lại một trải nghiệm đặc biệt dành cho những người yêu nghệ thuật gốm.

Sự ra đời của những chiếc giày gốm được phát triển trên ý tưởng gốm kết hợp thời trang của nghệ sĩ Hà Đỗ. Nghệ nhân Vũ Thắng đã sáng tạo nên những tác phẩm giầy kết hợp hình dáng của đôi bốt. Khi hoàn thành, vẻ đẹp kỳ lạ từ hình dáng đến màu sắc đã khiến không ít người trầm trồ.

Đôi giày có chiều cao 47,5cm, đường kính miệng 14cm, chiều dài đế 17cm, được làm bằng gốm nung ở nhiệt độ 1.200 độ C, trang trí hình hoa đào, miệng giày được bọc đồng, đế giày bọc họa tiết hình lá. Để sáng tạo ra hai chiếc giầy như vậy, nghệ nhân phải mất tới 6 tháng đầy kỳ công và tỉ mẩn.

Ấn tượng với sự độc đáo của tác phẩm này, Tổ chức Kỷ lục Guinness Việt Nam đã cấp bằng công nhận đây là đôi giày gốm lớn nhất.

Lan tỏa văn hóa truyền thống

Cố nghệ nhân Vũ Thắng.

Cố nghệ nhân Vũ Thắng.

Sinh thời, nghệ nhân Vũ Thắng không chỉ nổi tiếng trong giới thợ gốm Bát Tràng, mà còn được biết đến trong giới mỹ thuật Hà Nội. Hơn 40 năm gắn bó với nghề, ông luôn tạo ra cái mới, chắt lọc bí quyết làm gốm nghề truyền thống hòa trộn với phong cách mỹ thuật hiện đại để sáng tạo các tác phẩm mang phong cách mới lạ.

Ông để lại dấu ấn khá rõ bởi kỹ thuật khắc chìm, đắp nổi trên gốm và bí quyết phủ men chồng màu. Đây là kỹ thuật khó, đòi hỏi nghệ nhân phải giàu kinh nghiệm và cảm xúc để thể hiện ý tưởng định trước.

Không đơn thuần là các sản phẩm trang trí, Vũ Thắng lồng ghép truyền thống văn hóa bằng các họa tiết khắc chìm. Phong cảnh đất nước, sự tích dân gian, câu chuyện lịch sử… cứ thế theo bàn tay tài hoa lan tỏa các nét đẹp trên gốm. Để rồi, sau thời gian hỏa biến diệu kỳ, tác phẩm trở nên cô đọng với những câu chuyện rất riêng dù mang hơi hướng xưa cũ.

Không chỉ Việt Nam mới có gốm, nên để nổi bật ý nghĩa “hồn gốm Việt” nghệ nhân Vũ Thắng rất thận trọng từ việc chọn chất đất đến phương pháp nung truyền thống. Và cuối cùng, để tác phẩm trở nên thuần Việt về thị giác – men nâu, men trầm được lựa chọn phối màu sao cho bắt mắt nhưng không thể hòa lẫn với các dòng gốm nổi tiếng khác của Nhật Bản hay Trung Quốc.

Cùng với men nhưng “chất xương” của những tác phẩm được nghệ nhân tính toán kỹ về độ co giãn khi nung. Phần lớn đều được vuốt tay, nặn đắp và chạm khắc bằng kỹ thuật hiện đại.

Dịp Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, Vũ Thắng góp sức bằng những chiếc chum lớn nổi bật với những nét đắp hình kết hợp vẽ. Phong cảnh trữ tình của Hà Nội, từ chùa Một Cột đến Khuê Văn Các, từ liễu rủ Hồ Gươm đến đường Thanh Niên, từ cầu Thê Húc đến đảo Hòa Bình trong Công viên Thống Nhất.

Hay những cảnh núi sông, từ sông Hồng đến sông Hương, từ vịnh Hạ Long, thác bản Giốc đến dãy Trường Sơn, về từng giai đoạn lịch sử dân tộc… tất cả hiện lên sống động và lãng mạn trên chất men tự nhiên và sâu lắng.

Vũ Thắng quan niệm, là nghệ nhân phải có trách nhiệm giữ gìn nét đẹp và tinh hoa của làng nghề. Tìm về nguồn cội, lan tỏa nét truyền thống trên các sản phẩm cũng là cách để quảng bá hình ảnh văn hóa đất nước.

Năm 2016, khi bảo tàng gốm tư nhân đầu tiên được lập, cũng là lúc nghệ nhân Vũ Thắng đột ngột qua đời. Tuy nhiên, ông đã kịp để lại di sản cá nhân với loạt tác phẩm gốm nổi tiếng mà đến nay, vẫn được đông đảo người yêu gốm khắp trong và ngoài nước quan tâm, yêu thích.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Xe tăng T-72 do Liên Xô sản xuất ở Ba Lan

Ba Lan mất dấu xe tăng gửi Ukraine

GD&TĐ - Một nhà phân tích quân sự Ba Lan cho biết, không rõ Ba Lan hiện đang có bao nhiêu tăng T-72, bởi không rõ Warsaw đã tặng bao nhiêu loại xe này cho Kiev.