Vì cố làm nốt mấy việc tồn đọng nên tôi rời cơ quan muộn hơn mọi khi. Vội vã lao đến trường đón con, trong đầu đã hình dung ra khuôn mặt méo xị của cậu con trai và những lời ỉ ôi vì mẹ đón muộn.
Không thấy con ở cổng trường, tôi vòng ra phía sau lớp học, nơi phát ra tiếng ồn ào, hò hét của trẻ. Hóa ra con trai cùng mấy bạn có bố mẹ đón muộn, đang đá bóng.
Tôi để ý thấy một cậu bé dạng chân ngồi xệp bên vệ cỏ, dáng chừng ngồi canh đống quần áo, cặp sách của bọn trẻ đang chơi bóng. Mỗi tay cậu bé cầm một cọng cỏ gà, tay phải tự chọi gà tay trái, mặt buồn thiu, miệng lầm bẩm “Chết này! Chết này!...”.
Tôi đến bên hỏi: “Sao cháu không đá bóng với các bạn? Cháu không thích bóng đá à?”. Cậu bé trả lời: “Cháu cũng thích chơi với các bạn nhưng bạn tổ trưởng kia nói cháu phải ngồi trông cặp sách và áo cho các bạn!...”. Trên đường về, con trai tôi giải thích: Chúng con chia hai đội đủ người rồi, với lại bạn tổ trưởng bảo bạn ấy “chậm tiến bộ” nên chỉ được ngồi xem và trông đồ thôi.
Một lần khác đón con học về, tôi thấy cậu con trai mặt đầy cau có, tức giận. Hỏi mãi cu cậu mới thổ lộ nỗi niềm tấm tức là bị bạn tổ trưởng “ghi oan” vào sổ theo dõi, cô giáo chỉ tin bạn tổ trưởng nên giải thích thế nào cô cũng gạt đi, không chấp nhận.
Chân dung bạn “tổ trưởng” hiện qua lời kể ấm ức của con trai như thế này: Cô giáo toàn chọn bọn con gái làm tổ trưởng, mà toàn là những đứa đanh đá, quyền hành thôi. Bạn tổ trưởng tổ con thù dai lắm, mấy đứa con trai hồi mới vào lớp trêu bạn ấy là “môi cong”, thế là bạn ấy tức, để ý lại, toàn rình để ghi lỗi bọn con. Con chỉ hỏi bạn cùng bàn, hôm nay là ngày bao nhiêu thế mà bạn tổ trưởng ngôi bàn trên cũng nghe thấy và ghi con vào sổ là nói tự do trong giờ…
Thấy tôi tỏ vẻ không hài lòng, con trai hạ giọng an ủi, mẹ yên tâm con biết cách để thoát tội trong sổ ghi của tổ trưởng rồi. Bạn ấy thích khen nịnh, con sẽ không trêu tức bạn ấy nữa. Con sẽ cho bạn ấy “vay” giấy kiểm tra hoặc chia bim bim, bò khô là bạn ấy xóa tội cho.
Nhìn vẻ mặt cau có của con trai và sự buồn thiu cậu bé bị đẩy ra ngoài sân bóng khi các “tổ trưởng” thực thi hành “quyền hành” tôi có vài ý mạn đàm thế này:
Ở các trường cấp II, học sinh lứa tuổi THCS rất hiếu động nên cha mẹ và các thầy cô giáo luôn phải vất vả với những trò đùa nghịch của bọn trẻ.
Để duy trì được trật tự nền nếp lớp học, tôi được biết nhiều thầy cô giáo đã chia và phân quyền cho các em cán bộ lớp như “cánh tay nối dài” của giáo viên chủ nhiệm. Trong đó tổ trưởng là người theo dõi sát sao những thành tích, khuyết điểm của các thành viên trong tổ bằng sổ ghi chép và trình báo lại cô giáo vào buổi sinh hoạt hàng tuần.
Vai trò của tổ trưởng đã giúp giáo viên nắm bắt tình hình học sinh trong các giờ học rất cụ thể. Sẽ thuận tiện cho giáo viên trong việc chỉnh đốn nhắc nhở, thưởng phạt học sinh cũng như trao đổi phản ánh với phụ huynh về ý thức của từng học sinh rất sát sao và chi tiết.
Tuy vậy, hình thức sử dụng các em tổ trưởng như “cánh tay nối dài” của giáo viên chủ nhiệm cũng gây ra những mặt chưa tốt. Với các em học sinh được giáo viên chọn làm tổ trưởng, các em tự cảm thấy mình có quyền với các bạn trong tổ, nhóm. Những em học sinh này đôi khi tỏ thái độ hung hăng, đe nẹt, dọa dẫm, bắt nạt bạn bè, hình thành tâm lí không tốt cho chính bản thân em học sinh đó và những học sinh khác.
Giáo viên khi chọn tổ trưởng thường lựa chọn những em có thành tích học tốt, ý thức tốt nhưng học sinh lứa tuổi THCS chưa đủ vững vàng, nhận thức đôi khi còn cảm tính, chủ quan nên đôi khi các em thực thi nhiệm vụ một các máy móc, nguyên tắc cứng nhắc. Vì thế các em ghi tên bạn nói chuyện riêng, đùa nghịch trong giờ học đã đành và cũng ghi luôn cả những bạn trong nhóm thảo luận với nhau khi làm bài tập vì “các bạn nói to như thể cãi nhau í”.
Chưa kể nhiều em tổ trưởng nhiệt tình với nhiệm vụ được cô giao, trong lớp thay vì chú ý nghe giảng thì chỉ chăm chăm để ý bắt và ghi lỗi của các bạn. Nhất cử nhất động của các bạn trong tổ luôn được em tổ trưởng giám sát chặt chẽ. Các em này trở thành “cảnh sát” trong mắt bạn bè, đôi khi các em bị bạn bè tẩy chay, xa lánh hoặc tìm cách “chơi khoăm” bạn tổ trưởng.
Với các em hiếu động, nghịch ngợm, hay bị “giám sát” bởi tổ trưởng sẽ hình thành một nỗi e sợ, cam chịu hoặc tâm lí cầu cạnh để được tổ trưởng “cho qua” không bị ghi vào sổ vi phạm. Nhiều em học sinh tìm cách kết thân với tổ trưởng để được bao che, dung túng cái sai, rồi giấu hoặc chối lỗi vi phạm, tức là không trung thực, tất cả sẽ ảnh hưởng không tốt tới tính cách sau này của trẻ.
Trong một số trường hợp, giữa tổ trưởng và các em bị bắt lỗi vi phạm vì không thừa nhận lỗi còn xảy ra cãi vã, xô xát lẫn nhau. Thiết nghĩ, giáo viên cần nhận thức đúng vai trò của nhà giáo dục trong việc quan sát, định hướng, uốn nắn trẻ về mọi mặt. Học sinh ở tuổi này chỉ có thể cùng phát triển dưới vai trò hướng đạo của thầy cô chứ chưa em nào có thể là chuẩn mực để định hướng cho những em khác. Trẻ cần được vui vẻ, hứng thú và cảm nhận được sự đối xử công bằng, bình đẳng khi đến trường.
Với các giáo viên, đừng mặc định rằng giáo dục tư tưởng đạo đức là công việc của chủ nhiệm, giáo viên bộ môn chỉ làm công việc truyền dạy kiến thức. Nếu thế giáo viên bộ môn chỉ là người dạy chứ chưa phải là nhà giáo dục đúng nghĩa.
Thiết nghĩ giáo viên cùng với việc tổ chức cho học sinh chiếm lĩnh tri thức thì cũng cần phải chú ý uốn nắn, dạy dỗ học sinh trong giờ học của mình. Nhiều giáo viên bộ môn mẫn cán ghi dày đặc những học sinh vi phạm vào trong sổ đầu bài và thông báo để chủ nhiệm xử lí, coi đó như là mình đã hoàn thành trách nhiệm.
Có lẽ học sinh sẽ thấm thía hơn nhiều nếu như được chính giáo viên dạy ở giờ học đó phân tích chỉ ra lỗi của mình. Còn để khi chủ nhiệm tổng kết sổ cuối tuần lại phải mất thời gian để hiểu sự tình của sự việc trong tiết học mà học sinh mắc lỗi. Đôi khi chưa hiểu sự tình chủ nhiệm đã xử lí theo kiểu áp đặt, gây ra phản ứng ngược từ trẻ và không đạt được hiệu quả giáo dục.
Khi trí tuệ nhân tạo đạt được thành tựu to lớn, người máy có thể viết được những áng văn có bố cục chặt chẽ, tình tiết logic thì vẫn cần đến những nhà giáo dục có tâm và có tầm để đào tạo ra lớp người có trí tuệ sáng tạo, tạo ra máy móc, có trái tim ấm nóng tình yêu thương. Cho nên rất cần các thầy cô giáo sử dụng phương pháp giáo dục nhân văn, tích cực, trao quyền cho các em học sinh chỉ là một việc nhỏ trong phương pháp làm chủ nhiệm nhưng cần phải có sự cân nhắc thiết thực.