Giáo viên vùng cao mong muốn có cơ chế phù hợp để gắn bó với nghề

GD&TĐ - Nhiều giáo viên vùng cao ở tỉnh Sơn La mong muốn có cơ chế, chính sách phù hợp giúp nhà giáo yên tâm công tác, gắn bó với nghề.

Giáo viên mong muốn được tăng lương, để yên tâm công tác.
Giáo viên mong muốn được tăng lương, để yên tâm công tác.

Muốn có cơ chế đặc thù...

Xuất thân là con nhà nông ở xã Tà Hộc (huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La), thầy Vì Văn Nghiệp đã nỗ lực học tập và có tấm bằng Cao đẳng Sư phạm Mầm non. Ra trường từ năm 2011, thầy Nghiệp được tuyển dụng vào công tác tại trường Mầm non xã Tà Hộc.

Sau hơn 12 năm công tác, đến nay thu nhập của thầy nghiệp được hơn 10 triệu đồng/tháng. Mặc dù thu nhập so với nhiều công chức, viên chức Nhà nước không phải thấp, nhưng hàng ngày thầy phải di chuyển xe máy hơn 10km vào xã dạy học. Thêm vào đó, mọi chi phí sinh hoạt cho gia đình cơ bản một mình thầy phải lo toan cả nên cuộc sống gặp không ít khó khăn vất vả.

Thầy Nghiệp cho biết: “Tôi may mắn hơn một số bạn cùng lứa tuổi được theo nghề giảng dạy, không phải làm nương rẫy. Tuy nhiên, với nghề giáo có tính đặc thù, đó là việc dành thời gian đứng trên bục giảng nhiều. Nhiều lúc muốn tranh thủ làm thêm công việc gì đó để có thêm thu nhập song thực sự là không có thời gian để mà làm. Thế nên mọi chi tiêu cho gia đình đều trông chờ vào lương tháng, thành ra cũng chẳng tích lũy được gì".

Vợ chồng cô Đinh Thúy Hằng (trường THCS 19/5 thị trấn Hát Lót, huyện Mai Sơn) đều công tác trong ngành giáo dục Sơn La đã 20 năm nay. Do có thâm niên công tác và hưởng lương Đại học nên tổng thu nhập của hai vợ chồng cô cũng có thể "gồng gánh" cho nhau. Mọi chi tiêu, sinh hoạt trong gia đình có thể cân đối được, không đến mức quá khó khăn. Nhưng cô Hằng cho rằng, với mức lương như hiện tại được chi trả thì giáo viên mới vào nghề sẽ gặp khó.

"Tôi thấy những người đồng nghiệp mới vào nghề gặp khó khăn về thu nhập bởi giá cả hàng hoá thì ngày một tăng cao. Mới chỉ nghe đến chuyện sắp tăng lương thôi thì mọi mặt hàng đã lên giá rồi. Trong khi, có những giáo viên phải thuê nhà trọ, do nhà ở xa trường thì càng vất vả hơn".

Nhiều giáo viên mong muốn có chính sách đặc thù.

Nhiều giáo viên mong muốn có chính sách đặc thù.

Theo cô Hằng, toàn ngành đang nỗ lực thực hiện đổi mới giáo dục. Vì thế, giáo viên sẽ phải dành nhiều thời gian hơn để nghiên cứu phương pháp, tham gia các lớp tập huấn nâng cao nghiệp vụ. Bởi thế, họ không có nhiều thời gian dành cho gia đình. Bởi thế, cô Hằng cho rằng giáo viên cần phải có những chính sách đặc thù, nhất là về lương. Giải quyết được việc này thì họ sẽ yên tâm hơn để gắn bó với nghề.

Thầy Cà Văn Dũng là Hiệu trưởng Tiểu học xã Phiêng Pằn, huyện Mai Sơn. Mấy năm gần đây, thầy Dũng luôn trăn trở về tâm tư, nguyện vọng của một số giáo viên trong trường.

Thầy Dũng cho biết: “Nghe giáo viên trải lòng, tôi nhận thấy nhiều người có hoàn cảnh khó khăn thực sự. Mỗi người mỗi hoàn cảnh, song vì gia đình khó khăn, thu nhập chưa được cải thiện, áp lực từ công việc, điều kiện công tác... Đó là những lý do có thể sẽ làm triệt tiêu đi sự nhiệt huyết với nghề nếu như đồng nghiệp không quyết tâm vượt qua. Nắm bắt được tâm tư của đồng nghiệp, chúng tôi cũng thường xuyên động viên, làm công tác tư tưởng để họ yên tâm công tác".

Cần chính sách phù hợp...

Theo thầy Dũng, nhiều giáo viên luôn mong muốn sẽ được tăng lương, có chính sách hỗ trợ phù hợp cho những giáo viên dạy ở vùng khó khăn. Họ cũng mong muốn sớm ban hành Luật Nhà giáo để quyền lợi nhà giáo được đảm bảo. Bên cạnh đó, cũng cần có chế độ đãi ngộ phù hợp để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao. Từ đó, tạo môi trường, điều kiện tốt nhất cho các thầy cô giảng dạy và yên tâm gắn bó với nghề.

Học sinh trường Tiểu học - THCS Tà Làng, huyện Yên Châu tập thể dục giữa giờ.

Học sinh trường Tiểu học - THCS Tà Làng, huyện Yên Châu tập thể dục giữa giờ.

Ông Nguyễn Ngọc Quang, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La cho biết: Thực trạng cán bộ, viên chức ngành Giáo dục chưa yên tâm gắn bó với nghề, thậm chí có trường hợp bỏ việc trong thời gian gần đây có nhiều nguyên nhân. Song, nguyên nhân chủ yếu là do chế độ, chính sách tiền lương trong khu vực còn nhiều bất cập so với nhu cầu thực tế cuộc sống của người lao động. Bên cạnh đó, thực hiện chủ trương tinh gọn tổ chức, bộ máy, tinh giản biên chế khiến khối lượng công việc tăng. Đây cũng là sức ép đối với cán bộ, viên chức ngành giáo dục.

Ngoài ra, một số giáo viên dù gắn bó nhiều năm trong ngành, nhưng khả năng đáp ứng những yêu cầu đổi mới giáo dục còn hạn chế (khả năng ứng dụng công nghệ thông tin, đổi mới phương pháp giảng dạy…) vô hình chung tạo áp lực trong công việc, dẫn đến tâm lý chán nản, bỏ nghề.

Theo ông Quang, để giáo viên tận tâm cống hiến với nghề thì trước hết họ phải được hưởng chế độ đãi ngộ xứng đáng. Quốc hội vừa thông qua Nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, trong đó có việc cải cách tiền lương nhà giáo.

"Để chính sách tiền lương phát huy hiệu quả, cần đưa mức tiền lương ấy đến được các thầy, cô giáo đúng lộ trình. Tổ chức chi trả tiền lương đúng vị trí việc làm và hiệu quả lao động để người giỏi có cuộc sống ổn định. Từ đó tận tâm cống hiến. Việc này sẽ góp phần thu hút sinh viên giỏi đăng ký vào ngành sư phạm, cũng như tạo động lực để nhà giáo thêm nỗ lực, gắn bó với nghề", ông Quang chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bên trong căn hầm tái hiện hoạt động in ấn tài liệu, truyền đơn của Hội ủng hộ Vệ quốc đoàn trong những năm kháng chiến.

Hầm in tài liệu bí mật giữa lòng Sài Gòn

GD&TĐ - Nằm trong con hẻm nhỏ ở đường Ngô Gia Tự, Quận 10, TPHCM, cơ sở in ấn của Hội ủng hộ Vệ quốc đoàn năm 1954 là nơi in cả nghìn ấn bản phục vụ cách mạng.