Cần sự chuyển động từ địa phương

Ảnh minh họa/internet
Ảnh minh họa/internet

Còn nhớ, trong những ngày tiên của năm 2019, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã có thông điệp quyết tâm cắt giảm áp lực cho giáo viên và xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, là từ khóa của ngành Giáo dục trong năm mới.

Trước đó, Bộ trưởng cũng từng khẳng định: Những gì không phù hợp, gây áp lực cho giáo viên thì bãi bỏ và sẽ "trả lại” cho giáo viên thời gian làm việc chuyên môn bằng việc cắt giảm mạnh mẽ hơn nữa các công việc về hồ sơ, sổ sách cho giáo viên.

Nay tất cả điều đó đã trở thành hiện thực và được cụ thể hóa bằng Chỉ thị 138/CT- BGDĐT về việc chấn chỉnh tình trạng lạm dụng hồ sơ, sổ sách trong nhà trường.

Theo chỉ thị này, giáo viên sẽ được phép chọn hình thức trình bày, viết tay hoặc đánh máy khi sử dụng các loại hồ sơ, sổ sách theo quy định.

Nhớ lại chia sẻ của một cô giáo ở Hà Nội mới thấy rằng, Chỉ thị này có ý nghĩa như thế nào đối với giáo viên. Cô cho biết, trước đây mỗi khi kết thúc tiết dạy, thay vì nghỉ ngơi để chuẩn bị cho tiết dạy tiếp theo thì cô lại hì hục với bảng điểm và đống sổ sách đánh giá học sinh cuối kì.

Ở trên lớp, cứ rảnh lúc nào là giáo viên phải tranh thủ, không viết kịp thì phải mang cả về nhà để viết. Cứ hết một tháng giáo viên lại phải nhận xét tất cả các học sinh, rồi nhận xét tất cả các môn.

Cuối năm thì vừa tổng kết tháng cuối cùng, vừa tổng kết năm, rồi vào điểm... Những việc này choán hết cả thời gian dành cho chuyên môn, nghiên cứu bài vở, giáo án.

Đây chính là áp lực không đáng có đối với giáo viên mà lẽ ra thời gian đó giáo viên có thể làm được nhiều việc khác phục cho công tác giảng dạy, hỗ trợ học sinh học tập.

Áp lực sổ sách đã được xóa bỏ, mang lại nhiều cảm xúc tươi mới và động lực cho giáo viên trong những ngày cả nước chuẩn bị đón Tết cổ truyền của dân tộc - Tết Kỷ Hợi.

Vì thế, ngay sau Chỉ thị của Bộ GD&ĐT được ban hành, trên các diễn đàn mạng xã hội, nhiều giáo viên bày tỏ vui mừng vì không phải viết tay sổ sách, giáo án, từ đó có thể chuyên tâm vào công tác giảng dạy. Nhiều giáo viên còn đón nhận Chỉ thị như một món quà Tết, được Bộ trưởng "mừng tuổi" đầu năm. 

Vấn đề đã được giải quyết, song điều quan trọng lúc này là cách làm, cách thực hiện của địa phương và các cơ sở giáo dục. Thiết nghĩ, ngay từ bây giờ, hiệu trưởng các trường cần rà soát tất cả các hoạt động của giáo viên.

Trước hết là những hoạt động hành chính không cần thiết, sổ sách, các thủ tục gây phiền hà cho giáo viên để tiến hành cắt giảm. Đồng thời khuyến khích giáo viên tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin nhằm giảm bớt thời gian làm việc cho các thầy, cô giáo.

Tuyệt đối không để giáo viên bị áp lực bởi những việc không đáng có. Đồng thời, kiên quyết không đưa ra những chỉ tiêu thi đua, giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm dạy giỏi...

Nói như Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Cái giỏi phải được thể hiện ở hiệu quả cuối cùng. Thà một giáo viên rất tốt còn hơn giỏi một cách hình thức.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ