Giáo viên trực hè: Không ép nhưng khó chi trả thù lao

GD&TĐ - Theo quy định hiện hành GV không phải trực trường trong thời gian nghỉ hè. Dù thầy cô tự nguyện đăng ký trực hè, việc chi trả tiền thù lao cũng rất khó.

Nhiệm vụ trực hè dành cho ban giám hiệu và nhân viên văn phòng. Ảnh minh họa: TG
Nhiệm vụ trực hè dành cho ban giám hiệu và nhân viên văn phòng. Ảnh minh họa: TG

Nhiều bất cập

Hơn 30 năm gắn bó với nghề, cô Nguyễn Thị Kim Dung – Hiệu trưởng Trường THCS Vân Canh (Hoài Đức, Hà Nội) thấu hiểu những vất vả của giáo viên. Thông tư 28/2009 và Thông tư 15/2017 của Bộ GD&ĐT nêu rõ, thời gian nghỉ hè hằng năm của giáo viên là 2 tháng (bao gồm cả nghỉ hàng năm theo quy định của Bộ luật Lao động); thời gian nghỉ Tết Âm lịch, nghỉ học kỳ theo quy định của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.

“Nhiệm vụ trực hè chỉ dành cho ban giám hiệu, nhân viên văn thư, bảo vệ. Mùa Hè trường vẫn phải giải quyết nhiều công việc liên quan đến các công văn chỉ đạo từ cấp trên, công tác tuyển sinh đầu cấp nên phải có người tới trường làm việc nhưng không phải giáo viên. Giáo viên được quyền nghỉ hè đủ 2 tháng nên nhà trường thực hiện đúng quy định. Giáo viên chỉ đến trường khi phát sinh công việc đột xuất, hỗ trợ các câu lạc bộ thể thao trong hè hoặc tham gia hội đồng tuyển sinh đầu cấp”, cô Dung nói.

Cùng quan điểm trên, thầy Phạm Tiến Dũng – Hiệu trưởng Trường THCS Nam Cao (Lý Nhân, Hà Nam) cho rằng, nghỉ hè là quyền lợi chính đáng của giáo viên sau cả năm học miệt mài bên bảng đen phấn trắng. Thầy cô cần có thời gian nghỉ ngơi để lấy lại tinh thần và động lực để làm việc. Nhà trường tuyệt đối không phân công cho giáo viên phải trực hè.

Trực hè khiến giáo viên không có thời gian nghỉ ngơi, thư giãn có thể ảnh hưởng đến sức khỏe và tinh thần, dẫn đến giảm hiệu quả công việc khi bước vào năm học mới. Việc phân công trực hè không công bằng, thiếu sự thống nhất hoặc áp đặt sẽ dẫn đến tâm lý bức xúc, bất mãn trong giáo viên, ảnh hưởng đến môi trường làm việc chung. Giả sử thầy cô có tự nguyện đăng ký trực hè thì không phải trường nào cũng có nguồn để chi trả.

Trường học không thể bỏ hoang suốt 2 tháng hè. Bên cạnh đó còn nhiều việc cần giải quyết trong dịp hè như tiếp nhận học sinh mới, bảo hiểm, thông báo kế hoạch học tập… nên trường phải có lực lượng làm việc trong giờ hành chính. Những công việc trong dịp hè thuộc thẩm quyền giải quyết của hiệu trưởng, phó hiệu trưởng và nhân viên văn phòng.

Chia sẻ thực trạng, thầy Phạm Quốc Bảo – Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Nậm Manh (Nậm Nhùn, Lai Châu) đồng thời thông tin: Lực lượng làm việc xuyên hè bao gồm ban giám hiệu, nhân viên kế toán, nhân viên y tế học đường, chuyên trách thiết bị - thư viện và nhân viên bảo vệ trường học. Giáo viên được nghỉ hai tháng hè nên không phải trực; còn lại những bộ phận trên thực hiện theo giờ hành chính, phải làm việc đủ 8 giờ/ngày nên phải đến trường công tác chứ không phải trực”, thầy Bảo phân tích.

Cô Nguyễn Thị Kim Dung – Hiệu trưởng Trường THCS Vân Canh (Hoài Đức, Hà Nội). Ảnh: TG

Cô Nguyễn Thị Kim Dung – Hiệu trưởng Trường THCS Vân Canh (Hoài Đức, Hà Nội). Ảnh: TG

Tạo tâm lý thoải mái cho giáo viên

Cũng theo thầy Phạm Quốc Bảo, trường hợp nhà trường thỏa thuận với giáo viên về việc trực trường vào dịp Tết, hè thì được hưởng lương làm thêm giờ theo quy định tại khoản 2 Điều 12 (Luật Viên chức). Cụ thể “Được hưởng tiền làm thêm giờ, tiền làm đêm, công tác phí và chế độ khác theo quy định của pháp luật và quy chế của đơn vị sự nghiệp công lập”.

Có hơn 10 năm công tác tại một trường tiểu học tại Hà Nội, cô Nguyễn Thị Trang cho rằng, trực hè dù không bắt buộc nhưng cũng đem lại một số lợi ích. Thay vì ở nhà, giáo viên có thể tới trường tham gia chăm sóc cây xanh, khuôn viên trường lớp. Đồng thời, giáo viên trẻ có khả năng về công nghệ thông tin có thể hỗ trợ nhân viên văn phòng một số công việc về giấy tờ; chuẩn bị giáo án và tài liệu cho năm học mới.

Thầy Nguyễn Hải Sơn - Hiệu trưởng Trường THCS Hải Xuân (Hải Hậu, Nam Định) cho biết, thực hiện chỉ đạo của UBND huyện, ban giám hiệu đã xây dựng kế hoạch tổ chức hoạt động hè cho học sinh, đồng thời tổ chức lực lượng cốt cán trực trường, lập kế hoạch tu sửa, tham mưu với chính quyền địa phương bổ sung cơ sở vật chất. Ban giám hiệu, tổ chuyên môn, đội thiếu niên, đoàn viên và giáo viên tổ chức trực trường, tập huấn SGK lớp 9 và xây dựng kế hoạch chuẩn bị cho năm học mới.

Để làm tốt vấn đề trực hè, theo cô Nguyễn Thị Kim Dung - Hiệu trưởng Trường THCS Vân Canh (Hoài Đức, Hà Nội), phân công giáo viên trực hè cần đảm bảo công bằng, minh bạch, dựa trên nguyện vọng và điều kiện cụ thể từng người. Nhà trường nên tạo điều kiện cho giáo viên tham gia các hoạt động giao lưu, giải trí, thể thao trong thời gian hè để nâng cao sức khỏe và tinh thần. Chỉ khi có sự đồng thuận và giải pháp phù hợp, việc trực hè mới thực sự hiệu quả.

Ủng hộ cách làm trên, cô Nguyễn Thị Ngân - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phú Nham (Phù Ninh, Phú Thọ) cho hay, trong hè giáo viên chỉ phải đến trường nếu có lịch tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn theo kế hoạch của sở GD&ĐT hoặc phòng GD&ĐT. Ban giám hiệu và nhân viên văn phòng phải trực trường để xử lý công việc, giải quyết thủ tục giấy tờ hoặc công văn của cấp trên. Giáo viên không phải trực hè ở trường.

Căn cứ khoản 2 Điều 18 Nghị định 12/2022/NĐ-CP của Chính phủ: Phạt tiền từ 10 – 20 triệu đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi vi phạm quy định của pháp luật về nghỉ tuần, năm hoặc nghỉ lễ, Tết. Như vậy, nếu hiệu trưởng ép giáo viên trực trong các ngày nghỉ theo quy định có thể bị phạt đến 20 triệu đồng, đồng thời xử lý theo Luật Viên chức.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ