Nhiều công việc trong hè
Thầy Nguyễn Văn Hùng, Hiệu trưởng Trường THPT Thạch Kiệt, Phú Thọ, cho biết: Theo quy định, thời gian nghỉ hè hằng năm của giáo viên là 2 tháng (bao gồm cả nghỉ hằng năm theo quy định của Bộ luật Lao động). Thực tế trong thời gian giáo viên và học sinh nghỉ hè, việc bố trí lãnh đạo và giáo viên trực trường mỗi đơn vị một khác, chưa có quy định khung thống nhất, thành phần và số lượng trực và không ít đơn vị không có kinh phí chi cho việc trực hè của cán bộ, giáo viên.
“Công việc trong những ngày nghỉ hè khá nhiều”. Chia sẻ điều này, theo thầy Nguyễn Văn Hùng, đây là thời gian hoàn thiện các công việc về mặt hồ sơ năm học trước để lưu trữ, như: Kiểm tra, sắp xếp hồ sơ nhà trường, hồ sơ giáo viên, học sinh; Thực hiện các công việc về công tác Đảng, đoàn thể và yêu cầu báo cáo của cấp trên; Chỉnh trang, sửa chữa khuôn viên trường lớp để chuẩn bị năm học mới… Với trường THPT, năm học kết thúc là khoảng thời gian thực hiện công tác tuyển sinh đầu cấp; thi tốt nghiệp THPT, trả hồ sơ và giúp đỡ học sinh hoàn thiện hồ sơ tiếp tục học ĐH, CĐ và học nghề.
Bên cạnh đó, thời gian hè không tổ chức dạy tại trường, nhưng các nhà trường lại là không gian thuận lợi để tổ chức các hoạt động văn thể. Trong bối cảnh bình thường, nhà trường duy trì hoạt động tự nguyện này với sự tham gia của giáo viên có năng khiếu, giáo viên thể chất.
Với Trường THPT Thạch Kiệt, trong thời gian giáo viên và học sinh nghỉ hè, hiệu trưởng thường không bố trí giáo viên trực, tạo điều kiện tối đa giáo viên được nghỉ hè đúng quy định. Việc trực trường do lãnh đạo trường đảm nhiệm, làm việc bình thường theo giờ hành chính từ thứ 2 - 6 hằng tuần.
“Hiệu trưởng phải gương mẫu, tiên phong, trực tiếp làm hoặc giúp đỡ cá nhân khác công việc của đơn vị trong thời gian hè. Tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các hoạt động văn thể tự nguyện của giáo viên và học sinh được duy trì. Mục tiêu hướng tới để làm sao mỗi cán bộ, giáo viên nghỉ hè luôn nhớ đến trường, một tuần không đến trường cảm thấy thiếu vắng. Chỉ như vậy việc trực hè của cán bộ giáo viên không trở thành việc làm nặng nề” - thầy Nguyễn Văn Hùng cho hay.
Trực trường không phải là nhiệm vụ bắt buộc của giáo viên, nhưng trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, năm học 2019 - 2020, cô Vũ Thị Anh, giáo viên Trường THPT Ân Thi (Ân Thi, Hưng Yên) và đồng nghiệp tham gia trực trường một thời gian ngắn. Cô Anh cho biết, công việc không có gì vất vả. Do học sinh toàn trường nghỉ học vì dịch Covid-19, giáo viên được phân chia theo đơn vị các tổ. Mỗi tuần 1 lần, lần lượt các tổ sẽ đến trường làm nhiệm vụ tổng dọn vệ sinh toàn trường, khử khuẩn. Ngoài ra, giáo viên chủ nhiệm lớp còn có thêm nhiệm vụ vệ sinh lớp học. Thời gian trực chỉ khoảng 3 tiếng/lần/tuần.
“Không phân biệt ban giám hiệu hay giáo viên, nhân viên của nhà trường, mọi người đều nhiệt tình làm việc, dọn dẹp với mong muốn môi trường cảnh quan sạch sẽ, phòng chống Covid-19; mong hoạt động dạy học sớm trở lại thường lệ. Có những ngóc ngách, góc khuất của các khu nhà học sinh rất ít được “quan tâm” sau những đợt trực trường vị trí đó được lột xác” – cô Vũ Thị Anh chia sẻ.
Nơi thuận lợi, nơi khó khăn
Cho đến thời điểm này, Trường THCS Thụy Liên, Thái Thụy, Thái Bình không phải huy động giáo viên trực trường. Thầy Hiệu trưởng Nguyễn Tiến Dũng cho hay: Theo quy định, giáo viên không phải trực hè. Trong hè chỉ có ban giám hiệu, bộ phận hành chính, bảo vệ làm việc bình thường, tiếp nhận, giải quyết công việc hằng ngày.
“Nhà trường chỉ huy động giáo viên trực trường trong trường hợp như trực phòng chống lụt bão. Hoặc trường hợp nguy cơ có dịch bệnh cao, hay phải thực hiện Chỉ thị 16 của Chính phủ, sẽ phân công tăng cường cán bộ, giáo viên trực… Khi phải huy động giáo viên trực, sẽ phân công nhóm, chọn giáo viên trẻ khỏe trực; nữ trực ban ngày, nam trực đêm. Không phân công giáo viên con nhỏ, ốm đau… Giáo viên trực trường được trả kinh phí theo làm thêm giờ theo quy chế chi tiêu của đơn vị. Trên thực tế, các thầy cô luôn chủ động và sẵn sàng tham gia trực trường khi được huy động” - thầy Nguyễn Tiến Dũng nói.
Thông tin từ ông Nguyễn Thanh Dương, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Ea Kar, Đắk Lắk, phòng GD&ĐT không quy định việc giáo viên phải trực hè mà yêu cầu hiệu trưởng nhà trường trên cơ sở thực tiễn xây dựng kế hoạch hoạt động hè phù hợp và đúng các quy định. Trong hè, cán bộ quản lý và nhân viên vẫn làm việc để giải quyết các công việc hành chính nếu có. Trường hợp phải huy động giáo viên trực hè, hiệu trưởng thực hiện theo đúng các quy định của pháp luật.
Liên quan đến nội dung này, Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An Thái Văn Thành nhận định: Trực trường do người đứng đầu cơ sở giáo dục quy định. Tại Nghệ An, với trường thuê được bảo vệ, giáo viên không cần trực trường trong thời gian nghỉ hè. Nhưng ở các huyện miền núi, do khó khăn kinh phí không thuê được bảo vệ, cán bộ, giáo viên phải thay phiên nhau trực. Tuy nhiên, sở luôn lưu ý, nhiều giáo viên ở miền xuôi lên dạy học luôn muốn tranh thủ thời gian nghỉ hè để về quê; do đó việc phân công giáo viên trực hè cần phải được tính toán rất hợp lý.