Giáo viên trong nhà trường hiện đại phải làm tròn nhiều "vai"

GD&TĐ - Giáo viên (GV) trong nhà trường hiện đại phải đảm nhận nhiều vai trò hơn trong quá trình dạy học.

Ảnh minh họa/internet
Ảnh minh họa/internet

Dưới tác động của đổi mới giáo dục và hội nhập quốc tế, PGS.TS Nguyễn Văn Đệ - Hiệu trưởng Trường ĐH Đồng Tháp cho rằng - người GV cần phát triển tối ưu năng lực trí tuệ, biết đặt và giải quyết vấn đề với tư cách là nhà giáo, nhà khoa học, nhà quản lý, nhà quản trị trường học năng động.

Giáo viên là trọng tài chuyên môn

Với vai trò này, PGS Nguyễn Văn Đệ cho rằng, người GV phải thường xuyên tự học, cập nhật kiến thức, bồi dưỡng chuyên môn để cung cấp lượng kiến thức khoa học, chính xác, đầy đủ cho người học và là trọng tài trong các hoạt động thuộc về lĩnh vực kiến thức ở các giờ dạy (thuyết trình, thảo luận, thực hành, xemina...);

Gợi mở, hướng dẫn, tổ chức các hoạt động tìm hiểu, tranh luận của người học, hướng dẫn giúp đỡ người học đến với tri thức khoa học bằng con đường đi tốt nhất, ngắn nhất và trên con đường đó luôn có sự đổi mới về phương pháp của người GV.

Là huấn luyện viên

Người GV phải biết cách “kích thích” những hiểu biết của người học, gợi mở cho người học suy nghĩ và dẫn dắt người học hiểu biết để có thể vượt qua được những khó khăn, thử thách trong học tập; tạo cơ hội cho người học có đủ điều kiện để tự suy nghĩ, tìm hiểu và có khả năng tự quyết định trong các vấn đề nảy sinh.

Có thể nhiều khái niệm, công thức… được học sẽ bị quên đi và không được sử dụng, nhưng cách tư duy, phương pháp học, kĩ năng ứng xử, chiến lược triển khai công việc sẽ được củng cố và phát triển trong quãng đời sau của người học.

Là người cố vấn học tập

Với vai trò là người cố vấn, theo PGS Nguyễn Văn Đệ, mỗi giáo viên phải luôn theo sát hoạt động nhận thức của học sinh “suy ngẫm về các phương pháp dạy học hay nhất của bản thân và hiểu thấu đáo vì sao các phương pháp đó là hiệu quả hoặc chỉ hiệu quả với trò này mà không hiệu quả với trò kia” để khi người học gặp khó khăn, kịp thời hỗ trợ, giúp đỡ bằng những định hướng phù hợp, gợi ý cụ thể;

Phải nỗ lực để xác định “tầm nhìn” và phải cố gắng tạo cho nhóm người học có tinh thần đồng đội; tìm cách cổ vũ người học, đưa ra những lời khuyên kịp thời có tính xây dựng để người học hành động hướng tới tầm nhìn đó; đưa lời nhận xét phản hồi ý nghĩa để nâng cao thành tích học tập của học sinh.

Là người quản lí quá trình học tập, đánh giá giáo dục

Trong nhà trường hiện đại, cùng một lúc người học có thể tham gia vào nhiều hoạt động khác nhau. Vì thế, người GV phải điều phối công việc, kết nối con người, đồ dùng học tập, phương tiện giảng dạy và người học có tính hệ thống, hiệu quả.

Đồng thời, GV phải thiết kế các bài kiểm tra phù hợp với yêu cầu, mục đích và kết quả học tập của người học bên cạnh yêu cầu đánh giá người học công bằng, chính xác, lên kế hoạch và áp dụng những phương pháp kiểm tra hiệu quả (đánh giá chính thức hoặc không chính thức và đánh giá trong suốt quá trình học tập với đánh giá cuối khóa) ; khuyến khích học sinh tự kiểm tra quá trình học tập cũng như sự tiến bộ của mình, cẩn thận chọn lọc những nguồn thông tin để đánh giá nhu cầu và kết quả học tập của học sinh.

Là nhà khoa học

Mỗi nhà giáo phải cố gắng để trở thành một chuyên gia trong lĩnh vực chuyên môn của mình, có khả năng nghiên cứu khoa học, giải thích và dự báo các vấn đề khoa học, chính trị, xã hội, chuyển giao các quy trình ứng dụng khoa học công nghệ vào đời sống; một người điều phối, thiết kế chương trình đào tạo và nội dung môn học...

Nhấn mạnh điều này, Hiệu trưởng Trường ĐH Đồng Tháp cho biết: Giáo viên - nhà khoa học thực hiện vai trò đó theo hai xu hướng phổ biến hiện nay: nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng. Kết quả nghiên cứu được công bố trên các tạp chí chuyên ngành, hoặc được đưa vào sử dụng sẽ là thước đo chất lượng, và đánh giá hiệu quả làm việc của GV.

Là nhà tâm lí học đường

Trong môi trường giáo dục, người GV được học sinh tin yêu có lúc sẽ trở thành chuyên gia tư vấn tâm lí trong rất nhiều tình huống như: lựa chọn ngành nghề, chọn bạn, mâu thuẫn nhóm, xung đột trong gia đình, tình yêu học đường...

Vì vậy, trong nhà trường phổ thông hiện đại, GV cũng là nhà tâm lí. Lúc này, nhiệm vụ của nhà tư vấn tâm lí là phải biết lắng nghe thân chủ, làm chủ các cuộc trò chuyện trong các cuộc gặp gỡ, tư vấn; thể hiện sự thông cảm, thấu hiểu với thân chủ, “thể hiện với học sinh rằng họ không chỉ quan tâm đến những gì diễn ra trong lớp học mà quan tâm đến cả đời sống học sinh nói chung” để tìm ra hướng giải quyết tốt nhất cho vấn đề học sinh gặp phải;

Quan tâm đến học sinh trước hết là con người, sau mới là người học, tôn trọng mỗi học sinh như một con người đặc biệt; làm việc với học sinh chứ không phải làm các việc vì học sinh hay cho học sinh; không phân biệt sắc tộc, giới tính, địa vị, nền tảng văn hóa, đối xử công bằng với mọi học sinh.

Mỗi GV cần có ý thức tự trau dồi, trang bị những kiến thức chuyên ngành Tâm lí học, có kĩ năng thực hành nghề tâm lí để có thể làm tốt nhiệm vụ giáo dục.

Là nhà hoạt động xã hội

Người GV trong nhà trường hiện đại không chỉ hoạt động trong phạm vi hẹp (lớp học) mà có tầm ảnh hưởng cả trong và ngoài nhà trường với vai trò là nhà hoạt động xã hội tích cực.

Trong nhà trường hiện đại, GV phải trở thành chuyên gia đánh giá, nhà ghi chép thông minh, nhạy bén về các điểm mạnh, hạn chế và ham thích của mỗi học sinh (bằng nhiều cách: quan sát, ý kiến đánh giá không chính thức, các phương tiện đa năng...).

Sau đó, chuyên gia này sẽ cung cấp cho phụ huynh, các GV khác, ban quản trị nhà trường, các tổ chức xã hội và cả học sinh bản kê khai các thiên hướng và năng khiếu nổi trội của mỗi học sinh, kết nối các học sinh, giáo viên dạy các môn học khác nhau, phụ huynh, các tổ chức xã hội vào một cộng đồng cùng sở thích, hứng thú, đam mê, biến nhà trường thành một “cộng đồng học tập - văn hóa”.

Ở cộng đồng, GV phải trở thành chuyên gia phụ trách hoạt động xã hội của nhà trường, hình ảnh đại diện cho nhà trường trong việc xây dựng các mối quan hệ tốt đẹp với cộng đồng.

Chuyên gia này phải là cầu nối giữa nhà trường - học sinh với nguồn nhân lực sẵn có trong cộng đồng lớn, có kĩ năng, chủ động nắm bắt được các thông tin về các loại tổ chức, cơ sở học việc (tập sự), các cá nhân và cơ quan đỡ đầu, nhà tài trợ, các học trình của cộng đồng và mọi tiềm năng học tập khác sẵn có trên địa bàn trường đóng, sau đó cố gắng ghép các sở thích, năng khiếu, khả năng của học sinh với các tiềm năng, cơ hội sẵn có bên ngoài.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ