Giáo viên trở thành… người trông trẻ

GD&TĐ - Ngoài khối lượng công việc, vấn đề lớn nhất của giáo viên là ứng phó với phụ huynh.

Kỳ vọng của phụ huynh dành cho giáo viên ngày càng tăng.
Kỳ vọng của phụ huynh dành cho giáo viên ngày càng tăng.

Phụ huynh có xu hướng can thiệp vào cách giáo viên truyền đạt bài học; hoặc, không ít phụ huynh mong đợi giáo viên là “cha mẹ thay thế” hoặc “người trông trẻ”.

Những giáo viên “kiệt sức”

Mỗi tuần, Sandra đều xách một chiếc vali nhỏ từ nơi làm việc về nhà. Không phải là tiếp viên hàng không hay nhà thiết kế thời trang, Sandra là một giáo viên. Cô thường mang bài tập của học sinh về nhà vào cuối tuần.

“Chúng tôi nói đùa rằng, mình giống những tiếp viên hàng không mang hành lý trở về nhà sau một chuyến bay dài. Vì có quá nhiều việc ở trường không nằm trong chương trình giảng dạy trên lớp, nên tôi phải chấm điểm bài tập về nhà của học sinh vào cuối tuần”, nữ giáo viên tiểu học tại Singapore chia sẻ.

Giống như những giáo viên khác tại Singapore, Sandra quyết theo nghề giáo vì cô xem giảng dạy là một công việc cao quý, cho phép định hình thế hệ tương lai. Tuy nhiên, việc phải dành hàng giờ để giải quyết công việc hành chính, lên kế hoạch cho các hoạt động ngoại khoá và trao đổi với phụ huynh đã khiến những giáo viên như Sandra mệt mỏi. Sandra đã giảng dạy được bốn năm. Nữ giáo viên cho biết: “Khi một ngày kết thúc và hoàn tất các cuộc họp, tôi hầu như không thể chấm bài”.

Trong khi đó, ngoài khối lượng công việc nặng nề, cô giáo trung học Mandy còn phải đặt ra các quy tắc. “Đôi khi, có những đứa trẻ cần một ai đó để nói chuyện. Chúng tôi sẽ trò chuyện vào đầu giờ sáng và trong khi giải lao. Tôi rất vui vì mình có thể tạo ra sự khác biệt.

Tuy nhiên, những lần khác, trong giờ làm việc, phụ huynh liên lạc với tôi về những điều quan trọng như bài tập về nhà và mong đợi được phản hồi ngay lập tức. Điều đó thực sự khiến ranh giới giữa công việc và cuộc sống của tôi bị xóa nhòa”, nữ giáo viên Singapore có 20 năm kinh nghiệm cho biết.

Tình trạng giáo viên cảm thấy kiệt sức là một vấn đề “muôn thuở” ở Singapore - nơi công chúng kỳ vọng cao về vai trò của nhà trường và giáo viên trong cuộc sống trẻ em.

Khi Singapore kỷ niệm Ngày Nhà giáo vào 2/9, các vấn đề lâu năm mà giáo viên phải đối mặt hằng ngày cũng được chú ý. Vào tháng 8, Bộ Giáo dục Singapore cho biết sẽ tăng lương cho giáo viên từ 5 - 10%. Đây là một phần trong nỗ lực “tiếp tục thu hút và giữ chân các nhà giáo dục giỏi”.

Trong những năm qua, Bộ Giáo dục đã đưa ra nhiều sáng kiến để hỗ trợ giáo viên. Tuy nhiên, các nhà giáo dục tin rằng, Bộ có thể làm được nhiều hơn nữa để giải quyết vấn đề then chốt là khối lượng công việc nặng nề. Theo giáo viên Sandra, cách hiệu quả là giảm bớt một số nhiệm vụ hành chính để giáo viên trở lại mục đích cốt lõi là giảng dạy.

Đối với nhiều giáo viên, công việc tiếp tục kéo dài sau giờ học chính thức.

Đối với nhiều giáo viên, công việc tiếp tục kéo dài sau giờ học chính thức.

Giáo viên là người… có lỗi

Bộ Giáo dục Singapore cho biết đã thực hiện các bước để giúp giảm bớt khối lượng công việc của giáo viên. Trong đó, bao gồm sử dụng công nghệ để hợp lý hóa các quy trình hành chính. Đồng thời, cung cấp kinh phí để các trường thuê nhân viên làm nhiệm vụ hành chính. Bộ cũng đã áp dụng các biện pháp để hỗ trợ nhân viên, như dịch vụ tư vấn chuyên nghiệp tại nhà và “đường dây nóng tư vấn 24/7 của chính phủ” cho các cán bộ. Ngoài ra, Liên minh Giáo viên Singapore (STU) cũng cung cấp các dịch vụ huấn luyện nghề nghiệp và tư vấn. Nhờ đó, giúp các thành viên “xác định và vượt qua những thách thức tại nơi làm việc”.

Ngoài khối lượng công việc, những thách thức khác thường được giáo viên nêu ra là cách họ được cấp trên đánh giá. Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất là đối phó với phụ huynh. Trong đó, vấn đề có thể là về việc kỷ luật trẻ. Phụ huynh giáo viên Singapore có xu hướng can thiệp vào cách giáo viên truyền đạt bài học. Hoặc, không ít phụ huynh mong đợi giáo viên là “cha mẹ thay thế” hoặc “người trông trẻ”.

“Phụ huynh đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ sức khỏe của giáo viên bằng cách tôn trọng thời gian và không gian cá nhân, giảm thiểu giao tiếp không quan trọng ngoài giờ hành chính. Phụ huynh và công chúng cũng có thể hợp tác chặt chẽ với giáo viên để thiết lập mối quan hệ tích cực. Đồng thời, đặt ra kỳ vọng phù hợp về trách nhiệm của giáo viên đối với sự phát triển của con em chúng ta”, Bộ Giáo dục cho biết.

Đối với nữ giáo viên Mandy, công việc tiếp tục kéo dài sau giờ học chính thức. Thậm chí, cô Mandy phải tắt thông báo điện thoại, khi học sinh và phụ huynh thường gửi tin nhắn vào nửa đêm.

“Tình trạng đó bắt đầu từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Thời điểm đó, chúng tôi phải giữ liên lạc với học sinh trong khi giãn cách ở nhà. Cách duy nhất để làm như vậy là trò chuyện nhóm và điều đó có nghĩa là giáo viên phải cung cấp số điện thoại cho tất cả học sinh”, cô Mandy chia sẻ. Nữ giáo viên cũng lưu ý rằng, việc kỷ luật học sinh hiện nay khó hơn.

Bởi, phụ huynh thường từ chối đứng về phía giáo viên. “Các phụ huynh sẽ khăng khăng rằng, con họ đúng hơn những người lớn chuyên nghiệp khác trong trường. Đó luôn là lỗi của giáo viên hoặc nhà trường... Điều này khiến học sinh khó bị kỷ luật vì các em không phải chịu hậu quả ở nhà”, cô Mandy nói thêm.

Giáo viên trung học Germaine - người đã giảng dạy gần bốn thập kỷ, than thở về việc “kỷ luật trong trường học đã giảm sút nghiêm trọng” trong những năm qua. Bà nói: “Những năm trước đây, việc kỷ luật bọn trẻ đơn giản hơn nhiều”. Trong khi đó, giáo viên Sandra cảm thấy rằng, hầu hết trẻ được cha mẹ bao bọc quá mức và khiến giáo viên không thể kỷ luật học sinh.

Một số giáo viên cũng nhận thấy, sự tôn trọng của phụ huynh đối với họ đã giảm dần trong những năm qua. Điều đó cũng ảnh hưởng đến thái độ của học sinh đối với giáo viên. Mr Ng - một giáo viên tiểu học có kinh nghiệm 15 năm, cho biết: “Giờ đây, những nhóm trò chuyện nơi phụ huynh từng chia sẻ về thông tin học tập của trẻ, đang được sử dụng để nhận xét về trải nghiệm tồi tệ với giáo viên. Điều đó làm giảm sự tôn trọng của họ đối với giáo viên”.

Ông nói thêm rằng, sự gia tăng việc sử dụng mạng xã hội và ảnh hưởng của nó đối với trẻ em cũng khiến nhiều học sinh có hành vi xấu.

Để hỗ trợ, Bộ Giáo dục Singapore đưa ra những nguyên tắc và hướng dẫn để các trường xây dựng chính sách, cũng như phương pháp tiếp cận kỷ luật. “Khi giáo viên gặp sự cố phản kháng lộ liễu, họ sẽ được hỗ trợ bởi lãnh đạo nhà trường và đội quản lý học sinh”, Bộ thông báo. Ngoài ra, các giáo viên cũng được đào tạo về quản lý lớp học, bao gồm cả việc trang bị kỹ năng giải quyết khi học sinh có “hành vi gây rối”.

Bộ Giáo dục cũng cung cấp cho giáo viên giáo viên Singapore sự hỗ trợ về phát triển chuyên môn trong việc tăng cường mối quan hệ với học sinh. “Mặc dù vậy, kỷ luật hiệu quả chỉ có thể thực hiện được khi có sự hỗ trợ của phụ huynh - những người đóng vai trò quan trọng trong việc thấm nhuần và củng cố các giá trị cũng như hành vi đúng đắn ở con em họ. Nhà trường sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với phụ huynh để hỗ trợ học sinh một cách toàn diện”, Bộ Giáo dục nhấn mạnh.

Phụ huynh là “khách hàng”?

Nhiều giáo viên được kỳ vọng trở thành 'người trông trẻ'.

Nhiều giáo viên được kỳ vọng trở thành 'người trông trẻ'.

Trớ trêu thay, ngay cả khi sự tôn trọng với giáo viên dường như giảm, thì kỳ vọng của phụ huynh lại tăng. Họ muốn giáo viên đóng vai trò là “người trông trẻ” hoặc áp dụng các phương pháp giảng dạy tùy chỉnh cho từng học sinh. Điều đó cũng có nghĩa là các nhà giáo dục sẽ phải làm việc nhiều hơn để đáp ứng kỳ vọng đó.

Đối với giáo viên tiểu học Mabel, phạm vi công việc của bà thậm chí còn mở rộng sang việc trở thành cố vấn cho phụ huynh. “Việc giảng dạy đã thay đổi rất nhiều kể từ khi tôi bắt đầu đứng lớp vào năm 1996, nhưng chủ yếu là do phụ huynh. Khi Bộ Giáo dục bắt đầu chú trọng hơn vào sự tham gia của phụ huynh, giáo viên phải đối phó với một số người có thể khiến chúng tôi căng thẳng”, nữ giáo viên chia sẻ.

Mặc dù có những thách thức đối với phụ huynh, giáo viên không thể coi nhẹ. Bởi, điều đó có thể ảnh hưởng đến việc đánh giá hằng năm của họ. Tuy nhiên, mức độ đánh giá được đưa ra dựa vào người quản lý của giáo viên. Một số phụ huynh sẽ so sánh số lượng bài tập về nhà, chính tả, cách giáo viên sử dụng công nghệ trong lớp học và hơn thế nữa.

Điều đó buộc giáo viên phải làm nhiều hơn nữa để tránh sự giận dữ của phụ huynh. “Họ sẽ nói: Giáo viên này đã làm điều gì đó, tại sao bạn không thể? Thật khó để nói bất cứ điều gì có thể đáp lại những phụ huynh như vậy. Các phụ huynh cũng giống như khách hàng của chúng tôi. Nếu giáo viên không làm cha mẹ học sinh hài lòng, họ sẽ phàn nàn cho đến khi chúng tôi không còn lựa chọn nào khác ngoài việc làm điều đó”, bà Sandra chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ