Giáo viên triệu USD ở Hàn Quốc

Cha Kil-yong, giáo viên toán nổi tiếng Hàn Quốc, kiếm được 8 triệu USD một năm nhờ công việc mở trường tư trực tuyến cho học sinh chuẩn bị thi đại học.

Cha Kil-yong là giáo viên toán trực tiếng nổi tiếng ở Hàn Quốc. Cha thường ăn mặc đôi chút khác thường mỗi lần lên hình giảng bài để thu hút sự chú ý của học sinh. Ảnh: Shin Woong-jae/The Washington Post.
Cha Kil-yong là giáo viên toán trực tiếng nổi tiếng ở Hàn Quốc. Cha thường ăn mặc đôi chút khác thường mỗi lần lên hình giảng bài để thu hút sự chú ý của học sinh. Ảnh: Shin Woong-jae/The Washington Post.

Đeo tai nghe, mắt nhắm, Cha Kil-yong bắt đầu cất tiếng hát qua chiếc micro nhỏ trong phòng thu cùng một trong những nữ diễn viên nóng bỏng nhất Hàn Quốc. Với mái tóc vuốt gel dựng đứng, trông Cha không khác nào những ngôi sao nhạc Pop nước này.

Nhưng Cha không phải là ca sĩ, cũng chẳng phải diễn viên. Anh là một dạng người nổi tiếng độc nhất vô nhị: một ngôi sao dạy học. Bài hát Cha thể hiện cùng Clara cũng sẽ không có mặt trên chương trình ca nhạc MTV. Bài hát có tên "SAT jackpot", giúp cổ vũ các học sinh ôn thi SAT, một trong những kỳ thi chuẩn hóa cho việc đăng ký vào các trường ở Mỹ.

Ở đất nước trọng giáo dục như Hàn Quốc, Cha là giáo viên toán nổi tiếng.Anh không dạy chính thức cho bất cứ trường nào mà điều hành một trường học trực tuyến lấy tên là SevenEdu. Trường tư, hay còn gọi là hagwon, là nơi Cha ôn luyện môn toán cho học sinh thi đầu vào đại học.Năm ngoái, thày giáo trẻ này kiếm được 8 triệu USD nhờ việc dạy học trực tuyến.

"Tôi rất yêu môn toán", Cha nói. Tại văn phòng ở Gangnam, khu tập trung nhà giàu của thành phố Seoul, Cha trông sành điệu với chiếc áo đỏ thẫm, quần bó cùng áo khoác ngoài.

Hàn Quốc được xem là quốc gia luôn đặt giáo dục lên ưu tiên hàng đầu.Đây là xã hội mà bạn phải học đúng trường mẫu giáo để vào đúng trường cấp một, sau đó lên đúng trường cấp hai và cấp ba, rồi cuối cùng vào đúng trường đại học. Sau khi hoàn thành bậc đại học, sinh viên sẽ có cơ hội tìm được việc làm đúng ngành và nhờ đó sẽ kiếm được ý trung nhân.

Ở xứ sở kim chi còn có cả một cụm từ để miêu tả phiên bản một bà mẹ kiểu Hàn: chima baram, tức "váy gió", ý chỉ âm thanh khi một bà mẹ chạy thẳng vào lớp học chỉ để xin cô giáo cho con mình ngồi bàn đầu hay thắc mắc về điểm số. "Chima baram" dùng để nói đến những bà mẹ can thiệp thái quá vào các hoạt động để con cái đạt kết quả tốt ở trường.

Nhiều gia đình Hàn Quốc tách ra và sống ở nhiều nơi trên thế giới để theo đuổi một nền giáo dục tốt hơn: Mẹ và các con sống ở Mỹ hoặc một nước nào đó nói tiếng Anh để đảm bảo chúng vào được một trường đại học danh tiếng (như Havard chẳng hạn). Còn người cha, goose father (cụm từ chỉ người chồng gửi vợ con ra nước ngoài học) sẽ vẫn tiếp tục làm việc tại Hàn Quốc và thỉnh thoảng sang thăm vợ con.

13-1766-1420644928.jpg

Nhóm nhạc pop Brown Eyed Girls cùng Cha ghi âm bài hát dành tặng các sĩ tử chuẩn bị thi SAT. Ảnh: SevenEdu.

Tất cả những điều này làm cho kỳ thi SAT ở Hàn Quốc trở thành sự kiện quan trọng nhất cuộc đời một người trẻ. Phần lớn học sinh ở đây phải đi học hai lần trong ngày. Ngoài việc đến lớp bình thường, sau giờ học, các em còn phải học thêm. Ngày nay, khóa học thêm trực tuyến hagwon đang thay thế các trường học truyền thống xây bằng gạch vữa. Những trung tâm online như thế trở thành nền công nghiệp 20 tỷ USD.

Sự quyết tâm học tập của học sinh được tin là sẽ giúp Hàn Quốc đứng trong nhóm các nước phát triển về môn đọc, toán và khoa học. Hàn Quốc cũng là nước có tỷ lệ tự tử cao nhất trong các nước phát triển. Nhiều ý kiến cho rằng nguyên nhân của việc này là do căng thẳng trong học tập.Nhưng ngay cả các bậc phụ huynh phản đối hệ thống học như trừng phạt này cũng cảm thấy khó khăn khi phải loại bỏ nó bởi bọn trẻ sẽ kêu ca rằng chúng không theo được chương trình trên lớp nếu không tới hagwon.

Đó là tin tốt lành cho những thày giáo dạy trực tuyến như Cha. Cha bắt đầu công việc dạy học trên mạng để có tiền chi trả học phí khi đang theo học chương trình tiến sĩ.

Khoảng 300.000 học sinh tham gia lớp học trực tuyến của Cha vào bất kỳ giờ nào với mức phí 39 USD cho khóa học 20 giờ (trong khi các trường luyện thi truyền thống tính phí 600 USD một khóa). Cha dạy học sinh những mẹo nhỏ để hoàn thành bài thi nhanh hơn.

Khi được hỏi điều gì khiến anh nổi bật, Cha chia sẻ: "Giả sử bạn đưa nguyên liệu giống nhau cho 100 đầu bếp khác nhau, họ sẽ chế biến ra những món ăn khác nhau, dù có trong tay nguyên liệu như nhau. Việc này cũng tương tự với lớp học thêm toán. Dù cùng là môn toán và đều sử dụng tiếng Hàn Quốc nhưng bạn vẫn có thể dùng những cách thức khác nhau để giải quyết vấn đề và cho ra kết quả khác nhau".

Phòng ghi hình của Cha bày biện một chiếc bảng phấn màu xanh cùng nhiều bàn học. Đằng sau máy quay là chồng chất các đạo cụ, gồm mặt nạ người dơi, tê giác và cả một áo khoác đính kim sa lóng lánh ánh vàng.

"Bạn không chỉ dạy một môn học mà còn phải trở thành một người giải trí đa tài", Cha nói. Anh từ chối tiết lộ tuổi, mà chỉ bật mí đã dạy học gần 20 năm.

Trong ngày thi môn SAT, Cha tới các trường để động viên học sinh. Cha cũng đóng quảng cáo trên truyền hình cho các sản phẩm như nước sâm đỏ, thức uống có tác dụng tăng cường sức mạnh não bộ.

11-5614-1420644928.jpg

Cha giữ nhiều mặt nạ và phụ kiện trong phòng thu SevenEdu. Ảnh: Shin Woong-jae/for The Washington Post)

Kwon Kyu-ho, giáo viên văn học hàng đầu, cũng xuất hiện cùng các ngôi sao K-pop và có công việc sinh lời với người nổi tiếng. Muốn duy trì vị trí của mình, theo Kwon, không chỉ cần những bài giảng hay. Kwon, 33 tuổi, chăm sóc da mặt thường xuyên và cho biết một số giáo viên thậm chí còn có cả người tạo phong cách riêng.

"Tôi luôn muốn trở thành giáo viên nhưng tôi cảm thấy việc dạy học thông thường cũng có những giới hạn của nó. Bạn phải dạy theo một cách nhất định", Kwon cho hay. Những bài giảng của Kwon hiện xuất hiện trên trang Etoos và VitaEdu. "Dĩ nhiên, tôi đang kiếm được nhiều tiền bằng cách này", Kwon nói.

Kwon không nói rõ anh kiếm được bao nhiêu mà chỉ úp mở "vài triệu USD một năm". Bí quyết thành công của Kwon, như anh chia sẻ, là tìm ra những phần trong bài kiểm tra mà hầu hết học sinh đều cảm thấy khó khăn. Kwon tập trung bài giảng vào những phần khó đó. Theo Kwon, cách dạy này có mặt tích cực của nó.

"Tôi cho rằng một trong những lợi ích của giáo dục tư nhân đó là giáo viên cạnh tranh với những đồng nghiệp khác và cố gắng phát triển nội dung bài giảng của mình tốt hơn. Chúng tôi có tiền nên có thể đầu tư bằng nhiều cách mà các giáo viên dạy học ở trường truyền thống không thể", Kwon khẳng định.

Khi Tổng thống Park Geun-hye khuyến khích "nền kinh tế sáng tạo" như một chìa khóa đưa Hàn Quốc tới một tầm cao mới trong quá trình phát triển, nhiều chuyên gia cho rằng quốc gia này sẽ làm tốt để có một cách tiếp cận sáng tạo hơn trong giáo dục.

Lee Ju-ho, cựu bộ trưởng giáo dục Hàn Quốc vừa nghỉ hưu năm ngoái, nằm trong số những người này.

"Việc học tới tối muộn có thể dẫn tới nhiều vấn đề trong quá trình thúc đẩy các kỹ năng khác của học sinh, như sự sáng tạo, tính cách và tư duy phê bình. Hagwon chỉ là học vẹt và ghi nhớ", ông Lee đánh giá.

Cựu bộ trưởng giáo dục cho rằng tất cả những vấn đề này bắt nguồn từ quá trình tuyển sinh đầu vào đại học. Quá trình này chỉ tập trung vào điểm số mà không xét tới nhiều tiêu chí khác như các hoạt động ngoại khóa, bài luận cá nhân, vốn là hình thức phổ biến ở nhiều nước phương Tây.

"Chúng ta thực sự cần phải thay đổi", ông Lee nói. Ông hiện là giáo sư của trường Quản lý và Chính sách Công thuộc Học viện Phát triển Hàn Quốc.

Theo vnexpress.net

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ