(GD&TĐ) - Việc triển khai Đề án Ngoại ngữ của Bộ GD&ĐT sẽ góp phần quan trọng nâng cao dân trí, đáp ứng khả năng làm việc trong môi trường quốc tế thuận lợi cho HS, SV. Thế nhưng, khi bắt tay vào khảo sát ở môn Tiếng Anh cho thấy trình độ đội ngũ GV chưa đáp ứng được yêu cầu thực hiện Đề án này.
Nhiều phụ huynh Việt Nam thích con học GV nước ngoài |
Trăn trở chuẩn nghề nghiệp GV
Điều khiến các chuyên gia lo ngại nhất trong việc triển khai Đề án Ngoại ngữ hiện nay đó chính là trình độ của đội ngũ GV dạy môn học này. Nhiều năm qua, tùy thuộc vào điều kiện, khả năng của mình các địa phương đã dạy học tiếng Anh cho HS.
Thế nhưng, qua các cuộc khảo sát trình độ GV ở một số địa phương cho thấy trình độ đội ngũ còn nhiều hạn chế, cơ bản chưa đáp ứng chuẩn yêu cầu chuẩn nghề nghiệp, nhất là trong thời đại ngày nay ngoai ngữ là công cụ tối ưu để hội nhập thành công.
PGS.TS Phan Quế, Phó trưởng ban thường trực Đề án Ngoại ngữ quốc gia đến năm 2020 cho biết: Tiến hành khảo sát một số đơn vị cho thấy, nếu chiểu theo khung chuẩn châu Âu, GV THPT có tới 98% chưa đạt yêu cầu. Bởi yêu cầu đặt ra GV phải có trình độ C1 nhưng chủ yếu hiện nay GV mới chỉ đạt chuẩn trình độ ở mức độ B1 và B2.
Hiện nay năng lực ngoại ngữ của GV đang ở mức dưới chuẩn và cận chuẩn. Do vậy nâng cao trình độ GV là vấn đề cấp bách, đặt ra cho ngành GD & ĐT, nhất là trong bối cảnh quốc tế hóa hội nhập sâu.
Đội ngũ GV nếu xét về bằng cấp thì cơ bản ai cũng đạt chuẩn song nói đến năng lực giảng dạy lại rất hạn chế. Nguyên do, có nhiều nguồn đào tạo GV. Có những GV từ ngoại ngữ khác hết thời chuyển qua học thêm văn bằng tiếng Anh rồi về trường dạy tiếng Anh cho HS. Bên cạnh đó, mỗi một trường ĐH, CĐ trong nước đào tạo GV tiếng Anh đầu ra cũng khập kiễng, vì thế trình độ GV không đồng đều.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển: - Các Sở GD&ĐT cần xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án Ngoại ngữ 2020, rà soát lại để điều chỉnh cho kịp thời, phù hợp với điều kiện thực tiễn. Kể cả công tác bồi dưỡng đội ngũ GV nếu địa phương nào thấy chưa hợp lý thì điều chỉnh. - Phải coi chất lượng là hàng đầu, việc bồi dưỡng GV là cần thiết, là khâu then chốt. Vì thế, rất cần đảm bảo trình độ giảng viên tham gia bồi dưỡng GV. |
Điều này cho thấy tại sao trình độ tiếng Anh của HS, SV nước ta rất kém, nhất là vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Duy chỉ có các thành phố lớn HS có cơ hội học tập tốt hơn với GV nước ngoài hoặc đội ngũ GV trình độ chuẩn hơn mà thôi. Còn ở TP. HCM khảo sát của Sở GD&ĐT cho kết quả 77% HS tăng cường tiếng Anh học thêm ở trung tâm
Kể cả đội ngũ GV Thủ đô Hà Nội, mang tiếng là nơi có lợi thế hơn nhiều tỉnh thành về nguồn GV, điều kiện học tập nâng cao trình độ tốt hơn tỉnh lẻ nhưng khi 20 GV được kiểm tra trình độ thì chỉ 9 người đạt yêu cầu. Vì vậy, khi tham gia dạy thí điểm tiếng Anh cho HS Hà Nội chỉ có 8/gần 700 trường tiểu học.
Nan giải cho ngành GD khi thực hiện Đề án Ngoại ngữ đó chính là trình độ chuyên môn của GV ngoại ngữ nước ta phần lớn chưa đáp ứng yêu cầu, chưa đạt chuẩn, thể hiện rõ ở tất cả các cấp học, bậc học.
Đơn cử, khi chuẩn bị cho việc dạy tiếng Anh thí điểm, có 150 GV dạy tiếng Anh được chọn từ các trường tiểu học trên cả nước chọn tham gia kiểm tra trình độ. Trong số này chỉ 92 GV đáp ứng được yêu cầu của chương trình tiếng Anh Tiểu học mà Bộ GD&ĐT đưa ra là đạt trình độ B2, tương đương 500 điểm TOEFL.
Sở GD&ĐT Hải Dương tiến hành khảo sát trình độ GV ngoại ngữ cho kết quả cũng rất khiêm tốn: GV cấp Tiểu học và THCS đạt chuẩn trình độ ở mức 14%. Đối với THPT, kết quả còn tệ hại hơn khi chỉ có 4% GV đạt yêu cầu đề ra.
Trong khoảng 700 GV, chỉ có chục người vượt qua đợt sát hạch đầu tiên của Bộ GD&ĐT. Trong số những người trượt, có người chưa đạt trình độ B1 nhưng vẫn đang dạy tiếng Anh theo chương trình tự chọn ở trường. Đặc biệt, còn một bộ phận GV chỉ đạt trình độ năng lực ngoại ngữ thấp hơn so với chuẩn từ 3 - 4 bậc.
Giờ học Ngoại ngữ của học sinh Trường Tiểu học Sông Cầu (Bắc Kạn) |
Thách thức vẫn còn nhiều
Trưởng Bộ phận Thường trực Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 (BG&ĐT) ông Nguyễn Ngọc Hùng cho biết: Thời gian qua khi tiến hành triển khai Đề án cho thấy vấn đề đội ngũ GV còn nhiều bất cập. Các Trường CĐ, ĐH chưa bảo đảm trình độ đầu ra. Năng lực tiếng Anh của đại bộ phận GV còn thấp, có tới 97 - 98% GV chưa đạt chuẩn.
Phương pháp và công nghệ dạy học còn lạc hậu, nhất là với GV tiểu học. Khoảng cách kỹ thuật số và khả năng ứng dụng CNTT trong dạy và học còn yếu. Nhiều địa phương chưa có chế độ tuyển dụng GV, đời sống GV ngoài biên chế còn rất khó khăn.
Mặc dù đến nay, đã có gần 5000 GV được đào tạo, bồi dưỡng. Đấy là chưa kể vùng sâu, vùng xa, vùng khó ngành GD đang đối mặt với việc thiếu GV đứng lớp. GV không đủ để phổ đủ diện rộng lớp điểm lẻ.
Có thể thấy nhu cầu nâng cao trình độ cho đội ngũ GV tiếng Anh các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc rất cần thiết. Phó Giám đốc Sở GD & ĐT Thái Nguyên, bà Vũ Thị Nga cho biết tỉnh có 82/186 GV có điểm cao nhất qua khảo sát dự thi cấp chứng chỉ quốc tế chỉ có 12 người đạt B1 và B2, chưa có ai đạt C1.
Ngay như tỉnh Bắc Kạn, vấn đề bồi dưỡng đội ngũ là khâu khó khăn nhất, rất cần thiết khi triển khai Đề án bởi khi khảo sát trên 250 GV nhưng tất cả đều không đạt chuẩn. Chủ yếu GV trình độ xếp loại A1 và A2. Sở GD&ĐT Lạng Sơn chia sẻ chỉ có 50/780GV khảo sát đạt yêu cầu. GV không chỉ non kém về trình độ mà còn thiếu cả kỹ năng sử dụng các trang thiết bị phục vụ cho công tác dạy và học.
Theo phân tích của các chuyên gia ngoại ngữ thì trong số các thách thức triển khai Đề án, GV và chương trình, SGK là cốt lõi. Hiện nay, năng lực GV tiếng Anh ở nước ta còn rất thấp. GV tiếng Anh chưa được đào tạo chuẩn về phương pháp. Đã vậy, GV từ nhiều nguồn và trong số đó, nhiều người không có nghiệp vụ sư phạm. Thêm vào đó, chương trình và SGK mới chú trọng nhiều đến ngôn ngữ hơn là phát triển kỹ năng.
Bên cạnh trình độ năng lực ngoại ngữ chưa đáp ứng được, nhiều GV còn yếu về phương pháp giảng dạy, do chưa có nhiều cơ hội được tham gia các lớp bồi dưỡng do các chuyên gia có nhiều kinh nghiệm giảng dạy, có ít cơ hội được giao lưu, học hỏi kinh nghiệm của các GV từ những nước nói tiếng Anh.
Thậm chí, không ít GV dạy tiếng Anh cho HS hiện nay vốn là GV tiếng Nga, tiếng Pháp, tiếng Trung học thêm văn bằng tiếng Anh về giảng dạy. Do đó, việc phát âm chưa đạt chuẩn. Hệ lụy kéo theo sẽ ảnh hưởng đến chất lượng học ngoại ngữ của HS.
Với đội ngũ GV chưa chuẩn nghề nghiệp nhiều như vậy, chất lượng tiếng Anh của HS không thể tốt được, và càng không thể đáp ứng nhu cầu làm việc trong môi trường quốc tế của các em sau này. Giải quyết bài toán chất lượng đội ngũ là vấn đề lớn đòi hỏi các ngành, các cấp cùng vào cuộc chứ không chỉ riêng ngành GD.
Mục tiêu của đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020: - Đổi mới toàn diện việc dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống GD quốc dân, triển khai chương trình dạy và học ngoại ngữ mới ở các cấp học, trình độ đào tạo. - Đến năm 2020 đa số thanh niên VN tốt nghiệp trung cấp, CĐ và có đủ năng lực ngoại ngữ sử dụng độc lập, tự tin trong giao tiếp, học tập, làm việc trong môi trường hội nhập, đa ngôn ngữ, đa văn hoá... |
Thanh Thanh