Giáo viên “Tây” ấn tượng Tết Việt

GD&TĐ - Có người chỉ một đôi lần ở lại Việt Nam ăn Tết, người đã coi Việt Nam như quê hương thứ 2, nhưng điểm chung của những GV nước ngoài trong cảm nhận về Tết Việt là sự ấm áp, gắn kết nghĩa tình.

Ông Bubul Kumar Borah. Ảnh: NVCC
Ông Bubul Kumar Borah. Ảnh: NVCC

Peter Louis Curzon - Giám đốc học thuật Trường Phổ thông Mỹ Trực tuyến Ivy Global School khu vực Việt Nam & Đông Nam Á: Món quà đáng nhớ là cặp bánh chưng học trò tặng 

Tôi và vợ ăn Tết ở Hà Nội trong 3 năm trở lại đây. Tôi thích ngắm nhìn đường phố, các khu chợ tràn ngập sắc đỏ, vàng của ngày Tết, và cây quất trĩu quả vàng ươm. Một điều thú vị nữa của dịp Tết là đường phố ở Thủ đô vốn nhộn nhịp bỗng trở nên vắng vẻ; nhờ đó chúng tôi có thể đi dạo và tham quan các con phố mà không gặp phải khói bụi giao thông nhiều như thường ngày.

Một trong những kỷ niệm đáng nhớ nhất khi ăn Tết ở Việt Nam, tôi được HS tặng cho những cặp bánh chưng - trong đó có gia đình một số bạn tự làm và gói bánh trong cả tuần. Tôi rất thích bánh chưng và hơn nữa là có ai mà không thích những món quà giàu tình cảm như vậy? Và câu chúc “Chúc mừng năm mới” nghe thật ấm áp, nó dường như tạo ra một thứ phép thuật kỳ diệu khiến mọi người đều nở nụ cười.

Người Việt có câu “Mùng 1 Tết Cha, mùng 2 Tết Mẹ, mùng 3 Tết Thầy” nhằm thể hiện lòng biết ơn và trân trọng công sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ, công lao giáo dục, truyền dạy kiến thức của thầy cô giáo. Tôi cho rằng, đó là truyền thống nhân văn, đầy ý nghĩa. Bạn nên thể hiện lòng tôn kính với cha mẹ mình. Tôi đã làm GV 28 năm và tôi luôn dành rất nhiều tâm huyết cho công việc của mình. Thật tuyệt vời khi HS của tôi trân trọng điều đó. Và tôi cũng thấy HS Việt Nam luôn bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc của các em dù ở bất kỳ dịp nào trong năm.

Ông Peter Louis Curzon.
Ông Peter Louis Curzon.

Joseph Brigde Du Barry - GV iSMART Education: Trải nghiệm đẹp với Tết Việt

Tôi đã ăn Tết ở Thành phố Hồ Chí Minh năm ngoái. Không khí rất tuyệt vời. Mọi người được nghỉ học, nghỉ làm, vì vậy họ có thời gian dành cho gia đình, bạn bè và được thư giãn. Mọi người cùng chia sẻ đồ ăn, uống, cập nhật tin tức mới và đều có tâm trạng rất tốt. Tôi cũng vậy. Những con đường ở Thành phố Hồ Chí Minh bình thường nhộn nhịp, nhưng trong dịp Tết mọi thứ khá yên tĩnh. Thật thú vị khi nhận được những món quà nhỏ từ một số HS. Nhiều lớp bận rộn chuẩn bị những bài hát và điệu nhảy tại trường. Và tôi cùng tham gia vào việc chuẩn bị đón Tết, giúp họ làm bánh chưng. Đó thực sự là những trải nghiệm đẹp.

Tôi cũng thấy được truyền thống tuyệt vời của người Việt trong dịp Tết. Ngoài việc sum họp gia đình và gửi những lời chúc đến cha mẹ, người thân, người Viêt Nam có truyền thống đến thăm thầy cô cũ hoặc thầy cô hiện tại để bày tỏ lòng biết ơn. Tôi phải thừa nhận, khi còn đi học, tôi chưa bao giờ làm điều này cho chính những GV của mình. HS ở Việt Nam rất tôn trọng GV của mình, điều này chúng tôi thật sự đánh giá cao. Tôi đoán đó là một phần văn hóa, tôn trọng những người lớn tuổi, cũng như trẻ em nhận ra được giá trị đó qua giáo dục gia đình và nhà trường.

Ông Joseph Brigde Du Barry.
Ông Joseph Brigde Du Barry.

Bubul Kumar Borah - Trường ĐH Thành Đô: Việt Nam trở thành quê hương của tôi

Tôi cưới vợ đúng vào ngày mùng 6 Tết theo lịch âm của Việt Nam. Vợ tôi là người Việt và lễ cưới diễn ra ở một vùng quê thanh bình, trù phú. Đó là lần đầu tiên tôi được trải nghiệm Tết truyền thống của Việt Nam, và chắc chắn đó là lần đáng nhớ nhất.

Giống như ở Việt Nam, người Assam cũng có Tết truyền thống, nhưng thời gian vào tháng 4 và kéo dài trong khoảng 1 tuần lễ. Trong dịp Tết, mọi người nghỉ ngơi, đoàn tụ gia đình và đến thăm họ hàng, bạn bè thân thiết. Nhưng điểm khác là Tết Assam không quá chú trọng về ăn uống (chủ yếu là mời nhau trà, bánh) mà sẽ tổ chức nhảy múa và đến từng nhà biểu diễn.

Trong ngày Tết, mọi người mặc đồ đẹp nhất; đội múa mặc quần áo truyền thống của người Assam, búi tóc phía sau và quấn xung quanh tóc hoa lan tím. Có lẽ vì có khá nhiều điểm tương đồng, nên lần đầu tiên ăn Tết ở Việt Nam, tôi cảm thấy sự gần gũi. Tuy nhiên, có một phong tục khiến tôi rất ngạc nhiên (giờ thì đã quen), đó là mừng tuổi bằng tiền. Hầu như cứ có khách đến nhà là trẻ con sẽ được tiền mừng tuổi và tôi thấy bọn trẻ vô cùng vui sướng.

Nhiều năm ở Việt Nam, tôi có tâm trạng mong ngóng được về quê càng sớm càng tốt mỗi dịp Tết để có thể kịp tham gia cùng gia đình gói bánh chưng; để được ra chợ sắm Tết với rất nhiều hoa quả, bánh kẹo, đặc biệt là mua đào, quất và trang trí nhà cửa. Không khí những ngày đó rất vui. Tôi cũng quen với việc sau Giao thừa là cùng cả gia đình đến chùa lấy lộc đầu năm. Sáng mùng 1 Tết thì giữ tâm trạng thật vui vẻ để cả năm đều được vui như vậy. Một số năm, tôi còn có niềm vui bất ngờ khi học trò ở xa đến tận nhà chúc Tết. Đó là quãng thời gian vô cùng tuyệt vời và tôi thấy mình thật may mắn, hạnh phúc khi có Việt Nam là quê hương thứ 2.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ