Người nước ngoài kể chuyện lì xì Tết Việt

Người nước ngoài kể chuyện lì xì Tết Việt

Jun Mo (36 tuổi) người Busan, Hàn Quốc - một chuyên gia tư vấn bất động sản - đã ăn bốn cái Tết Việt Nam. Năm 2017, lần đầu tiên về ăn Tết nhà bạn gái ở Lập Lễ, Thủy Nguyên, Hải Phòng, chàng trai được dặn phải mừng tuổi cho người già và trẻ con. Trước khi lên xe, anh ra ngân hàng rút 30 triệu, tất cả đều là tờ mệnh giá 500.000 đồng. 

"Ngân hàng đưa thế nào tôi cầm thế đấy. Ngày mồng một Tết, tôi mang cả cọc tiền ra mừng, mặt cô ấy biến sắc", Jun Mo cười nói.

Thích trẻ con nên cứ thấy đứa trẻ nào anh cũng rút tiền mừng. "Ở Hàn Quốc cũng có phong tục này nhưng số tiền mừng tăng theo độ tuổi. Lần đó, trẻ nào tôi cũng mừng như nhau", Jun Mo chia sẻ. Riêng người già trong nhà, Jun Mo mừng nhiều gấp đôi.

Khi bạn gái phàn nàn, anh cười bảo: "Cả năm mới về được một lần, mừng tuổi nhiều cho chúng hay ăn chóng lớn". Xong Tết cũng là lúc mấy cọc tiền rút từ ngân hàng của Jun Mo hết sạch. Những năm tiếp theo, để tránh người yêu vung tay quá trán, bạn gái của Jun Mo đổi tiền trước rồi đưa cho bạn trai, đa phần là tờ 50.000 và 100.000 đồng. 

Những đứa trẻ năm trước thấy chú Jun Mo mừng tuổi nhiều nên háo hức, năm sau nhận được 50.000 đồng chúng tiu nghỉu. "Có đứa còn chạy sang bố mẹ hỏi sao năm nay bác không mừng tuổi chúng tờ màu xanh to to, tôi vừa xấu hổ, vừa buồn cười", Jun Mo kể.

Trước đó, Megumi và bạn trai đã bàn nhau việc lì xì cho người thân trong nhà. Bố mẹ sẽ tặng phong bao hình rồng phượng, trong có một triệu đồng, còn em gái là phong bì hình hoa với số tiền ít hơn. Cả hai loại đều màu đỏ. Dù cũng chuẩn bị kỹ nhưng chị Megumi, 27 tuổi, giáo viên tiếng Nhật tại Hà Nội lại rơi vào tình huống dở khóc dở cười khác khi lần đầu cô được mặc áo dài và đón Tết tại nhà bạn trai người Việt Nam hồi năm ngoái.

Đứng trước mặt gia đình người yêu, cô gái quên hết lời dặn dò, đưa cho em gái phong bao hình rồng phượng. Khi người yêu hích tay, cô chợt nhớ ra, xin lại phong bao từ tay em gái rồi ngượng nghịu đưa lại cho mẹ trước sự ngỡ ngàng của hai người. "Cháu xin lỗi, cháu nhầm", cô nói rồi mặt cúi gầm. 

Cả bữa ăn mừng năm mới hôm đó, Megumi không dám nhìn thẳng vào ai, thi thoảng liếc sang mẹ rồi sang em gái người yêu để dò đoán thái độ. 

"Tục lì xì tại Việt Nam là để chúc sức khỏe, sự may mắn. Bởi vậy tôi áy náy khi mình trao nhầm, không biết người nhận có bị sao không?".

Đưa thắc mắc này hỏi người yêu, Megumi nhận được tràng cười. "Em lì xì như vậy là rất đáng quý rồi", anh Long - người yêu của Megumi động viên khiến cô cảm thấy nhẹ nhõm. Tết năm nay cô gái này mua phong bao màu khác nhau, tránh cùng màu đỏ để tránh nhầm lẫn như năm ngoái. 

Đối với bà Blandine, người Pháp có con gái nuôi người Việt, lì xì dịp đầu năm lại thể hiện sự quan tâm tới đứa con xa Tổ quốc.

Lê Thị Hiệp (33 tuổi, sống tại Paris) vốn là trẻ cơ nhỡ trong một cơ sở nhân đạo tại Đà Nẵng và được bà Blandine nhận là mẹ đỡ đầu. Năm thứ hai đại học, Hiệp nhận học bổng sang Pháp. 

Có con nuôi người Việt nên bà Blandine tự tìm hiểu phong tục Tết cổ truyền Việt Nam. Khi Hiệp ở Pháp, hàng năm đến ngày mồng một tết âm lịch, bà lại chuẩn bị sẵn phong bao đỏ, trong đó chứa 10 euro. 

Chị Lê Thị Hiệp và mẹ nuôi người Pháp của mình - bà Blandine. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Chị Lê Thị Hiệp và mẹ nuôi người Pháp của mình - bà Blandine. Ảnh :Nhân vật cung cấp.

"Năm nào tôi cũng đến nhà mẹ Blandine để nhận lì xì và được mẹ cầu chúc may mắn trong năm mới. Với người Pháp, đó là cách họ thể hiện sự quan tâm đến người xa nhà như tôi", chị Hiệp nói.

Nhớ lần đầu nhận chiếc phong bì đỏ từ một người Pháp với lời chúc ngọng nghịu "Chúc mừng năm mới", Hiệp òa khóc. Chị không thể ngờ một người không nói được tiếng Việt, không hiểu nhiều về văn hóa Việt Nam như bà Blandine lại có thể lì xì đầu năm cho mình.

"Mẹ cũng nói rằng số 10 đối với người Việt mang ý nghĩa tuyệt đối, tròn đầy trong học tập. Bà luôn mong tôi đạt được nhiều điểm tuyệt đối như vậy", người phụ nữ 33 tuổi chia sẻ.

Dù đã đi làm nhưng Tết nào Hiệp và con gái cũng nhận được phong bao đỏ từ bà Blandine. Với bà, phong tục này của người Việt mang một ý nghĩa tốt đẹp, giúp cho cả người nhận và người tặng đều cảm thấy hạnh phúc vào những ngày đầu năm mới.

TheoVnexpress

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cán bộ Công an huyện Sóc Sơn (Hà Nội) trả lời thắc mắc của học sinh Trường THCS Thanh Xuân về tác hại của thuốc lá điện tử. Ảnh: TG

Hình thành thói quen 'nói không với thuốc lá'

GD&TĐ - Các nhà trường đã và đang triển khai nhiều giải pháp đa dạng để tuyên truyền về tác hại của khói thuốc, giúp học sinh hình thành thói quen “nói không với thuốc lá”.