Giáo viên tận dụng tối đa thời gian dạy học tại trường

GD&TĐ - Trước diễn biến phúc tạp của dịch bệnh Covid-19, các nhà trường, giáo viên tại Vĩnh Phúc đã chủ động xây dựng chương trình năm học, giáo án và thời khóa biểu để bảo đảm mục tiêu giáo dục của môn học.

Cô và trò Trường Tiểu học Hương Sơn đang tận dụng tối đa khoảng "thời gian vàng"
Cô và trò Trường Tiểu học Hương Sơn đang tận dụng tối đa khoảng "thời gian vàng"

Tăng việc, không giảm nhiệt huyết

Trường THCS Thái Hòa đóng trên địa bàn huyện miền núi Lập Thạch của tỉnh Vĩnh Phúc.

Vĩnh Phúc hiện là “vùng xanh” về dịch Covid-19, song dịch có thể quay trở lại bất cứ lúc nào. Căn cứ vào tình hình thực tế, Trường THCS Thái Hòa đã xây dựng hai “kịch bản” (tình huống) dạy học là dạy học trực tiếp và dạy học trực tuyến.

Trường THCS Thái Hòa cùng các nhà trường tại Vĩnh Phúc tổ chức khai giảng năm học mới bằng hình thức trực tuyến
Trường THCS Thái Hòa cùng các nhà trường tại Vĩnh Phúc tổ chức khai giảng năm học mới bằng hình thức trực tuyến

Đối với tình huống dạy học trực tiếp, để tận dụng thời gian vàng trong lúc này, thực hiện các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của Sở và Phòng GD&ĐT, về mặt chương trình nhà trường đã chỉ đạo thực hiện ưu tiên tăng số tiết cho các môn học cơ bản, chỉ đạo tổ chuyên môn xây dựng các chủ đề dạy học đối với những cụm bài có khả năng tích hợp. Trên cơ sở đó nhà trường xây dựng thời khóa biểu phù hợp với chương trình và tình hình thực tiễn của nhà trường...

Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Sơn – Tổ trưởng Tổ Khoa học xã hội chia sẻ: Thực hiện ý kiến chỉ đạo của nhà trường về chương trình và kế hoạch dạy học, đồng thời căn cứ vào những văn bản hướng dẫn của ngành, là một giáo viên giảng dạy môn Ngữ Văn lớp 9, chúng tôi cũng đã trao đổi trong nhóm/tổ chuyên môn để thống nhất việc thiết kế giáo án, chuẩn bị bài dạy cho phù hợp đảm bảo mục tiêu giáo dục của môn học.

Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Sơn – Tổ trưởng Tổ Khoa học xã hội, Trường THCS Thái Hòa trong giờ lên lớp
Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Sơn – Tổ trưởng Tổ Khoa học xã hội, Trường THCS Thái Hòa trong giờ lên lớp

“Căn cứ vào chương trình môn học và mục tiêu giáo dục, chúng tôi đã thiết kế thành một số chủ đề dạy học. Trong mỗi chủ đề, sẽ được thiết kế theo hướng ưu tiên đảm bảo kiến thức, kĩ năng cơ bản để dạy trực tiếp cho các em khi dạy học trực tiếp.

Các đơn vị kiến thức, kĩ năng khác sẽ hướng dẫn các em vào các thời điểm khác và bằng các hình thức bổ sung qua phần mềm zoom vào buổi chiều hoặc buổi tối, hoặc hướng dẫn học sinh tự học để các em có thể lĩnh hội được đầy đủ và sâu hơn. Với chương trình, giáo án linh hoạt như vậy, thời gian, khối lượng công việc của giáo viên cũng tăng lên. Tuy nhiên, với tâm huyết, trách nhiệm, các thầy, cô giáo đều đồng lòng thực hiện với quyết tâm cao nhất, tất cả vì học sinh thân yêu, vì cộng đồng xã hội”- cô Nguyễn Thị Thanh Sơn chia sẻ thêm.

Linh hoạt và ưu tiên cho lớp 1, 2

Trường tiểu học Hương Sơn đóng trên địa bàn Xã Hương Sơn, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc. Trước đây, người dân trong xã chủ yếu làm nông nghiệp, những năm gần đây, nhờ có các khu công nghiệp nên điều kiện kinh tế của nhân dân tương đối ổn định, có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển công tác giáo dục cả chiều rộng và chiều sâu.

Tập thể giáo viên Trường TH Hương Sơn
Tập thể giáo viên Trường TH Hương Sơn

Trao đổi với Báo GD&TĐ về triển khai nhiệm vụ năm học mới, nhà giáo Nguyễn Quỳnh Liên – Hiệu trưởng Trường TH Hương Sơn cho biết: Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, bước vào năm học 2021-2022, Trường TH Hương Sơn đã xây dựng các phương án dạy học, trong đó có kịch bản cho tình huống xấu nhất là dịch bệnh xảy ra.

Hiện tại Vĩnh Phúc đang là “vùng xanh” nên UBND tỉnh quyết định tổ chức cho học sinh đến trường. Trường TH Hương Sơn xác định được tổ chức dạy học tại trường trong thời gian này là “thời gian vàng” nên nhà trường đã họp bàn, thống nhất trong các tổ chuyên môn tranh thủ tối đa vốn thời gian sẵn có để tổ chức các hoạt động giáo dục sao cho hiệu quả nhất.

Giờ học trực tiếp của cô và trò Trường TH Hương Sơn
Giờ học trực tiếp của cô và trò Trường TH Hương Sơn

Nhà trường chỉ đạo các tổ chuyên môn thực hiện dạy đủ các môn theo quy định, tập trung ưu tiên các môn Toán, Tiếng Việt, tiếng Anh. Các hoạt động giáo dục kĩ năng sống, trải nghiệm, các môn như Khoa học, TNXH trước đây mỗi tuần 2 tiết thì nay tạm dạy 1 tiết. Các môn Thủ công, Kĩ thuật, Âm nhạc, Mĩ thuật đang mỗi tuần 1 tiết thì nay tuần lẻ dạy Thủ công, Kĩ thuật, Âm nhạc còn tuần chẵn dạy Đạo đức, Mĩ thuật. Tùy thuộc vào thực tế bệnh dịch, những nội dung chậm lại chưa dạy này, nhà trường sẽ lên kế hoạch dạy bù, dạy bổ sung sau.

“Riêng với lớp 1 và lớp 2 đang thực hiện dạy theo sách giáo khoa chương trình GDPT 2018, nhà trường chỉ đạo bám sát vào khung chương trình quy định của Bộ. Giáo viên soạn bài, xây dựng kế hoạch bài học đều dựa vào bộ sách hướng dẫn mới của Bộ GD&ĐT. Giáo viên cũng tranh thủ thời gian, thống nhất trong toàn tổ khối để tập trung nhiều hơn cho các môn Toán, Tiếng Việt, tiếng Anh và các hoạt động GD kĩ năng sống” - cô Nguyễn Quỳnh Liên cho biết thêm.

Quá trình triển khai dạy học trực tuyến của những năm học trước, Trường THCS Thái Hòa và Trường TH Hương Sơn đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo và hướng dẫn kịp thời từ các cấp lãnh đạo, chỉ đạo chuyên môn. Các nhà trường chuẩn bị sẵn sàng hệ thống máy chiếu, lắp đặt bổ sung hệ thống mạng. Chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch, thiết kế bài dạy để đảm bảo truyền thụ những kiến thức, kĩ năng cơ bản cho học sinh.

Tuy nhiên, một số em do điều kiện kinh tế của gia đình nên còn gặp khó khăn do thiếu phương tiện, thiết bị học tập. Một số phụ huynh bận công việc đi làm xa, làm công nhân... nên việc quản lí, giám sát, đôn đốc các con học tập chưa được thường xuyên.

Xác định những khó khăn trên, các nhà trường đã có kế hoạch phối hợp chặt chẽ với các bậc phụ huynh; có phương án đề nghị xã, huyện mua sắm hoặc kêu gọi sự ủng hộ của phụ huynh trong trường để những học sinh khó khăn có phương tiện học tập. Trước mắt, những em không có phương tiện có thể học chung với các bạn ở gần nhà, các lớp có nhiều phụ huynh đi làm ban ngày thì có thể tổ chức vào thời gian buổi tối…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bom lượn FAB-3000 của Nga.

Chật vật đối phó bom lượn

GD&TĐ - Bom lượn Nga đang là ám ảnh với hệ thống phòng thủ Ukraine dù lực lượng này đang được trang bị những vũ khí đánh chặn tối tân của phương Tây.