Cụ thể hóa bằng nghị quyết
Nghị quyết số 40 của HĐND tỉnh Vĩnh Phúc (được thông qua ngày 12/7/2019 và có hiệu lực từ ngày 26/7/2019) đã sửa đổi một số nội dung tại khoản 2 Điều 1 Nghị quyết số 53/2017/NQ-HĐND ngày 18/12/2017 quy định chính sách thưởng cho học sinh, sinh viên đạt giải, đỗ thủ khoa và giáo viên có học sinh, sinh viên đạt giải trong các kỳ thi, cuộc thi học sinh giỏi, sinh viên giỏi.
Nghị quyết nhằm khuyến khích phong trào thi đua dạy tốt – học tốt trong các nhà trường; nâng cao chất lượng bồi dưỡng học sinh giỏi, đặc biệt đối với các cuộc thi học sinh giỏi cấp quốc gia, khu vực và quốc tế.
Nghị quyết đi vào cuộc sống, nhận được sự đồng tình, đánh giá cao của cán bộ, giáo viên và nhân dân trong tỉnh.
Theo Nghị quyết số 40, học sinh, sinh viên đạt giải thi học sinh giỏi, sinh viên giỏi các môn học, thi kỹ năng nghề, khoa học kỹ thuật cấp quốc gia, mức thưởng giải Nhất (Vàng) là 40 triệu đồng, giải Nhì (Bạc) là 30 triệu, giải Ba (Đồng) 20 triệu và giải Khuyến khích là 15 triệu đồng.
Mức thưởng học sinh, sinh viên đạt giải thi học sinh giỏi, sinh viên giỏi các môn học, thi kỹ năng nghề, khoa học kỹ thuật cấp khu vực quốc tế, giải Nhất (Vàng) là 200 triệu đồng, giải Nhì (Bạc) 150 triệu, giải Ba (Đồng) 100 triệu và Khuyến khích là 50 triệu đồng.
Học sinh, sinh viên đạt giải thi học sinh giỏi, sinh viên giỏi các môn học, thi kỹ năng nghề, khoa học kỹ thuật cấp quốc tế, giải Nhất (Vàng) là 400 triệu đồng, giải Nhì (Bạc) 300 triệu, giải Ba (Đồng) 200 triệu và Khuyến khích là 150 triệu đồng.
Nghị quyết cũng qui định cụ thể mức thưởng đối với giáo viên trực tiếp dạy học sinh, sinh viên đạt giải tại các kỳ thi, cuộc thi học sinh giỏi, sinh viên giỏi như trên.
Cụ thể, đạt giải cấp quốc gia, cấp khu vực và cấp quốc tế được thưởng bằng 80% mức thưởng tương ứng của học sinh, sinh viên đạt giải. Trường hợp giáo viên có nhiều học sinh, sinh viên đạt giải thì mức thưởng bằng tổng các mức thưởng tương ứng.
Cần quan tâm hơn nữa chính sách đặc thù
Ngoài nghị quyết 40 kể trên, tại kỳ họp thứ 13, HĐND tỉnh Vĩnh Phúc khóa XVI đã thông qua Nghị quyết số 70/2019.
Đối tượng áp dụng của nghị quyết này là cán bộ quản lý, giáo viên dạy môn chuyên, học sinh các lớp chuyên tại Trường THPT Chuyên Vĩnh Phúc; Giáo viên được tuyển dụng về giảng dạy môn chuyên tại Trường THPT Chuyên Vĩnh Phúc;
Chuyên gia, giáo viên được mời giảng dạy, bồi dưỡng đội tuyển của tỉnh tham dự kỳ thi chọn lọc học sinh giỏi quốc gia, khu vực, quốc tế; Học sinh các trường trên địa bàn tỉnh tham gia đội tuyển của tỉnh tham dự các kỳ thi chọn lọc học sinh giỏi quốc gia, khu vực, quốc tế.
Cụ thể, hỗ trợ bằng tiền đối với Hiệu trưởng, các Phó Hiệu trưởng trực tiếp dạy lớp chuyên, giáo viên dạy môn chuyên lớp chuyên tại Trường THPT Chuyên Vĩnh Phúc theo số tiết thực dạy với mức 2,2 triệu đồng chia bình quân quy ra số tiền một tiết dạy của giáo viên/tháng. Thời gian hỗ trợ 9 tháng/năm học.
Chính sách thu hút đối với giáo viên về giảng dạy môn chuyên, đối với giáo viên là viên chức dạy môn chuyên tại các trường THPT Chuyên trên cả nước (không quá 45 tuổi) được tuyển dụng về Trường THPT Chuyên Vĩnh Phúc có cam kết công tác từ 10 năm trở lên; có học sinh đoạt giải khu vực, giải quốc tế thì được hỗ trợ 1 lần với mức 500 triệu đồng, có học sinh đạt giải Nhất quốc gia thì được hỗ trợ một lần với mức 350 triệu đồng.
Đối với giáo viên (không quá 40 tuổi) có một trong các chứng chỉ ngoại ngữ TOEIC, TOEFL, IELTS đạt trình độ tương đương bậc 3 trở lên theo khung năng lực ngoại ngữ Việt Nam thuộc đối tượng: Tốt nghiệp đại học hệ chính qui loại Xuất sắc, loại Giỏi đã đạt từ giải Ba cấp quốc gia trở lên các môn văn hóa, khoa học kỹ thuật, được tuyển dụng vào dạy tại THPT Chuyên Vĩnh Phúc có cam kết công tác từ 10 năm trở lên, được cấp một lần với mức 250 triệu đồng.
Ngoài ra, nghị quyết còn qui định chính sách đối với chuyên gia, giáo viên và học sinh tham gia bồi dưỡng, tập huấn đội tuyển tham dự các kỳ thi chọn học sinh giỏi với số tiền hỗ trợ, thời gian hỗ trợ rất cụ thể.
Tuy nhiên, chính sách đặc thù của Vĩnh Phúc vẫn chỉ dừng ở cấp độ Trường THPT Chuyên Vĩnh Phúc. Đối với cấp THCS, nhất là các trường trọng điểm của huyện, thành phố hiện nay chưa được quan tâm đúng mức. Điều này đặt ra yêu cầu đối với lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc và các nhà quản lý, cần sớm có chính sách cụ thể để phát triển “nguồn nhân tài” một cách bền vững.
Trường THCS Vĩnh Yên là trường chất lượng cao của thành phố Vĩnh Yên. Liên tục trong những năm qua, trường là “cái nôi” đào tạo nguồn học sinh chất lượng cao cho Trường THPT Chuyên Vĩnh Phúc. Thế nhưng, theo bà Kim Thị Minh Vĩ – Hiệu trưởng nhà trường, hiện nay chưa có chính sách đãi ngộ đối với giáo viên và nhà trường.
Bà Kim Thị Minh Vĩ đề xuất: Chúng tôi đặc biệt chú ý tới 3 từ khóa trọng tâm là “cơ chế - đội ngũ và sự đồng bộ”.
Cụ thể, về vấn đề tuyển sinh, nếu các trường THCS như Yên Lạc, Vĩnh Tường được tuyển học sinh khá giỏi từ 25 đến 30 trường trong toàn huyện thì chúng tôi chỉ tuyển trong 12 trường. Như vậy, đầu vào hạn hẹp hơn rất nhiều so với huyện bạn. Đây cũng là khó khăn trong sự chuẩn bị chất lượng cho đầu ra.
Trường THCS Vĩnh Yên hiện còn thiếu 12 giáo viên, một cán bộ quản lý, 4 nhân viên - thuộc loại thiếu nhân lực nhất trong các trường của thành phố - nên số giờ dạy của giáo viên đã vượt quá qui định rất nhiều. Giáo viên khó dành thời gian và huy động chất xám cho mỗi giờ dạy nhất là các tiết dạy bồi dưỡng học sinh giỏi và ôn tập cho đầu ra.
“Mặc dù chúng tôi đã đề xuất nhiều năm nay nhưng các chế độ đãi ngộ để động viên, khích lệ, kịp thời cho thầy và trò nhà trường đến nay vẫn chưa có gì thay đổi. Nếu có các điều kiện cần và đủ như trên trường chúng tôi sẽ bảo vệ, xây dựng và phát triển hơn nữa thương hiệu đang có, đáp ứng được sự kì vọng của lãnh đạo thành phố và sự hài lòng của cha mẹ học sinh”, bà Vĩ thẳng thắn trao đổi.
Nhờ những chính sách về mức thưởng, hỗ trợ, thu hút đặc thù…, chất lượng giáo dục mũi nhọn của Vĩnh Phúc liên tục được nâng lên.
Trong năm 2020, Vĩnh Phúc có 81/90 học sinh đoạt giải trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia các môn văn hóa (đạt tỷ lệ 90% - tỷ lệ cao nhất từ trước đến nay và cao nhất cả nước). 2 học sinh được vào đội tuyển quốc gia dự thi Olympic quốc tế và khu vực ở môn Toán và Tin học. Trong đó, em Chu Thị Thanh đạt Huy chương Đồng Olympic Toán quốc tế.
Năm học 2020-2021, với 82 giải tại kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT, Vĩnh Phúc tiếp tục dẫn đầu cả nước về tỷ lệ học sinh đạt giải (82/92 thí sinh, đạt tỷ lệ 89,1%). Bên cạnh đó, với 11 giải Nhất, Vĩnh Phúc và Hà Nội cùng đứng vị trí số 1 cả nước về số lượng giải Nhất. Cũng trong năm học này, Vĩnh Phúc có 2 học sinh đạt giải tại kì thi Olympic Toán và Sinh học quốc tế.