Ngày 17/9, Phòng GD-ĐT quận Ba Đình (TP. Hà Nội) triển khai 2 tiết chuyên đề Tiếng Việt lớp 5 - Chương trình GDPT 2018 tại Trường Tiểu học Kim Đồng. Năm học này, bậc Tiểu học thực hiện thay sách giáo khoa (SKG) lớp 5, ngày đầu tháng 8, trước khi năm học bắt đầu, Sở GD - ĐT Hà Nội, Phòng GD-ĐT quận Ba Đình đã chỉ đạo việc bồi dưỡng chuyên môn cho đội ngũ giáo viên nhằm mang lại cho các thầy cô sự chủ động, sáng tạo, đáp ứng kịp thời những đổi mới của chương trình.
Tới tham dự buổi chuyên đề có PGS.TS Trần Thị Hiền Lương, chủ biên bộ sách Tiếng Việt Kết Nối Tri thức, bà Phạm Ngọc Lan, Phó trưởng phòng GD-ĐT quận Ba Đình và đại diện Ban Giám hiệu, giáo viên khối 5 các trường tiểu học trên địa bàn quận Ba Đình.
Hai tiết chuyên đề do giáo viên của Trường Tiểu học Kim Đồng và Trường Tiểu học Hoàng Diệu thực hiện đã thể hiện rõ tinh thần đổi mới của bộ sách Kết nối tri thức và sự sáng tạo của đội ngũ giáo viên tổ 5 của hai nhà trường. Mục tiêu giảng dạy “Lấy học sinh làm trung tâm” như sợi chỉ đỏ xuyên suốt, giúp những tiết học diễn ra vui vẻ, sôi nổi, học sinh chủ động, hào hứng tham gia tiếp nhận kiến thức một cách tích cực nhất.
Truyền cảm hứng qua những bài văn hay
Tiết Tiếng Việt Viết do cô Bùi Bích Phượng - giáo viên Trường Tiểu học Kim Đồng thực hiện với bài “Tìm hiểu cách viết bài văn tả phong cảnh”. Dưới sự hướng dẫn của cô, học sinh đã được chủ động tìm hiểu, thảo luận nhóm, trao đổi về những kiến thức, kĩ năng để viết một bài văn tả phong cảnh hay và sinh động.
Cô Bùi Bích Phượng đã vận dụng nhiều phương pháp dạy học tích cực để khai thác nội dung bài học sâu và chắc. Đặc biệt, dưới sự dẫn dắt khéo léo của cô, các em học sinh thêm tự tin, sáng tạo trong việc tiếp thu kiến thức, làm việc nhóm và chia sẻ ý kiến trước lớp. Bên cạnh đó, những hình ảnh, đoạn phim đẹp mắt trong bài còn giúp học sinh cảm nhận cái hay, cái đẹp trong cách miêu tả của mỗi nhà văn. Từ đó hiểu và vận dụng tả phong cảnh theo trình tự không gian, thời gian qua trò chơi “Thử tài đoán cảnh”, nhiều học sinh miêu tả sinh động, diễn đạt tốt, tương tác với tập thể đầy hào hứng qua tiết học của cô giáo.
Cuối tiết học, cô Bùi Bích Phượng còn lan tỏa niềm yêu thích văn học qua việc giới thiệu tới các em học sinh cuốn sách “bay giữa mùa hoa” và cuốn sách “câu hỏi trẻ thơ” của tác giả Lê Phương Liên. "Rõ ràng, việc đọc những cuốn sách hay sẽ giúp các em học sinh nuôi dưỡng niềm yêu thích với bộ môn Tiếng Việt, phát triển, mở rộng khả năng ngôn ngữ nói và viết trong nhà trường và trong cuộc sống...", - một giáo viên dự chia sẻ.
Tạo hứng thú, sự chủ động tích cực cho học sinh
Sang tiết luyện từ và câu “Luyện tập về đại từ” của cô Bùi Thị Thanh Mai, giáo viên Trường Tiểu học Hoàng Diệu lại là một ví dụ minh họa rất mộc mạc, gần gũi, thiết thực với mỗi tiết học vẫn diễn ra hàng ngày. Mở đầu, cô và trò đã khởi động bằng một bài hát bí ẩn được ứng dụng AI sáng tác nhạc để gợi ra câu chuyện về hai nhân vật đồng hành được các bạn nhỏ yêu thích: thám tử Sherlock Home và người cộng sự bác sĩ Watson. Dưới sự dẫn dắt của hai nhân vật đặc biệt và cô giáo, học sinh nhận biết được cách sử dụng ba nhóm đại từ: đại từ xưng hô, đại từ nghi vấn, đại từ thay thế. Các em cũng phân biệt được nhóm danh từ thường được dùng để xưng hô trong đối thoại.
Trong giờ học, cô Bùi Thị Thanh Mai đã phối hợp nhiều phương pháp dạy học tích cực: Hỏi - đáp, làm việc nhóm, thực hành, trò chơi… sử dụng thành thạo các kĩ thuật dạy học một cách hợp lí trong từng hoạt động khiến cho tiết học trở nên vui tươi, gần gũi và dễ hiểu. Sự dẫn dắt hợp lí, lời giảng tự nhiên, khúc chiết, rõ ràng của cô giáo cũng đã đơn giản hóa những khái niệm phức tạp, giúp các em học sinh hiểu và vận dụng tốt những kiến thức đã học về đại từ thông qua trò chơi “Từ khóa bí ẩn”.
Đại diện Phòng GD-ĐT quận Ba Đình đánh giá, hai tiết chuyên đề Tiếng Việt với sự dẫn dắt đầy sáng tạo của giáo viên đã khiến cho học sinh cả hai lớp học tập một cách sôi nổi, chủ động, tích cực và hoàn thành tốt mục tiêu bài học. "Thông qua hai tiết học này, các em học sinh đều được phát triển thêm khả năng sử dụng ngôn ngữ Tiếng Việt trong giao tiếp, hợp tác, năng lực giải quyết vấn đề của học sinh cũng nhờ đó mà được rèn luyện và phát triển hơn..." - vị đại diện nói.
Qua chia sẻ, cả hai cô giáo Bùi Bích Phượng và Bùi Thị Thanh Mai cho biết, nhờ sự bồi dưỡng chuyên môn thường xuyên và tập huấn “Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong dạy học” mà Phòng GD-ĐT Quận Ba Đình tổ chức vào ngày 8/8 vừa qua đã giúp giáo viên tự tin, tự chủ hơn trong chuyên môn và sử dụng thành thạo công nghệ, ứng dụng hiệu quả vào dạy học, tạo nên những tiết học sinh động, hấp dẫn thu hút học sinh hơn.
PGS.TS Trần Thị Hiền Lương, chủ biên bộ sách Tiếng Việt Kết nối Tri thức đánh giá rất cao hai tiết dạy về tinh thần mạnh dạn đổi mới, sự sáng tạo phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, đặc biệt là lan tỏa tinh thần đổi mới của Chương trình GDPT 2018.
PGS.TS Trần Thị Hiền Lương cũng tập huấn Chương trình GDPT 2018, SGK Tiếng Việt lớp 5 cho giáo viên khối 5 toàn quận Ba Đình. Buổi tập huấn rất trực quan, sinh động, cụ thể khi các giáo viên cũng đóng vai học sinh để trả lời các tình huống sư phạm, học tập các phân môn (đọc, viết, luyện từ và câu). Dưới sự dẫn dắt của PGS.TS Trần Thị Hiền Lương, giáo viên khối 5 đã hiểu rõ hơn được sự đổi mới trong chương trình cũng như phương pháp dạy học hiệu quả hơn cho các học sinh thân yêu của mình.