Giáo viên phải thực hiện tốt nhận xét trên bài làm học sinh

GD&TĐ - Khi chấm bài kiểm tra viết, giáo viên phải thực hiện tốt phần đánh giá, nhận xét trên bài làm của học sinh.

Giáo viên phải thực hiện tốt nhận xét trên bài làm học sinh

Việc nhận xét cần chú trọng tính động viên, khuyến khích sự cố gắng, biểu dương sự tiến bộ của học sinh.

Đây là một yêu cầu về đổi mới kiểm tra đánh giá trong dạy học các môn Lịch sử, Địa lý, Giáo dục Công dân (GDCD) cấp THCS và THPT của Sở GD&ĐT Bến Tre.

Thực hiện đổi mới kiểm tra, đánh giá, Sở GD&ĐT cũng yêu cầu thực hiện nghiêm túc việc kiểm tra, đánh giá đúng quy chế ở tất cả các khâu ra đề, coi chấm và nhận xét, đánh giá học sinh trong việc thi, kiểm tra; đảm bảo thực chất, khách quan, công bằng, đánh giá đúng năng lực, sự tiến bộ của học sinh.

Kết hợp tốt giữa đánh giá thường xuyên và đánh giá quá trình học tập; đánh giá bằng cho điểm và nhận xét sự tiến bộ của học sinh. Chú ý hướng dẫn học sinh đánh giá lẫn nhau và biết tự đánh giá năng lực của mình.

Xây dựng đề kiểm tra cuối học kỳ, cuối năm học theo ma trận. Đề kiểm tra theo 4 mức độ yêu cầu: nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Việc xác định tỷ lệ câu hỏi theo 4 mức độ tuỳ thuộc vào đối tượng học sinh.

Kết hợp một cách hợp lý câu hỏi trắc nghiệm khách quan và trắc nghiệm tự luận. Nâng cao yêu cầu vận dụng kiến thức vào thực tiễn, tăng cường ra các câu hỏi mở, gắn với thời sự quê hương, đất nước để học sinh được bày tỏ chính kiến cùa mình về các vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội.

Coi trọng việc kiểm tra, đánh giá kiến thức, kỹ năng gắn với nội dung lịch sử, địa lý địa phương...

Tiếp tục xây dựng “Nguồn học liệu mở” gồm: ngân hàng đề kiểm tra, đề thi biên soạn theo ma trận, kế hoạch bài dạy, hệ thống các câu hỏi theo định hướng phát triển năng lực, gắn liền với thực tiễn,... đăng tải trên website của đơn vị để làm tư liệu tham khảo cho giáo viên và học sinh trong qúa trình giảng dạy và học tập.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ