Có thể khắc phục một số khó khăn khi thực hiện chương trình mới

GD&TĐ - Phân tích, nhận định về dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, bà Phạm Thị Huệ - Phó trưởng phòng Giáo dục Trung học (Sở GD&ĐT Nam Định) - bên cạnh việc khẳng định những điểm mới nổi bật dự thảo, đồng thời đưa ra những giải pháp khắc phục một số khó khăn khi chương trình mới triển khai trong thực tiễn.

Có thể khắc phục một số khó khăn khi thực hiện chương trình mới

4 điểm mới nổi bật

Điểm mới đầu tiên trong dự thảo, theo bà Phạm Thị Huệ, đó là kế hoạch giáo dục của chương trình giáo dục phổ thông mới chia làm 2 giai đoạn:

Giai đoạn giáo dục cơ bản từ lớp 1 đến lớp 9 (9 năm) gồm Tiểu học và THCS, nhằm trang bị cho học sinh (HS) tri thức, kĩ năng nền tảng; hình thành phát triển các phẩm chất chủ yếu và năng lực cốt lõi; chuẩn bị tâm thế cho việc thích ứng với những thay đổi nhanh chóng nhiều mặt của xã hội tương lai; đáp ứng yêu cầu phân luồng sau THCS theo các hướng: học lên THPT học nghề hoặc tham gia cuộc sống lao động và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (3 năm từ lớp 10 đến lớp 12) nhằm phát triển năng lực theo sở trường, nguyện vọng của từng HS, đảmbảo HS tiếp cận nghề nghiệp, chuẩn bị cho giai đoạn sau giáo dục phổ thông có chất lượng hoặc tham gia cuộc sống lao động.

Điểm mới thứ hai: Hệ thống các môn học gồm các môn học bắt buộc (là môn học mà mọi HS đều phải học), môn học bắt buộc có phân hoá (là môn học mà nội dung được thiết kế thành các chủ đề hoặc học phần (mô-đun: là bộ phận cấu thành môn học, được thiết kế thành một chỉnh thể tương đối độc lập với các bộ phận khác), môn học tự chọn (là môn học không bắt buộc, được HS tự nguyện lựa chọn phù hợp với nguyện vọng sở trường và định hướng nghề nghiệp của HS) và môn học tự chọn bắt buộc (là môn học mà HS bắt buộc phải lựa chọn trong số các môn học định hướng nghề nghiệp ở lớp 11, 12 theo quy định của chương trình giáo dục phổ thông).

Điểm mới thứ ba: Một số môn học có tên mới và một số môn mới, hoạt động giáo dục mới (theo hướng tích hợp, liên môn và định hướng nghề nghiệp cho HS), cụ thể:

THCS: Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lí, Công nghệ và hướng nghiệp, Nghệ thuật, Hoạt động trải nghiệm sáng tạo, Nội dung giáo dục địa phương.

THPT: Giáo dục kinh tế và pháp luật, Thiết kế và Công nghệ, Hoạt động nghệ thuật, Tiếng dân tộc thiểu số, Khoa học máy tính, Tin học ứng dụng, Thiết kế và công nghệ, Mỹ thuật, Âm nhạc, Chuyên đề học tập, Nội dung giáo dục địa phương.

Điểm mới thứ tư: Kết quả giáo dục được đánh giá bằng các hình thức định tính và định lượng thông qua đánh giá thường xuyên, định kì ở cơ sở giáo dục, các kì đánh giá trên diện rộng ở cấp quốc gia, cấp địa phương (do tổ chức kiểm định chất lượng cấp quốc gia hoặc cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức) và các kỳ đánh giá quốc tế. HS hoàn thành các môn học, tích luỹ đủ kết quả đánh giá theo quy định của Bộ được cấp bằng tốt nghiệp THPT (không tổ chức một kì thi chung như hiện nay).

Một số khó khăn và định hướng tháo gỡ

Khó khăn đầu tiên, theo bà Phạm Thị Huệ là về đội ngũ giáo viên (GV). Theo đó, GV đơn môn thừa (GV môn Lịch sử, Địa lí cấp THCS), GV tích hợp chưa có (môn KHTN cấp THCS…). Với các môn học như môn Âm nhạc, Mỹ thuật lớp 11,12 sẽ thiếu GV.

Để khắc phục khó khăn này, bà Phạm Thị Huệ cho rằng, cần phát huy quyền tự chủ tự quyết của các cơ sở giáo dục và các địa phương trong việc xây dựng quy hoạch tổng thể về đội ngũ giáo viên, có kế hoạch ngắn hạn, dài hạn về đào tạo lại, đào tạo bổ sung cho đội ngũ, giảm thiểu tối đa việc thừa GV đơn môn, thiếu GV tích hợp.

Tăng cường bồi dưỡng thường xuyên, tập huấn ngắn hạn của Bộ GD&ĐT, Sở về các nghiệp vụ chuyên môn cho GV. Tăng cường học trực tuyến, bồi dưỡng tại chỗ,…Tăng cường đổi mới công tác quản lí chuyên môn tại các nhà trường, đổi mới đánh giá GV qua hiệu quả các tiết dạy, qua tổ chức các hoạt động giáo dục khác. Tăng cường liên kết các trường trung học với các trường CĐ, trung cấp nghề, ĐH, Vụ, Viện, các trung tâm ngoại ngữ,… trong việc mời giáo viên thỉnh giảng cho HS và tổ chức các hoạt động giáo dục.

Nâng cao năng lực quản lí của đội ngũ cán bộ để thích ứng kịp thời với tính mở và định hướng nghề nghiệp của chương trình giáo dục phổ thông mới. Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển năng lực; tăng cường dạy học tích hợp liên môn…

Khó khăn thứ hai là về cơ sở vật chất (phòng học, thiết bị dạy học…): do có nhiều môn mới, nhiều môn học tự chọn, tự chọn bắt buộc, cần nhiều không gian riêng cho các nhóm HS theo sở thích, nguyện vọng…

Với khó khăn này, bà Phạm Thị Huệ cho rằng, cần tận dụng tối đa CSVC của nhà trường, linh hoạt sáng tạo trong sử dụng, phân bố các phòng học; quán triệt nguyên tắc: tận dụng tối đa tài nguyên hiện có; xây dựng kế hoạch trang bị thêm thiết bị tối thiểu cho những môn học mới; sử dụng tiết kiệm, hiệu quả; phát huy ứng dụng CNTT hiệu quả; tích cực tự làm đồ dùng dạy học…

Khó khăn thứ 3 là trong tổ chức dạy học các môn tự chọn. Theo đó, với các môn tự chọn và tự chọn bắt buộc, nếu số lượng HS tự chọn quá ít (khoảng dưới 10 HS) việc tổ chức lớp học, phân công GV khó khăn.

Khó khăn này có thể khắc phục bằng cách tăng cường liên kết các trường trong cụm huyện/TP, tổ chức học tự chọn liên trường; tăng cường công tác quản lí, ứng dụng hiệu quả các phần mềm quản lí điểm, xếp thời khoá biểu,… đăng kí môn tự chọn online,…

"Một khó khăn nữa là trong tổ chức hoạt động trải nghiệm sáng tạo (vấn đề kinh phí và an toàn). Chúng ta có thể khắc phục bằng làm tốt công tác truyền thông, xã hội hoá, kết hợp giáo dục nhà trường, giáo dục gia đình và giáo dục xã hội; tăng cường đưa hoạt động trải nghiệm sáng tạo về địa phương dưới sự hướng dẫn của GV và sự hợp tác cộng đồng trách nhiệm của cha mẹ, các tổ chức cá nhân, các doanh nghiệp địa phương,…Tiếp tục đổi mới phương pháp dạy học các môn theo hướng phát triển năng lực, giúp HS trang bị kiến thức kĩ năng cơ bản vững chắc để dễ dàng tham gia các hình thức Hoạt động trải nghiệm sáng tạo.

Về khó khăn trong dạy học nội dung giáo dục địa phương (về tài liệu,…), cần tiếp tục tăng cường phối hợp các Sở, ngành, ban liên quan các cấp trong công tác xây dựng biên soạn, thẩm định nội dung giáo dục địa phương" - Bà Phạm Thị Huệ nêu quan điểm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ