Giáo viên nhận xét phần nghị luận văn học gây bất ngờ thú vị

GD&TĐ - Sau khi kết thúc buổi thi môn Ngữ văn vào buổi sáng 6/7, nhiều giáo viên ở Thanh Hóa nhận xét đề thi môn này có phần bất ngờ, thú vị và phân hóa đối với học sinh.

Thí sinh ở Thanh Hóa thoải mái sau khi kết thúc môn thi Ngữ văn.
Thí sinh ở Thanh Hóa thoải mái sau khi kết thúc môn thi Ngữ văn.

Đề Văn thú vị, phù hợp với học sinh

Kết thúc môn thi, thầy Lê Hồng Phong, Tổ trưởng bộ môn Ngữ văn, Trường THPT Hàm Rồng (TP Thanh Hóa), cho rằng: "Phần Nghị luận Văn học trong đề thi môn Ngữ văn năm nay thực sự gây một bất ngờ thú vị đối với tất cả người học và một bộ phận người dạy.

Tác phẩm “Chiếc thuyền ngoài xa” của Nguyễn Minh Châu là một tác phẩm hay. Từ năm 2014 đến nay, tác phẩm đã đi vào đề thi Quốc gia trước đây và tốt nghiệp những năm gần đây 3 lần.

8 năm và 3 lần thi vô tình thách thức với những học sinh, thậm chí cả giáo viên luyện thi khi rơi vào tâm lý loại trừ, chủ quan, xem nhẹ. Vì vậy, tôi nghĩ rằng, trong năm nay trường hợp học sinh “lệch tủ”, “tủ đè” là khó tránh khỏi".

Cũng theo thầy Phong, câu Nghị luận văn học năm nay yêu cầu học sinh cảm nhận một đoạn văn trong tác phẩm “Chiếc thuyền ngoài xa”, đoạn phát hiện thứ nhất của người nghệ sĩ Phùng. Có thể nói đó là một yêu cầu khá đơn giản, học sinh dễ viết, song sẽ khó viết dài.

"Vế liên hệ thuộc phần nâng cao, phân hóa đối với học sinh khá giỏi, yêu cầu học sinh liên hệ hình ảnh chiếc trong đoạn trích và hình ảnh chiếc thuyền đang chống chọi giữa phá trong truyện, từ đó nhận xét về mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc sống. Vế sau này hơi khác với đề minh họa của Bộ GD&ĐT. Học sinh phải đọc kỹ và có năng lực văn chương mới hoàn thành tốt được.

Tóm lại, đề thi Ngữ văn năm nay tương đối vừa sức với học sinh. Một đề thi an toàn, phù hợp với tình hình dịch bệnh hiện nay", thầy Phong nhận định.

Thầy giáo Lê Hồng Phong

Thầy giáo Lê Hồng Phong

Cô giáo Lê Thanh, Tổ trưởng tổ Văn Trường THPT Quảng Xương 1, huyện Quảng Xương (Thanh Hóa), nói: “Đề thi môn Văn năm nay ra đúng cấu trúc, không thách thức, đánh đố học sinh. Phần đọc hiểu và nghị luận xã hội, chọn bài thơ có ý nghĩa giáo dục sâu sắc, đánh thức được ý thức, trách nhiệm của thế hệ trẻ khi mà cuộc sống hiện đại mang đến sự hưởng thụ nhiều hơn.

Cách hỏi kiểm tra được kiến thức trong nhà trường nhưng vẫn khơi dậy được những điều sâu kín, tạo điều kiện cho học sinh bộc lộ suy nghĩ của cá nhân mình".

Cũng theo cô Lê Thanh, đối với phần văn học dạng đề đúng mẫu, nhưng có sự nâng cao và sáng tạo hơn, bắt buộc người học phải nắm toàn bộ nội dung tác phẩm, không hời hợt. "Tuy nhiên, sẽ khó với học sinh khi mà cách hỏi này chưa được đề cập đến từ trước đến nay”, cô Lê Thanh cho biết.

Đề Văn có sự phân hóa học sinh

Còn cô giáo Lê Thị Luyến, Tổ trưởng bộ môn Ngữ văn, Trường THPT Quan Sơn (Thanh Hóa) cho rằng, cấu trúc đề thi quen thuộc như những năm trước. Cấu trúc gồm 2 phần: phần Đọc hiểu (3 điểm), phần Làm văn (7 điểm) với 2 câu: câu nghị luận xã hội (2 điểm) và câu nghị luận văn học (5 điểm). Đây là cấu trúc ổn định trong những năm gần đây, học sinh đã rất quen thuộc với cấu trúc này, nên sẽ không cảm thấy bỡ ngỡ.

“Đề thi năm nay rất vừa sức với học sinh vùng miền núi. Cụ thể trong phần Đọc hiểu, những câu hỏi ở mức độ nhận biết, thông hiểu, chủ yếu kiểm tra kiến thức cơ bản. Học sinh chỉ cần đọc kỹ ngữ liệu, là có thể dễ dàng trả lời và đạt điểm tuyệt đối của phần này. Câu 4 (mức độ vận dụng), thì đòi hỏi học sinh phải suy ngẫm và có tư duy khái quát mới làm tốt được", cô Luyến nói.

Cô giáo Lê Thị Luyến và học trò thân yêu của mình.

Cô giáo Lê Thị Luyến và học trò thân yêu của mình.

Về phần Làm văn, cô Luyến đánh giá: “Ở câu 1, phần nghị luận xã hội yêu cầu viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về “trách nhiệm của thế hệ trẻ trong việc tiếp bước các thế hệ đi trước”. Câu này cũng được đưa ra ở mức độ bình thường, đơn giản, không làm khó được học sinh.

Tuy nhiên, với câu 2 là câu nghị luận văn học, thì học sinh vùng miền núi, vùng cao, biên giới lại gặp khó khăn với câu lệnh thứ 2. Câu lệnh thứ 2 yêu cầu học sinh liên hệ hình ảnh chiếc thuyền trong đoạn trích với hình ảnh chiếc thuyền đang chống chọi với sóng gió giữa phá được miêu tả trong truyện, để rút ra thông điệp về mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc đời.

Đây là lệnh đề mang tính phân loại, yêu cầu học sinh phải đọc kỹ tác phẩm, hiểu sâu sắc về nội dung, tư tưởng của toàn tác phẩm, thì mới có thể rút ra được thông điệp về mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc đời. Học sinh trường THPT Quan Sơn rất ít em làm được câu lệnh thứ 2 này. Nhìn chung, đề thi Ngữ văn năm 2022 đảm bảo mức độ phân hóa học sinh”, cô Luyến cho hay.

Thông tin từ Sở GD&ĐT Thanh Hóa cho biết, kết thúc buổi thi đầu tiên, tại 74 điểm thi trong toàn tỉnh có 165 thí sinh vắng thi. Không có thí sinh và cán bộ coi thi vi phạm quy chế thi. Tỷ lệ thí sinh tham dự môn thi Ngữ Văn đạt 99,56%. Toàn tỉnh kích hoạt 1 phòng thi dự phòng tại điểm thi Trường THPT Hậu Lộc I (Hậu Lộc) cho 1 thí sinh liên quan đến dịch bệnh Covid-19 dự thi.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, tỉnh Thanh Hóa có 37.867 TS đăng ký dự thi. Buổi thi môn Ngữ văn có 37.101 TS đăng ký dự thi. Sáng nay, có 36.936 TS dự thi môn Ngữ Văn (đạt 99.56%).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ