Bài thi ngoại ngữ, bài thi cuối cùng trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 có thời gian làm bài 60 phút theo hình thức trắc nghiệm.
Nhấn F5 để cập nhật nội dung mới nhất
Đề Tiếng Anh phân hóa rõ nét
Cô Trịnh Thị Kim Dung - giáo viên Tiếng Anh, Trường THPT Ban Mai, Hà Đông, Hà Nội - nhận định: Đề thi tốt nghiệp THPT môn Tiếng Anh đảm bảo cấu trúc 50 câu, kiến thức bám sát chương trình học lớp 12 và bám sát đề minh họa môn Tiếng Anh của Bộ GD&ĐT.
Đề phân hóa rõ nét, tương đương 50% nhận biết – 25% thông hiểu – 15 % vận dụng -10% vận dụng cao.
Cô Trịnh Thị Kim Dung - giáo viên Tiếng Anh, Trường THPT Ban Mai. |
Trong đó, các câu hỏi ở mức độ nhận biết chủ yếu nằm ở phần Ngữ âm (nguyên âm, phụ âm, động từ 2 âm tiết, tính từ 3 âm tiết), Từ vựng và Ngữ pháp (So sánh hơn, Câu hỏi đuôi, Thì của động từ, Từ loại,...).
Ngoài ra, các câu hỏi ở mức độ thông hiểu thường trải đều ở các bài đọc hiểu (hiểu ý chính của đoạn, đoán nghĩa của đại từ), bài đọc điền từ (dùng đại từ quan hệ, liên từ), sửa lỗi sai (phát hiện lỗi dùng sai thì hoặc tính từ sở hữu), viết lại câu (chuyển câu trực tiếp – gián tiếp, chuyển câu từ thì hiện tại hoàn thành sang quá khứ đơn).
Các câu hỏi ở mức độ thông hiểu chủ yếu kiểm tra về từ vựng (từ đồng nghĩa – trái nghĩa), 2 câu về chức năng giao tiếp, 3 câu trong bài đọc điền từ (kiểm tra về từ vựng, lượng từ và từ nối).
Câu hỏi ở mức độ vận dụng hiện diện ở bài viết tìm câu đồng nghĩa, một số câu hỏi trong bài đọc hiểu, câu đảo ngữ (trong bài viết lại câu).
Câu hỏi ở mức độ vận dụng cao trong đề thi là câu hỏi về idiom (thành ngữ), phrasal verb (cụm động từ), lỗi dùng từ sai (trong bài sửa lỗi sai), câu hỏi suy luận, chọn tiêu đề đúng trong bài đọc hiểu.
Dự kiến, điểm thi môn Tiếng Anh trong kì thi THPT Quốc gia năm nay có thể giảm so với năm học trước. Phổ điểm 6.0 – 7.0 là nhiều và tỷ lệ điểm trên 9 sẽ ít hơn vì độ phân hóa của đề khá tốt.
Hiếu Nguyễn
Đề Tiếng Anh sẽ không có 'mưa' điểm 9, 10
Nhận định đề thi Tiếng Anh kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, cô Đặng Thị Phượng - Phenikaa School cho biết: Đề thi gồm 50 câu trắc nghiệm thuộc các dạng bài tương tự như đề thi tham khảo. Các kiến thức từ vựng, ngữ âm, ngữ pháp chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12 và chủ đề của các bài đọc hiểu khá quen thuộc với thí sinh.
Cô Đặng Thị Phượng - Phenikaa School.
Nội dung đề thi gồm 8 dạng bài quen thuộc: Ngữ âm; tìm lỗi sai; hoàn thành câu; chức năng giao tiếp; từ đồng nghĩa - trái nghĩa, tìm câu đồng nghĩa, nối câu; hoàn thành đoạn văn; đọc hiểu.
Đề thi không xuất hiện các dạng câu hỏi lạ. Tỷ lệ mức độ câu hỏi gồm 80% ở mức nhận biết – thông hiểu và 20% vận dụng – vận dụng cao.
Ngoài 1 bài đọc hiểu để phân loại học sinh, các câu hỏi khó còn nằm rải rác ở các dạng bài, nghĩa là mỗi một dạng bài đều có thể xuất hiện câu hỏi khó và thường là những câu kiểm tra về từ vựng.
Phân tích từng dạng bài, cô Đặng Thị Phượng cho biết: Về ngữ âm, dạng bài này kiểm tra cách phát âm/đánh dấu trọng âm của các từ quen thuộc xuất hiện trong sách giáo khoa.
2 câu hỏi về phát âm: 1 câu kiểm tra cách phát âm về nguyên âm và 1 câu về cách phát âm phụ âm.
2 câu hỏi về trọng âm kiểm tra cách đánh dấu trọng âm của từ có 2 và 3 âm tiết.
4 câu hỏi về phát âm – trọng âm không gây khó khăn cho học sinh, học sinh chỉ cần nắm chắc các quy tắc ngữ âm cơ bản có thể làm nhanh và chính xác.
Câu hỏi tìm từ đồng nghĩa – trái nghĩa kiểm tra các từ quen thuộc trong chương trình Tiếng Anh THPT, có 1 câu hỏi về cụm từ khó học sinh có thể dựa vào ngữ cảnh để đoán.
Hoàn thành câu: Tỷ lệ số câu hỏi ngữ pháp và từ vựng là 10/5. Các kiến thức ngữ pháp nằm trong chương trình lớp 12 xuất hiện trong đề thi là: câu hỏi đuôi, V+ to V, kết hợp các thì, so sánh hơn, adj+ to V, mạo từ, thể bị động.
Các câu hỏi ở các chuyên đề này cũng không gây khó khăn cho học sinh vì chỉ ở mức độ dễ và trung bình.
Riêng câu 8 mã đề 416 hỏi về phân từ hoàn thành (Perfect Gerund) ở mức độ tương đối khó, có thể phân loại học sinh.
Từ vựng được kiểm tra về từ loại, cụm từ cố định, thành ngữ, từ vựng nâng cao. Có 2 câu kiểm tra về thành ngữ và từ vựng nâng cao ở cấp độ khó. Việc lựa chọn từ sao cho đúng với ngữ cảnh của câu lại khiến các bạn học sinh cảm thấy khó khăn vì một từ hoặc cụm từ lại có rất nhiều nghĩa hoặc có những từ mà không phải cứ đúng nghĩa cơ bản là có thể chọn được luôn. Đây là phần để phân loại học sinh, yêu cầu học sinh phải có vốn từ rộng, học sâu và chi tiết thì mới có thể xử lý được.
Chức năng giao tiếp: Tình huống giao tiếp khá quen thuộc và rất đơn giản, đây là phần gỡ điểm cho học sinh.
Tìm câu đồng nghĩa – Nối câu: Dạng bài Tìm câu đồng nghĩa kiểm tra khả năng vận dụng các kiến thức ngữ pháp quen thuộc như câu trực tiếp - gián tiếp, đổi sang cấu trúc tương đương, chuyển đổi câu dùng thì quá khứ đơn và hiện tại hoàn thành. Những câu hỏi ở phần này ở mức độ trung bình, học sinh hoàn toàn có thể đạt điểm tối đa.
Dạng bài Nối câu: Sử dụng câu điều kiện loại 3 và đảo ngữ Barely … when để nối câu. Trong phần này cũng không gây khó khăn cho học sinh, chỉ cần đọc kỹ là có thể làm được.
Tìm lỗi sai: Đề thi có 2 câu kiểm tra lỗi sai ngữ pháp là thì động từ và đại từ thay thế. Tuy nhiên, có một câu về lỗi sai từ vựng dùng để phân loại học sinh, yêu cầu học sinh phải có kiến thức về từ vựng tốt.
Điền từ: Các chủ đề của bài điền từ quen thuộc với học sinh. Đề thi có 2 câu hỏi về ngữ pháp gồm: 1 câu về đại từ quan hệ, 1 câu về lượng từ và 1 câu về từ nối. Với 3 câu hỏi này, học sinh chỉ cần vận dụng các kiến thức ngữ pháp cơ bản có thể lấy điểm tối đa. Các câu hỏi về Word choice luôn là câu hỏi khiến học sinh phân vân nhất và phải có vốn từ vựng phong phú.
Đọc hiểu: Đây là dạng bài có thể phân loại học sinh ở mức tốt nhất vì nó tổng hợp tất cả các kiến thức ngôn ngữ và kỹ năng để làm bài.
Các loại câu hỏi của bài Đọc hiểu vẫn giữ nguyên trong những năm gần đây: câu hỏi tiêu đề của đoạn văn, câu hỏi về đại từ thay thế, câu hỏi về từ gần nghĩa, câu hỏi về thông tin chi tiết và câu hỏi suy luận.
Các câu hỏi khó rơi vào câu hỏi về tiêu đề đoạn văn, tìm từ đồng nghĩa và suy luận, yêu cầu học sinh phải có tư duy logic, kỹ năng phân tích và suy luận tốt mới có thể làm được.
Nhận định chung, cô Đặng Thị Phượng cho rằng: Đề thi có độ khó tương đồng với đề thi tốt nghiệp THPT năm 2022 và đề tham khảo năm 2023. Tuy nhiên đề thi tốt nghiệp THPT năm 2023 có độ phân hóa tốt hơn ở các câu hỏi mức độ vận dụng cao.
Đề thi không xuất hiện các câu hỏi mới lạ nhưng các câu hỏi về từ vựng và suy luận trong bài đọc hiểu được đánh giá là khá hay, khai thác được vốn từ cũng như khả năng tư duy tốt của học sinh.
Năm nay sẽ không có "mưa" điểm 9, 10, dự đoán phổ điểm chung là 5.5-7.
Hiếu Nguyễn
Đề Tiếng Anh vừa sức, không đánh đố thí sinh
Trao đổi với PV, cô Đặng Thị Hoài Thu, giáo viên Tiếng Anh, Trường THPT Hàm Rồng (TP Thanh Hóa), nhận định: Đề thi Tiếng Anh năm nay về cấu trúc cũng như mức độ các câu hỏi về Nhận biết, Thông hiểu và Vận dụng hoàn toàn bám sát đề tham khảo của Bộ GD&ĐT.
Cô Đặng Thị Hoài Thu, giáo viên Tiếng Anh, Trường THPT Hàm Rồng (TP Thanh Hóa). |
"Đặc biệt, đề Tiếng Anh năm nay cũng không có nhiều từ vựng quá khó, các chủ đề cũng được đánh giá là thân thiện, gần gũi với học sinh. Ngoài ra, trong đề thi cũng không có các câu hỏi đánh đố (tức là quá khó) với thí sinh", cô Thu chia sẻ.
Theo nữ giáo viên, với đề thi Tiếng Anh, thí sinh không chuyên nhưng nắm được kiến thức cơ bản có thể đạt được điểm 6+. Với thí sinh có lực học khá, thí sinh nắm vững kiến thức có thể đạt được điểm 8+.
Lường Toán
Đề Tiếng Anh bám sát mục tiêu Kỳ thi tốt nghiệp
Cô Nguyễn Thị Thanh Hương, giáo viên Hệ thống giáo dục Hocmai nhận định: Đề thi Tiếng Anh sát với cấu trúc đề thi tham khảo mà Bộ GD&ĐT đã công bố. Theo đó, đề gồm 50 câu hỏi với thời gian làm bài 60 phút.
Các đơn vị kiến thức được hỏi chủ yếu nằm trong chương trình Tiếng Anh lớp 12, không xuất hiện dạng câu hỏi mới, lạ, câu hỏi cực khó, bám sát mục tiêu của kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Về nội dung kiến thức: Cũng như mọi năm, đề thi kiểm tra các kiến thức về ngữ âm, ngữ pháp, từ vựng, chức năng giao tiếp, kỹ năng viết, kỹ năng đọc – đây đều là các kiến thức quen thuộc với thí sinh.
Về độ khó của đề thi: Khoảng 84% câu hỏi ở mức độ nhận biết, thông hiểu và phần còn lại là các câu hỏi vận dụng và vận dụng cao, độ phân hóa đề thi vẫn tập trung vào các câu hỏi từ vựng và suy luận của bài đọc hiểu.
Các câu hỏi ngữ pháp, từ vựng, tìm lỗi sai… là các kiến thức quen thuộc, xuất hiện nhiều trong chương trình học THPT lớp 12. Tuy nhiên câu hỏi về thành ngữ vẫn là câu hỏi để lấy điểm cao (câu 17 mã 409); câu hỏi từ vựng nâng cao (câu 8 mã 409); câu sửa lỗi sai về từ vựng (câu 50 mã 409), yêu cầu thí sinh cần có vốn từ phong phú và hiểu nhiều lớp nghĩa của từ. Câu hỏi về từ cùng trường nghĩa cũng không đánh đố thí sinh như các đề thi năm trước.
Bài đọc hiểu với chủ đề về Communication và Work experience quen thuộc. Các câu hỏi yêu cầu tư duy cao vẫn là câu hỏi về tiêu đề của đoạn văn (câu 31 và 36 mã 409), câu hỏi suy luận (câu 42). Mặc dù vậy nhưng các câu hỏi này không phải là các câu hỏi yêu cầu quá khó, thí sinh có thể dựa vào thông tin trong bài đọc kết hợp sử dụng các phương pháp loại trừ vẫn có thể chọn được phương án có khả năng đúng.
Ma trận đề thi như sau:
Dạng bài | Chuyên đề | Cấp độ câu hỏi | Tổng | |||
Nhận biết | Thông hiểu | Vận dụng | Vận dụng cao | |||
Ngữ âm | Phát âm | 2 | 2 | |||
Trọng âm | 2 | 2 | ||||
Ngữ pháp | Câu hỏi đuôi | 1 | 1 | |||
Câu bị động | 1 | 1 | ||||
Giới từ | 1 | 1 | ||||
So sánh | 1 | 1 | ||||
Động từ nguyên thể | 1 | 1 | ||||
Thì động từ | 1 | 1 | ||||
Mệnh đề thời gian | 1 | 1 | ||||
Liên từ | 1 | 1 | ||||
Rút gọn mệnh đề quan hệ | 1 | 1 | ||||
Loại từ | 1 | 1 | ||||
Đại từ | 1 | 1 | ||||
Mạo từ | 1 | 1 | ||||
Từ vựng | Phrasal verb | 1 | 1 | |||
Idiom | 1 | 1 | ||||
Collocation | 1 | 1 | ||||
Từ cùng trường nghĩa | 1 | 1 | ||||
Từ vựng nâng cao | 1 | 1 | ||||
Lỗi sai sử dụng từ | 1 | 1 | ||||
Từ đồng nghĩa | 1 | 1 | 2 | |||
Từ trái nghĩa | 1 | 1 | 2 | |||
Chức năng giao tiếp | Giao tiếp hàng ngày | 1 | 1 | 2 | ||
Kỹ năng đọc điền từ | Đại từ quan hệ | 1 | 1 | |||
Word choice | 2 | 2 | ||||
Từ nối | 1 | 1 | ||||
Lượng từ | 1 | 1 | ||||
Kỹ năng viết | Tìm câu đồng nghĩa | 1 | 2 | 3 | ||
Nối câu | 2 | 2 | ||||
Kỹ năng đọc hiểu | Hỏi tiêu đề | 1 | 1 | 2 | ||
Từ gần nghĩa | 2 | 1 | 0 | |||
Hỏi thông tin chi tiết | 3 | 1 | 4 | |||
Hỏi đại từ thay thế | 2 | 2 | ||||
Suy luận | 1 | 1 | ||||
Tổng (câu) | 17 | 22 | 6 | 5 | 50 | |
Tỉ lệ | 34% | 44% | 12% | 10% | 100% |
Hiếu Nguyễn
Đề Tiếng Anh khoảng 70% câu hỏi ở mức nhận biết và thông hiểu
Cô Phạm Thị Liên - Tổ trưởng bộ môn Tiếng Anh, Trường THPT Vị Xuyên (Hà Giang) nhận định, đề thi môn Tiếng Anh kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 có cấu trúc giống với đề minh họa đã được Bộ GD&ĐT công bố trước đó.
Cô Phạm Thị Liên - Tổ trưởng bộ môn Tiếng Anh, Trường THPT Vị Xuyên (Hà Giang). |
Theo đó, khoảng 70% câu hỏi ở mức nhận biết và thông hiểu, còn lại là vận dụng và vận dụng cao.
Phần ngữ âm đều là những từ dễ, học sinh đã học và xuất hiện nhiều trong chương trình học. Phần lớn các câu hỏi kiến thức ngữ pháp và một số câu từ vựng rất quen thuộc với thí sinh trong quá trình học và ôn tập lớp 12.
Câu chức năng giao tiếp đều thuộc chủ đề giao tiếp đơn giản, thể hiện quan điểm đồng tình hoặc không đồng tình; phần ngữ âm đều kiểm tra các nguyên âm đơn, phụ âm, trọng âm của từ có 2 âm tiết, 3 âm tiết tương tự như đề minh họa.
Phần câu đồng nghĩa - trái nghĩa đều là những câu hỏi rõ ràng về ngữ cảnh, học sinh học khá một chút có thể đoán nghĩa của từ trong ngữ cảnh để làm bài. Phần này có hai câu dễ, từ trong chương trình đã học, câu hỏi là thành ngữ đáp án là cụm từ giải nghĩa.
Cô Liên nhấn mạnh, dạng bài tìm câu đồng nghĩa, nối câu không xuất hiện các kiến thức mới, vẫn là các câu hỏi liên quan đến sự liên hệ giữa thì quá khứ đơn và thì hiện tại hoàn thành, modal verb, câu gián tiếp, câu điều kiện và đảo ngữ. Cấu trúc này giống như đề minh họa và đề năm 2022. Đây là các dạng bài để gỡ điểm cho học sinh.
Dạng bài xác định lỗi sai bám sát cấu trúc đề minh họa với 3 lỗi phổ biến: Sai về thì, sai về từ quy chiếu và sai về từ vựng. Học sinh nếu đã ôn tập quen dạng này rất dễ làm.
Bài đọc hiểu là các chủ đề quen thuộc. Các bài đọc không xuất hiện nhiều từ khó đọc nên học sinh hiểu được nội dung và tìm thông tin nhanh hơn. Các câu hỏi có độ phân hóa học sinh tốt vẫn là các câu hỏi về từ vựng, từ cùng trường nghĩa, thành ngữ và đọc hiểu suy luận như câu số câu 18, 21, 24, 38, 49, 50.
Đình Tuệ
Đề thi Tiếng Anh bám sát cấu trúc đề minh họa
Cô Nguyễn Thị Thu, giáo viên Tiếng Anh, Trường THPT Quan Sơn, huyện Quan Sơn (Thanh Hóa) nhận xét: Đề thi tốt nghiệp THPT môn Tiếng Anh năm 2023 cơ bản bám sát cấu trúc đề minh họa của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Tuy nhiên mức độ khó hơn đề minh họa 2023 do một số câu hỏi nhận biết đã được chuyển thành câu thông hiểu.
Cô Nguyễn Thị Thu, giáo viên Tiếng Anh, Trường THPT Quan Sơn (Quan Sơn, Thanh Hóa). |
Đòi hỏi học sinh phải nắm vững kiến thức cơ bản mới có thể chọn được đáp án đúng. Vì vậy sẽ khó khăn hơn đối với nhóm học sinh trung bình đặc biệt là các em học sinh khu vực miền núi như Quan Sơn.
Dự kiến phổ điểm môn Tiếng Anh năm 2023 không cao hơn năm 2022.
Thế Lượng
Đề thi Tiếng Anh không khó, dự đoán nhiều điểm 10
Cô Nguyễn Thanh Hương - giáo viên Trường THPT Lý Thường Kiệt (Hà Nội) cho biết, đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông môn Tiếng Anh năm nay giữ cấu trúc tương đối giống với đề thi minh họa do Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố và phát triển hơn một chút.
Nhìn chung, các câu hỏi không quá khó, đều bám sát với chương trình. Ở phần tìm từ trái nghĩa hoàn toàn có thể đoán được. Những nội dung ngữ pháp cũng hoàn toàn quen thuộc. Bài đọc và điền từ không làm khó thí sinh, bài đọc hiểu cũng rất quen thuộc.
Cô Hương cho rằng với đề thi này, nhiều thí sinh sẽ đạt điểm tối đa. Thí sinh có học lực trung bình có thể đạt điểm trên trung bình, đủ điểm để xét tốt nghiệp. Phổ điểm sẽ tương tự năm ngoái.
Cô trò Trường THPT Lý Thường Kiệt trong thời gian ôn thi tốt nghiệp THPT 2023. |
Theo cô Nguyễn Thu Hiền - giáo viên Trường THPT Đan Phượng đánh giá đề thi tương đối dễ thở, không đánh đố thí sinh. Cấu trúc đề bám sát đề thi minh họa năm 2023 và đề các năm trước. Nội dung ngữ pháp đều nằm trong chương trình, không có câu hỏi hóc búa, chủ yếu rơi vào chương trình lớp 12. Trong khi đó, các câu hỏi giao tiếp rất thực tiễn và gần gũi với đời sống.
Tuy nhiên, đề thi vẫn có nhiều câu để phân hóa học sinh. Những câu khó chủ yếu rơi vào phần từ vựng và thành ngữ. Nhìn chung, chỉ cần học kỹ sách giáo khoa, học sinh sẽ dễ dàng đạt 6-7 điểm, Những học sinh có học lực giỏi hoàn toàn có thể đạt điểm tối đa.
Vân Anh
Đề Tiếng Anh sẽ không có nhiều điểm 10
Cô Lê Thị Kim Nhung, Tổ trưởng Tổ chuyên môn Trường THPT Hương Khê (Hà Tĩnh) đánh giá: Đề thi môn Tiếng Anh có tính phân hóa cao. Các câu hỏi khó chủ yếu vẫn rơi vào phần thành ngữ, cụm từ, bài đọc cuối, viết lại câu.
Cô giáo Lê Thị Kim Nhung. Ảnh: NVCC. |
Ngoài ra, một số câu hỏi ở phần đầu như câu rút gọn mệnh đề, trạng ngữ cũng tương đối khó, dù đây là phần dành cho đối tượng thí sinh trung bình, yếu kém.
Bên cạnh đó, nhiều câu hỏi có ngữ liệu khó hơn so với đề minh hoạ của Bộ GD&ĐT. Một số câu như câu hỏi viết lại so sánh không "hóc búa" nhưng đáp án lắt léo, đòi hỏi thí sinh phải tư duy, suy nghĩ kĩ và tập trung cẩn thận.
"Điểm trung bình dự đoán không cao nhưng học sinh khá, giỏi có thể đạt từ 7 đến 9 điểm. Số lượng điểm 10 sẽ hạn chế", cô Kim Nhung chia sẻ.
Tú Anh
Đề Tiếng Anh thú vị, có tính ứng dụng cao
Đánh đánh giá về đề Tiếng Anh năm nay, cô Trần Thị Thùy, giáo viên Trường THPT Chuyên Vĩnh Phúc cho rằng: Đề thi bám sát với đề minh họa.
Thí sinh dự thi tại điểm thi THPT Chuyên Vĩnh Phúc. |
Về đánh giá chung, nhóm các bài đọc có chủ đề đa dạng, tương đối thú vị. Các câu tình huống giao tiếp có tính ứng dụng cao. Đề năm nay có tính phân loại cao hơn một chút so với năm trước.
Các câu phân loại bao gồm: Một số câu hỏi từ vựng ở mức độ C1+ (Câu 3, 17, 19, 28 mã đề 418); Ngữ pháp nâng cao (Câu 9, 10 mã đề 418); câu hỏi phần Viết lại câu (Câu 43, cùng mã) và câu chữa lỗi sai (Câu 49, cùng mã), và một phần câu hỏi ở bài Đọc hiểu số 2.
“Với đề thi này, mức điểm trung bình của học sinh Vĩnh Phúc đạt được sẽ từ 5,5 đến 5,8 điểm”, cô Trần Thị Thùy nhận định.
Cùng nhận xét về đề tốt nghiệp môn Tiếng Anh năm nay, cô Lê Huyền Diệu, giáo viên Tiếng Anh, Trường THPT Tam Đảo cho biết: Đề thi tốt nghiệp THPT năm 2023 môn Tiếng Anh bám sát đề minh hoạ. Đề đảm bảo tính phù hợp với chương trình phổ thông. Tuy nhiên mức độ phân hoá chưa cao.
“Với đề thi này, dự đoán sẽ có nhiều điểm 9 và 9+”, cô Lê Huyền Diệu chia sẻ thêm.
Long Anh
Đề thi tiếng Anh không quá đánh đố thí sinh
Thầy Trần Ngọc Hữu Phước, giáo viên Anh văn, Trường THPT Bùi Thị Xuân cho hay, cấu trúc đề thi bám sát với đề thi minh họa năm 2023 của Bộ GD&ĐT và đề thi các năm trước.
Nội dung ngữ pháp dàn trải, không có câu hỏi hóc búa. Chủ yếu các câu hỏi ngữ pháp rơi vào chương trình tiếng Anh 12. Các câu hỏi giao tiếp rất thực tiễn và gần gũi với đời sống.Nội dung hai bài đọc hiểu sáng tạo, các câu hỏi không quá khó để thí sinh trả lời.
Tuy nhiên, đề thi vẫn có nhiều câu phân hóa hay và sáng tạo. Đạt điểm 9 và điểm 10 chủ yếu rơi vào phần câu hỏi từ vựng và thành ngữ. Nhìn chung, chỉ cần học kĩ sách giáo khoa, thí sinh sẽ dễ dàng đạt từ 6 đến 7 điểm.
Hồ Phúc